Có một loài họa mi không biết hót

TRẦN ĐĂNG 05/12/2020 08:39

Ra Hà Nội đúng vào lúc chuyển mùa từ thu sang đông là một điều may mắn. Không còn cái cảm giác oi bức và cũng chưa phải co ro trong cái lạnh thấu xương. Đây lại là thời điểm mùa cúc họa mi nở rộ. Họa mi hoa, tất nhiên, không biết hót như họa mi chim nhưng vẻ mỏng manh thanh thoát của nó đủ để làm mê đắm bao người. Quý bà quý cô có dịp tha hồ “chớp bóng nuôi phây”.

Rừng cúc họa mi nơi bãi đá sông Hồng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Rừng cúc họa mi nơi bãi đá sông Hồng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Đến hẹn lại… hoa

Ở Hà Nội, những ai không thích lông nhông ngoài phố, chỉ cần nghe những người bán hoa rao ngang ngõ nhỏ là đủ biết đất trời đang vào tiết nào rồi. Thấp thoáng đâu đó gánh sen hồng là y như rằng mùa xuân vừa khép lại, mùa hè đang gõ cửa từng nhà, bất chấp lũ ve có kêu gào trên những hàng sấu cổ thụ hay không. Còn hễ thấy những gánh gồng đầy cúc họa mi là biết mùa thu chuẩn bị nói lời từ biệt để đón đông về.

Không biết từ bao giờ, loài hoa được coi như “hoa dại” mà lũ trẻ trâu miền thôn dã vẫn dùng để tặng cô dâu trong những đám cưới giả, giờ bỗng nhiên bước lên ngai vàng mỗi dịp cuối thu, làm nóng bao trang… facebook, làm thảng thốt bao khách đường xa như tôi - người chưa bao giờ nhìn thấy những rừng cúc họa mi vừa đẹp vừa kiêu sa như thế dọc bãi đá sông Hồng.

“Sắp đón cái lạnh đầu tiên trong năm rồi”, một nhà văn bạn tôi, dân Hà Nội gốc buông một câu bâng quơ khi thoáng thấy mấy cô đồng nghiệp ở miền Nam ra dự Đại hội Nhà văn Việt Nam, ôm trên tay mỗi người một bó cúc họa mi, rất nâng niu như thể ôm một lễ vật. Tôi hỏi sao anh biết là rét mướt sắp về? Anh bảo, nhìn cúc họa mi rộ lên như thế thì biết. Theo anh bạn, loài hoa này là cái máy dự báo thời tiết chuẩn xác nhất, không cần phải nghe cơ quan khí tượng nào.

Cúc họa mi bừng nở là thay một lời tiễn biệt mùa thu - mùa đẹp nhất trong năm ở Hà Nội. Hình như tạo hóa đã sắp đặt để người Hà Nội không phải lưu luyến gì khi chia tay mùa đẹp nhất trong năm vì đã có mùa cúc họa mi bù vào chỗ hao khuyết ấy rồi. Bởi vậy, thay vì chuẩn bị tâm thế để đón mùa rét mướt, người Hà Nội lại háo hức đón mùa cúc họa mi. Tâm trạng ấy lây sang cả những người không phải là dân Hà Nội. Nói vậy để thấy, chưa có loài hoa nào được chào đón với một tâm trạng háo hức khó tả như chờ mùa cúc họa mi. Sẽ có người hỏi, thế còn hoa đào thì sao? Hoa đào còn có sự thiêng liêng của tết cổ truyền hỗ trợ còn họa mi thì không. Nó dâng hiến đến tận cùng trinh bạch lẫn kiêu sa bằng sự dễ chịu đến mức khó tin về… giá cả. Đó là lý do để người Hà Nội và cả những ai đã làm quen với mùa hoa họa mi chờ đón trong tâm trạng háo hức.

 

Cô Tấm thành hoa hậu

Có thể ví von như thế để chỉ loài cúc họa mi. Hơn mười năm trước, tổng hành dinh cơ quan cũ của tôi - Báo Lao Động đóng tại Hà Nội nên tôi có dịp ra Thủ đô thường xuyên ở hầu hết các mùa trong năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cúc họa mi lại rộ lên như thế khoảng vài năm trở lại đây. Vốn là loài hoa có phần hoang dại nên cứ nghĩ cúc họa mi chỉ dành cho đám trẻ trâu. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước châu Âu cũng thế. Vậy nên nó mới có tên tiếng Anh là Baby’s pet. Cúc họa mi được xem như một thứ “thú cưng” của lũ trẻ vậy. Thế rồi “cô Tấm” quê mùa ấy đột nhiên thành hoa hậu mà không phải khoác lên người xiêm y lộng lẫy hay mang hài xanh giày đỏ gì. Khi cái nắng hao gầy cuối thu chưa kịp nói lời tạm biệt thì heo may đã kịp ùa về một sáng đầu đông, ấy là lúc “thế giới phây” của quý bà quý cô vỡ òa trước vẻ đẹp rỡ ràng của cúc họa mi.

Cúc họa mi trên phố Hà Nội. Ảnh: TRÀ BAN
Cúc họa mi trên phố Hà Nội. Ảnh: TRÀ BAN

Bạn tôi nói rằng, tận trên Hòa Bình, Mộc Châu, hoặc ở phía Hưng Yên, Hải Dương, những người nông dân tỏ ra năng động khi nắm bắt cái “gu” của dân chơi hoa Thủ đô. Đó là, ai cũng muốn mình là người đầu tiên chạm tay vào những đóa cúc trắng muốt đầu mùa. Những cành cúc họa mi còn nguyên nhựa cây đã theo chân gió đông cùng những người nông dân trồng hoa có mặt trên các đường phố của Hà thành sớm nhất. Dân sành hoa tỏ ra hào phóng khi bỏ ra vài ba trăm ngàn đồng để sở hữu một bó cúc họa mi đầu tiên. Vì họ biết, chỉ cần bó hoa ấy có mặt trong nhà mình và sớm xuất hiện trên “phây” là lập tức cả “làng phây” nghiện cúc họa mi sẽ như những kẻ lên đồng.

Giá một bó hoa như thế sẽ tụt không phanh chỉ sau đó chừng 2 tuần, ở mức 40 - 50.000đ. Sở dĩ có sự chênh lệch như thế là vì, cúc họa mi chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian 1 tháng rồi tàn lụi theo mùa. Khi mùa cúc họa mi chuẩn bị khép lại, giá lại tăng lên. Thì ra giá của “hoa hậu” này phụ thuộc hoàn toàn vào sự xuất hiện đúng lúc, đúng nơi.

Từ check-in làng hoa đến check-in sân bay

Cơn lốc đô thị hóa đã khai tử dần làng đào Nhật Tân. Tuy nhiên, những người từng gắn bó với Hà Nội từ hai ba mươi năm trước sẽ không phải tiếc nuối nhiều, khi có một loài hoa khác thế chỗ. Đó là làng hoa ở bãi đá sông Hồng, cũng thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Thực ra, làng hoa trên 10 héc ta ở bãi đá sông Hồng này gồm nhiều loại hoa nhưng du khách nhớ nhất vẫn là cúc họa mi. Chủ của các vườn hoa cúc họa mi ở đây chỉ phục vụ cho việc… selfie của du khách. Với 50.000đ mua vé vào cổng là bạn sẽ đặt chân vào thế giới của loài hoa này, có thể “nuôi phây” cả năm không hết với các kiểu ảnh chụp cùng cúc họa mi. Khách đông nhất vẫn là các bạn trẻ ở thủ đô và các “mệ” U50 - 60 từ khắp nơi trong nước có dịp ra Hà Nội thăm thú.

Bạn muốn có một bộ ảnh “cô dâu bên cúc họa mi” dù bạn đã là mẹ của… 2 - 3 đứa trẻ thì các dịch vụ ở làng hoa này cũng sẽ “có ngay, có ngay”. Bạn đưa ra yêu cầu “mỗi ngày một kiểu ảnh với cúc họa mi trên phây” cũng sẽ có một chuyên gia “chớp bóng nuôi phây” theo phục vụ bạn. Mặt bạn có nếp nhăn hoặc có nốt ruồi “vô duyên” giờ cần tươi tắn và… phẳng lỳ không gợn sóng, sẽ có một chuyên gia khác làm nhiệm vụ “cà” ảnh cho bạn đến khi nào thành… hoa hậu thì thôi. Nghĩa là, dịch vụ làm đẹp, cho thuê đồ cưới  ở đây không thiếu thứ gì, chỉ việc bạn bỏ tiền ra theo yêu cầu là sẽ được đáp ứng ngay. Nhưng, để có một bộ sưu tập ảnh cúc họa mi “nuôi phây” đến mùa sau, bạn chỉ có thể check-in làng hoa bãi đá sông Hồng ngay thời điểm này. Vì chừng mươi hôm nữa, bạn có bỏ “bạc bồ” thì không biết lấy đâu cúc họa mi để chiều lòng bạn.

Sân bay Nội Bài những ngày này đông như nêm cối. Trong rừng người chen nhau chuẩn bị check-in kia, sẽ không khó để nhận ra trên tay rất nhiều người ôm bó cúc họa mi. Tôi biết, ở phía sân bay bên kia, nơi những hành khách này đáp xuống, sẽ có các… quý bà đang đợi, thể nào cũng kèm một đôi tiếng xuýt xoa trước vẻ kiêu sa của bó cúc họa mi vừa cưỡi mây vượt ngàn cây số. Họ đâu biết, kẻ ôm hoa ấy đã chau mày nhăn mặt như thế nào khi phải tuồn cái thứ “lễ vật” thành kính kia qua máy soi an ninh! Cúc họa mi hoa chỉ có thể ôm vào lòng chứ không gửi theo khoang hành lý. Thế nhưng, vẻ đẹp kiêu sa và mong manh kia cũng phải “chui” qua máy soi, chịu sự “càn quét” của những vật cản. Tôi đã chứng kiến bao đức lang quân “giật thót” khi phải chứng kiến thứ “lễ vật” ấy bị chà xát thế nào! Nhưng có vẻ như những chiếc máy soi vô tri kia cũng chiều lòng những người ở sân bay bên kia đang đợi nên không hề có chút sứt mẻ nào!

Khi tôi viết những dòng này, cái rét đầu đông đã tràn về Hà Nội. Ấy là lúc, những rừng cúc họa mi nơi bãi đá sông Hồng sắp nói lời chia tay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có một loài họa mi không biết hót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO