Có một "Madam Bình" ở Paris!

VÂN TRÌNH 27/01/2023 06:59

Trong lịch sử lâu đời của mình, đất Quảng vinh dự đóng góp cho đất nước nhiều nhà ngoại giao nổi tiếng như Phạm Phú Thứ, Lê Đỉnh, Nguyễn Thành Ý… Và, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc đối với ngoại giao nước nhà phải kể đến bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước, người phụ nữ duy nhất tham gia ký “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27/1/1973, cách đây tròn 50 năm.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất ký Hiệp định Paris năm 1973 (Ảnh tư liệu lịch sử).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất ký Hiệp định Paris năm 1973 (Ảnh tư liệu lịch sử).

Đón tiếp “Madam Bình” ở Paris

Khoảng 2 giờ chiều 2/11/1968, bà Nguyễn Thị Bình trong bộ áo dài màu hồng sậm, khoác măng tô xám với chiếc khăn quàng đen điểm hoa, cùng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam bước xuống sân bay Bourget giữa đám đông người chào đón, trong đó có nhiều nhà báo.

Bước vào phòng khách danh dự, bà nói to, dõng dạc 5 điểm giải pháp của Mặt trận. Các nhà báo quốc tế ngạc nhiên, im lặng, rồi xung quanh vang tiếng bàn ghế gãy, kính vỡ loảng xoảng và cãi cọ om xòm vì ai cũng muốn đứng gần bà Bình để ghi hình, ghi tiếng tốt hơn.

Khi bà Bình đi trên đoàn xe bóng loáng, phấp phới lá cờ nửa đỏ nửa xanh, có ô tô, mô tô của cảnh sát Pháp dẫn đường và hộ tống, bà con Việt kiều và người dân Paris đứng chật hai bên đường sững sờ, xúc động.

Hôm sau, các báo Pháp và báo của các nước phát hành ở Paris đều chạy tít lớn “Đại diện của Việt Cộng đã đến Paris” với những lời bình rất kêu: “Việt Cộng đã thắng lớn qua cuộc đón tiếp Madam Bình ở Paris”; “Madam Bình như một bà hoàng được đón như một quốc trưởng với đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt”; “Madam Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris! Rất tuyệt! Thật hiếm có!”.

Nhiều nhà báo đeo bám đến nơi ở, có nhà báo leo qua tường, có người đặt máy ảnh giữa kẽ hở cánh cửa để bất chợt chụp được những tấm ảnh đặc biệt của “đoàn Việt Cộng”, nhất là ảnh “Madam Bình” ở biệt thự Thévent.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Tiền phong bên lề Hội thảo “35 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Bình cho biết: “Khi xuất hiện ở Paris, chúng tôi được đón tiếp rất đặc biệt, rất lớn, gây cho tôi xúc động mạnh. Phải nói là thế giới họ bất ngờ thấy đại diện của nhân dân miền Nam Việt Nam đang chiến đấu rất ác liệt, giành thắng lợi vang dội lại là một phụ nữ. Điều đó tôi càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình trên bàn đàm phán”.

Đấu lý, đấu trí và cả ý chí

Trong hơn 4 năm, tại các cuộc đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm rõ trước thế giới lập trường của Việt Nam: Mỹ đưa quân vào Việt Nam, gây chiến tranh, Mỹ phải rút quân vô điều kiện khỏi Việt Nam.

Mục tiêu trước sau như một của Việt Nam là: Độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Nước Việt Nam là một. Kẻ thù xâm lược đến Việt Nam, người Việt Nam dù ở miền Nam hay miền Bắc đều có quyền và nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy tại Hội nghị Paris.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy tại Hội nghị Paris.

Những lý lẽ đanh thép nhưng có tình, có lý ấy đã tỏa đi khắp các nước, trong dư luận quốc tế, qua các báo chí, vô tuyến truyền hình, các phương tiện truyền thông, khơi dậy một tình cảm mến phục mạnh mẽ.

Đáng chú ý là vào ngày 17/11/1970, trên kênh 1, Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Pháp tổ chức cuộc tranh biện với chủ đề “Việt Nam” tại Câu lạc bộ báo chí, có 20 nhà báo Mỹ, Pháp, Úc tham gia, trong số đó phần lớn bảo vệ lập trường của Mỹ. Một mình giữa các nhà báo sừng sỏ, bà Nguyễn Thị Bình đã bình tĩnh đối đáp bằng tiếng Pháp một cách mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị chấm dứt chiến tranh.

Bác bỏ các luận điệu sai trái, bà đanh thép nói: “Mỹ phải rút toàn bộ quân, đó là nguyên tắc. Không cần phải bàn! Sự hiện diện nửa triệu quân Mỹ là hết sức vô lý”. Bà liên tục nhắc nhở các nhà báo phương Tây: “Đừng đánh đồng quân xâm lược Mỹ với dân tộc Việt Nam - những người chiến đấu chống ngoại xâm và có quyền hợp pháp được đánh đuổi quân xâm lược trên lãnh thổ của mình”.

Người phụ nữ duy nhất ký Hiệp định Paris

Ngày 27/1/1973, diễn ra phiên chính thức ký kết “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Phóng viên hãng AP của Mỹ mô tả Trung tâm hội nghị Kléber tràn ngập biển người và cờ Việt Nam, cờ Mặt trận.

Họ tung hô Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Thị Bình: “Hoan hô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa! Hoan hô Chính phủ Cách mạng lâm thời!”.

Còn phóng viên hãng UPI viết: “Buổi lễ ký kết hòa bình ở Việt Nam diễn ra trong khung cảnh huy hoàng tráng lệ của thế kỷ 19 và những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất mà thế kỷ 20 có thể tạo ra. Bốn Ngoại trưởng, 2.000 cảnh sát và an ninh bảo vệ nghiêm cẩn”.

Đại diện cho đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris. Đối với nhà ngoại giao xuất sắc của thế kỷ 20 này, đây là một điều rất thiêng liêng.

Bà chia sẻ: “Tôi được thay mặt nhân dân miền Nam ký vào một văn kiện lịch sử. Kết quả của Hiệp định là bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí. Lúc ấy tôi nghĩ đến những người thân quen đã đi xa không được chứng kiến những giờ phút lịch sử này... Xúc động trào nước mắt. Cảm xúc ấy đi cùng tôi suốt cuộc đời”.

(1) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có một "Madam Bình" ở Paris!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO