Có một người Quảng Nam dịch thơ La Fontaine

LƯU LIÊN ANH 06/09/2023 06:52

(VHQN) - Không chỉ Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Mỡ… và nhiều người nổi tiếng đã dịch thơ La Fontaine ra tiếng Việt, mà còn phải kể thêm một người Quảng Nam nữa mà lâu nay hầu như không ai biết: dịch giả Trần Gia Thoại.

Tập thơ ngụ ngôn La Fontaine do Trần Gia Thoại dịch.
Tập thơ ngụ ngôn La Fontaine do Trần Gia Thoại dịch.

 Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử báo chí Sài Gòn, tôi phát hiện ra một điều đáng chú ý. Đó là sự thay đổi đột ngột của mục Thứ vụ trên Gia Định Báo vào ngày 1/12/1881.

Trước đó, mục Thứ vụ là mục viết những thông báo linh tinh của chánh quyền từ những văn bản thúc thuế cho đến việc rao bán đấu giá những mặt hàng dành cho quân đội, chánh quyền.

Tới ngày 1/12/1881, trong mục này bỗng xuất hiện ba bài viết văn xuôi ngắn chiếm nửa trang báo khổ A3, không có tên tác giả, gồm: “Cách thế cứu người chết ngột”, “Tên chăn bò” và “Thằng ăn trộm với con heo”.

Nhà thơ Trần Gia Thoại.
Nhà thơ Trần Gia Thoại.

“Cách thế cứu người chết ngột” (đúng ra là chết ngộp) là một bài khoa học thường thức. Còn hai bài kia là truyện. Phải chăng đây là những truyện đầu tiên được đăng trên báo Quốc ngữ? Nhưng tác giả là ai?

Sau đó, khi được đọc cuốn “Phansa diễn ra quấc ngữ” của ông Trương Minh Ký in năm 1884 và tái bản năm 1886, tôi phát hiện trong đó có đăng hai truyện này.

Cụ thể: “Thằng ăn trộm với con heo” mang số 110, còn “Tên chăn bò” mang số 119. “Phansa diễn ra quấc ngữ” là những truyện “chuyển thơ ngụ ngôn La Fontaine thành văn xuôi” của ông Trương Minh Ký.

Với tôi, dù là chuyển thể từ thơ, nhưng đây là những truyện đầu tiên, viết bằng văn xuôi, in trên báo Quốc ngữ Sài Gòn. Vì vậy tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn.

Thông tin này quan trọng ở chỗ cho chúng ta một cái nhìn khác, rằng chính Trương Minh Ký là người đầu tiên dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine ra tiếng Việt, chứ không như bao nhiêu năm nay, ta vẫn tưởng là thuộc về vai trò của nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ dừng lại ở các cuốn dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine. Vì không chỉ Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Mỡ… và nhiều người nổi tiếng đã dịch La Fontaine, mà còn phải kể thêm một người Quảng Nam nữa mà lâu nay hầu như không ai biết: dịch giả Trần Gia Thoại.

Tập thơ ngụ ngôn La Fontaine do Trần Gia Thoại dịch.
Tập thơ ngụ ngôn La Fontaine do Trần Gia Thoại dịch.

Năm 1954, nhà in Vũ Hùng tại Hà Nội đã in tập thơ La Fontaine (tập 1) in song ngữ Pháp - Việt do Trần Gia Thoại dịch, đặc biệt ông chỉ chọn chuyển tải qua thể thơ ngũ ngôn. Qua năm sau, ông cho in tập 2, lần này, ông chọn nhiều thể thơ khác như bảy chữ, năm chữ, lục bát, tự do, ngũ ngôn tứ tuyệt.

Trong lời nói đầu, ông cho biết: “Trong sách có 34 phụ bản do họa sĩ Mạnh Quỳnh hoạt họa. Đáng lẽ tập Nhì chưa ra đời, song sau khi xuất bản tập đầu, bạn hữu xa gần ủng hộ, khuyến khích nên tôi vội cho ra mắt làng văn trong năm nay”.

Mạnh Quỳnh là họa sĩ nổi tiếng ngoài Bắc, đã vẽ minh họa cho bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Cẩn thận so sánh, tôi nhận thấy tranh minh họa của 2 bản dịch này khác nhau. Nếu đọc kỹ ta sẽ thấy mỗi dịch giả đều có cách diễn đạt khác nhau, kể ra cũng là điều hết sức thú vị.

Chẳng hạn, bài “Les deux chèvres”, Nguyễn Văn Vĩnh dịch “Hai con dê cái” qua thể thơ lục bát, Trần Gia Thoại dịch “Hai con dê” ở thể thơ ngũ ngôn. Đây là câu chuyện về hai con dê đi ngược chiều nhau trên một chiếc cầu, không nhường nhau, cùng tranh phần sấn tới, cuối cùng ngã lăn đùng xuống suối.

Ông Vĩnh dịch: “Cô này cậy cháu nhà tông/ Dê này Bách lý là ông sáu đời/ Con dòng cháu giống phải chơi!/ Cô kia khi ấy tức thời nghĩ ra/ Tổ tiên ngũ đại nhà ta/ Là dê Tô Vũ ông cha kế truyền/ Cũng là cháu phượng con tiên/ Hai cô cùng dấn bước lên nhịp cầu/ Nào ai có nhượng ai đâu/ Ganh nhau cho đến đâm đầu xuống khe/ Câu này chẳng những chuyện dê/ Bước đường danh lợi người đi cũng đường”. Còn ông Thoại dịch: “Cóc kệ nỗi hiểm nguy/ Không bên nào chịu nhượng/ Càng hung hăng làm tướng/ Như Triệu Tử huơ đao/ Bên nào cũng tự hào/ Dòng trâm anh thế phiệt/ Rồi giao phong quyết liệt/ Hai chú ngã lăn khe/ Khoe khoang, ngôi thứ tranh đua/ Là hai chuyện hão lại mua hiểm nghèo”.

Quan sát kỹ, thay vì phải dẫn ra những nhân vật bên Trung Hoa như Bách Lý Hề, Tô Vũ, ông Thoại chỉ dùng mỗi cụm từ “Dòng trâm anh thế phiệt”. Chỉ đưa ra một bài ngụ ngôn với hai bản dịch, tôi không có ý so sánh, chỉ nhấn mạnh khi thơ La Fontaine sang nước Việt được kể lại với nhiều sắc thái khác nhau.

Về tiểu sử ông Trần Gia Thoại, trước đây không có nhiều tài liệu, chỉ biết ông sống tại Đà Nẵng, ngoài dịch thơ La Fontaine, ông có hai tập thơ đã in là “Duyên văn” (1952), “Nợ bút” (1953).

Lần theo tư liệu gia đình cung cấp, tôi có thêm thông tin như sau: Trần Gia Thoại, hiệu Song Châu, sinh ngày 2/5/1907 tại làng Mỹ Xuyên Tây, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên, nay là xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lúc nhỏ học chữ Nho tại nhà, sau ra Huế học trường Pellerin.

Ông làm thơ từ khi còn trẻ, đã có thơ in trên Tiếng Dân, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn, Thần kinh, Kịch trường… từ trước năm 1945. Từ 1954 - 1975, ông xuất bản hơn 10 tác phẩm, gồm thơ, dịch và biên khảo. Cuốn biên khảo “Tâm sự nhà chí sĩ Phan Châu Trinh qua thi ca” (1958) là một nghiên cứu sớm, có nhiều đóng góp.

Từ năm 1973, ông tích cực hoạt động trong ngành xuất bản, tổ chức Cổ học tùng thư, thuộc Thị hội cổ học Đà Nẵng do ông làm Chủ tịch. Thị hội đã tổ chức nhiều buổi diễn thuyết về văn hóa dân tộc, do các diễn giả như Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Văn Thọ, Phan Du… đảm trách. Năm 1974, Cổ học tùng thư đã xuất bản “Quảng Nam qua các thời đại” (tập 1), do Phan Du biên khảo. Trần Gia Thoại bị bệnh và mất tại Sài Gòn ngày 23/9/1986.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có một người Quảng Nam dịch thơ La Fontaine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO