Trần Sinh và Lý Ba, hai đứa ở gần nhà với nhau cùng làng Phú Hội. Đây là vùng ngoại ô chuyên canh trồng rau và các loại cây ăn trái. Tuy Lý Ba lớn hơn Trần Sinh vài tuổi nhưng hai đứa rất thân nhau.
Trần Sinh, mắt trố, da đen nhẻm, trán trợt, răng hô. Lý Ba lại khác, người cao to, da men mét, mắt to mà khi nhìn lên tròng trắng nhiều hơn tròng đen, môi mỏng, miệng rộng. Kể cũng lạ, giọng Lý Ba nghe eo éo như đàn bà nhưng nói gì ai cũng nghe. Nhà Trần Sinh mấy đời làm ruộng, trồng rau. Nhà Lý Ba chuyên làm nghề đúc chân đèn, củ đổng. Lý Ba và Trần Sinh dù là bạn thân nhưng có hai sở thích khác nhau. Trần Sinh, ngoài giờ đi học thì đi bắt những con chim non về nuôi. Muốn nuôi chim non đâu dễ. Mỗi sáng sớm, Trần Sinh phải ra đồng lấy lúa mới ngậm đòng đem về nhai nhuyễn lấy sữa mà sú cho chim. Chim lớn lên, Trần Sinh sáng nào cũng dậy thật sớm đi bắt cào cào, châu chấu, hoặc dế cho chim ăn. Chim của Trần Sinh, lúc nhỏ nuôi trong lồng, khi lớn lên thì thả bay tự do mà đến chiều tự dưng bay vào lồng. Trần Sinh chỉ cần huýt gió thì chim hót ngay, thả ra lại bay đậu trên vai. Thế mới tài chứ! Hỏi, bí quyết gì mà ngay con cu cườm vốn bạc bẽo mà nó lớn lên sổ lồng nó không bay về rừng mà trở lại với ngục tù là cái lồng chim? Trần Sinh lại nhe hàm răng ố vàng cười và mắng: Ngu quá mày ơi! Tao yêu nó thì nó phải yêu tao thôi!
Khác với Trần Sinh, Lý Ba được sinh ra trong một gia đình phú hộ. Lý Ba lại mê cây cỏ và ham đọc sách nghiên cứu về các cây thuốc nam. Hết lớp 12, Lý Ba học theo một khóa đào tạo giáo viên ngắn ngày rồi xung phong ra hải đảo làm nhiệm vụ xóa mù chữ. Thời bao cấp, lương nhà giáo không đủ nuôi thân huống hồ nghĩ đến chuyện lấy vợ. Vậy là, Lý Ba bỏ nghề vào Sài Gòn học lớp lương y và học luôn nghề thầy pháp của một người Hoa ở Chợ Lớn. Đây là sở nguyện từ nhỏ của Lý Ba.
Lại nói về Trần Sinh, ngoài việc mê chim chóc, Trần Sinh có tài hội họa. Mỗi khi nhà trường phát động làm bích báo, Trần Sinh đều chịu trách nhiệm minh họa. Giải thưởng về minh họa bích báo, lớp Trần Sinh bao giờ cũng nhận giải nhất. Trần Sinh vui lắm! Hết lớp 9, Trần Sinh thi vào trường trung cấp xây dựng và dĩ nhiên Trần Sinh trúng tuyển. Thời đó, muốn vào học phải ứng trước 16 ký gạo, sau đó nhà trường trả lại. Nhà Trần Sinh nghèo, nhưng thương con, cha mẹ phải lo. Học chưa hết một năm, vì đói quá, Trần Sinh giả vờ cáo bệnh ở ký túc xá lấy trộm nhu yếu phẩm của bạn chung phòng nên bị đuổi học. Xất bất xang bang, Trần Sinh xin vào một tờ báo địa phương làm công việc của người trình bày maquette và dò lỗi morasse. Hồi đó, cán bộ công viên chức được ăn cơm miễn phí ở nhà ăn liên cơ nhưng phải có ticket được đóng dấu hẳn hoi. Ticket hết hạn, Trần Sinh lấy củ khoai lang khắc giả con dấu của nhà ăn. Bị phát hiện, nhà ăn báo về cơ quan, Trần Sinh bị kỷ luật buộc thôi việc. Buồn, biết đâm đầu vào đâu! Trần Sinh trở về làng Phú Hội trồng rau rồi lấy vợ. Thao Thao vợ Trần Sinh là gái nạ dòng nhưng thôi kệ, miễn là hai đứa yêu nhau thiệt lòng là được.
Lấy vợ, Trần Sinh bỏ nghề làm ruộng, quyết chí ra thành phố kiếm việc làm. Ra phố ở đâu? Lấy gì để thuê phòng trọ? Thao Thao chùng chình không muốn nhưng Trần Sinh đã quyết phải ra phố để làm oai với thiên hạ. Bằng mối quan hệ từ nhiều năm, người bạn Trần Sinh còn dư căn nhà cấp bốn cho hai vợ chồng Trần Sinh ở tạm mà không nghĩ gì đến tiền nong. Chỗ ở vậy là tạm ổn. Còn việc làm là vấn đề phải nghĩ tới trong khi vợ chồng chẳng có nghề ngỗng gì sất. Thao Thao giỏi giang xin được một chân làm công nhân cho công ty hải sản còn Trần Sinh thì làm anh “thợ đụng”, nghĩa là đụng đâu làm đó. Thu nhập thấp nhưng gói ghém cũng đủ đắp đổi qua ngày.
Từ ngày ra phố Trần Sinh vẽ nhiều hơn. Tranh sơn dầu của Trần Sinh thường vẽ dòng sông, con thuyền, lao động biển… nơi thành phố anh đang sống. Tranh Trần Sinh mượt mà nhưng phảng phất buồn buồn nên khó bán. Khó bán cũng được miễn là thỏa ước mơ trở thành họa sĩ. Rồi Trần Sinh cũng thành họa sĩ thiệt khi anh được kết nạp vào Phân hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học nghệ thuật. Nghèo nhưng ngày được công nhận là họa sĩ, Trần Sinh sai vợ lo mồi mỡ mời năm ba đàn anh trong nghề về nhà nhậu một bữa tưng bừng. Thấy chồng vui, Thao Thao cũng vui lây. Nói tranh Trần Sinh khó bán không có nghĩa là không bán được. Tranh Trần Sinh bán theo giá rất ư là hữu nghị đủ tiền mua bố, sơn dầu, khung để “tái sản xuất”. Năm đó, chuẩn bị triển lãm tranh khu vực, Trần Sinh nảy ý định vẽ một bức khỏa thân nhưng tiền đâu để thuê người mẫu là điều làm Trần Sinh đau đầu mấy ngày liền. Bất chợt, Trần Sinh nghĩ đến Thao Thao. Bữa cơm tối hôm đó, Trần Sinh uống liên tục hết một xị rượu đế để lấy can đảm đề nghị vợ làm người mẫu khỏa thân. Thao Thao nguýt dài rồi nói em xấu huơ xấu hoắc mà làm người mẫu cái nỗi gì? Trần Sinh nịnh, ai bảo em xấu, em xấu sao anh chịu lấy làm vợ, mà em xấu đi chăng nữa anh cũng sẽ biến em thành tiên nữ cho coi, vậy mới đáng mặt họa sĩ Trần Sinh này chứ! Nói đoạn, Trần Sinh cười hì hì như “ông địa cười chè”. Không biết có phải cảm xúc khi vẽ về vợ mình hay sao mà bức tranh đó đúng là xuất thần, bạn bè nhận xét như vậy. Đúng như nhận xét của bạn bè, bức “Tắm giữa đêm trăng” của Trần Sinh đoạt giải nhất triển lãm khu vực.
Ở nhờ nhà người bạn hơn chục năm ròng, đến lúc phải trả nhà vì người bạn bán cho người khác. Trần Sinh “hỏng giò” phải quay lại Phú Hội làm căn nhà nho nhỏ đủ chui ra chui vô, đủ chỗ che nắng che mưa cũng là hạnh phúc. Hôm đó, Trần Sinh mời chừng mười người bạn tâm giao tổ chức ăn nhậu với mồi nhấm cây nhà lá vườn vì gà có sẵn, cá đồng không thiếu, rau thì ở ngoài vườn chỉ tốn một ít tiền mua rượu để gọi là tân gia. Ai cũng nâng ly chúc mừng Trần Sinh và Thao Thao vì năm mươi tuổi đời mới có căn nhà riêng dù hơi nhỏ nhưng ấm cúng. Thao Thao vốn không ưa rượu nhưng vì nể bạn của chồng nên uống mấy ly, má ửng hồng như gái Đà Lạt. Rồi, Thao Thao hát, bạn bè của Trần Sinh ai cũng khen hay. Càng khen, Thao Thao nổi hứng hát mấy bài liền sau đó rút lui để Trần Sinh tự nhiên với bạn bè. Tiệc tan, bạn bè ra về mà không quên những lời chúc tụng có cánh.
Đêm đó, trời oi bức đến lạ kỳ. Trần Sinh trong cơn chếnh choáng men rượu nồng thay vì vào phòng ngủ với vợ thì ra hè nằm ngủ ngáy khò khò. Thao Thao rón rén lấy chiếc mền mỏng ra đắp cho chồng vì sợ nửa đêm sương xuống chồng bị cảm lạnh lại khổ. Thao Thao tưởng rằng một đêm chồng ngẫu hứng ra nằm vỉa hè nhưng không phải vậy mà đêm này đến đêm khác khi không trực ca đêm, về nhà cơm nước xong lại ra vỉa hè ngủ say sưa. Trong giấc ngủ say Trần Sinh bao giờ cũng thấy một cô nàng tuổi chừng mười tám đôi mươi, gương mặt hình tam giác, khoác chiếc áo màu xanh, phía trong là bộ cánh màu hoa sen, chân dài thườn thượt không thua gì các người mẫu. Nàng đến dù làn da mát lạnh nhưng lúc ôm thì Trần Sinh thấy ấm lạ kỳ. Vậy là đêm nào Trần Sinh và cô nàng áo xanh cũng ân ái, vần vũ mây mưa không chán. Có hôm, Thao Thao nằm trong phòng nghe Trần Sinh phì phò hổn hển. Sợ chồng bị trúng gió, Thao Thao bước ra lay chồng vào phòng ngủ. Trần Sinh quát, thì cô cứ vào ngủ đi, làm mất giấc mơ đẹp của người ta, gió máy gì mà sợ. Thao Thao lại nghĩ, không lẽ chồng mình ra đường gặp người nào khác chăng? Mà cũng có thể lắm chứ! Ai chứ dân văn nghệ sĩ hiếm gì đào. Lão viện cớ trực đêm để hò hẹn với ai đó chứ làm gì mà cả mấy tháng nay không ngó ngàng đến mình. Nghĩ là nghĩ vậy thôi chứ Thao Thao vẫn tin chồng không đến nỗi nào.
Kể từ ngày Trần Sinh ra ngủ vỉa hè thì phong cách vẽ khác hẳn. Bây giờ Trần Sinh chỉ vẽ có hai gam màu chủ đạo là xanh và đỏ theo lối trừu tượng. Dân trong nghề nhìn kỹ mới nhận ra đó là mỹ nữ có đôi chân dài như cọng khoai môn. Tranh Trần Sinh được những người mộ điệu mua giá rất cao nhưng Trần Sinh nhất định không bán. Thao Thao buồn nhưng buồn hơn là Trần Sinh da dẻ ngày càng xanh xao, biếng ăn và tay chân run lẩy bẩy. Ở bệnh viện bác sĩ nói anh bị suy dinh dưỡng cho uống thuốc bổ và dặn Thao Thao chịu khó mua thịt bò cho Trần Sinh tẩm bổ, nhưng vẫn không khỏi bệnh. Suốt ba tháng trời, Trần Sinh nằm liệt giường. Thao Thao lo quá tìm đến thầy Tăng. Thầy Tăng là một trong những lương y giỏi nhất thành phố. Thầy Tăng bắt mạch, trợn mắt hỏi: vợ chồng em dạo này quan hệ thường xuyên phải không? Thao Thao lại nói: làm gì có anh, nhiều tháng nay vợ chồng em chưa gần gũi lần nào. Thầy Tăng lại nói: lạ quá, nếu không sao mạch nó yếu và âm khí nhiều hơn dương khí, thôi thì anh bổ cho nó thang chân khí để phục hồi nguyên khí, em nhớ cho nó uống đều nghe không! Thầy Tăng dặn vậy.
Uống hết 10 thang chân khí, sức khỏe của Trần Sinh có cải thiện chút chút nhưng Thao Thao không tin tưởng lắm lại tìm đến Lý Ba. Sau khi nghe Thao Thao kể chuyện về Trần Sinh, Lý Ba nói thầy Tăng bổ thang chân khí là đúng rồi mà sao uống không hết? Chờ chút! Nói xong, Lý Ba giơ bàn tay trái bấm ấn tý rồi phán: Không xong rồi! May mà em tìm đến anh sớm chứ không mạng nó bị con yêu nữ bắt đi rồi! Thao Thao run run hỏi, vậy làm sao cho ảnh hết bệnh vậy anh? Lý Ba nói phải cúng giải tà ma cho nó chứ sao? Lễ vật sao, anh nói để em chuẩn bị, Thao Thao hỏi. Lý Ba trợn ngược cặp mắt trắng dã nói, sau nhà em có chuối đó, cắt một nải, trước nhà em có cây bông điệp hái mấy cành cắm bình, em chỉ mua cho anh xị rượu trắng, chạng vạng tối nay anh qua cúng cho.
Chạng vạng, Lý Ba qua nhà cùng Thao Thao lập hương án. Xong xuôi, Lý Ba ngồi xếp bằng trước hương án, đầu đội tấm khăn điều, bấm ấn đang lâm râm khấn vái bằng thứ tiếng gì lạ hoắc thì bất ngờ Trần Sinh loạng choạng bước ra đạp đổ hương án và chỉ vào mặt Lý Ba nói tao chưa chết việc gì mày bày đặt cúng bái. Lý Ba lầm bầm cuốn gói đi về.
Đêm đó, Trần Sinh lại nằm mơ thấy cô nàng áo xanh. Lần này nàng khóc nói, em xin lỗi anh vì chút xíu nữa thì anh mất mạng vì em rồi. Em đến với anh hàng đêm cũng vì muốn trả ơn của anh ngày xưa. Trần Sinh trố mắt hỏi lại, ơn gì? Thì anh nhớ lại đi, lúc còn nhỏ anh hay nuôi chim, sáng nào anh cũng bắt cào cào, châu chấu hay lũ dế về làm mồi cho chim. Riêng em, lúc đó nhỏ xíu chỉ lớn hơn cây tăm một chút, anh thương tình nuôi em. Cảm động nhất là sáng sớm khi sương chưa tan, anh hái những ngọn cỏ non về nuôi em. Nhờ sự chăm chút của anh mà em mau lớn có bộ cánh áo xanh mượt mà và bộ yếm màu cánh sen. Theo quy luật, đến một ngày em chết đi, anh buồn bã chôn em thay vì cho lũ chim háu đói xé xác em. Anh chôn em bên hiên nhà mình đây nè! Hồi tối, anh đạp đổ hương án của lão pháp sư đó, nếu trễ một chút em sẽ vĩnh viễn không kịp đầu thai làm kiếp người. Cảm ơn anh, em về để kịp giờ đầu thai đây. Nói xong, cô nàng áo xanh chắp cánh bay đi.
NGUYỄN HỮU CÁN