Nhà nghiên cứu Phạm Thúc Hồng (Hội An) từng chia sẻ, lâu nay trong hoạt động quản lý chuyên môn Nhà nước, người ta hay dùng từ “kịch bản” mà không liệu hết, hay hiểu rõ ý nghĩa đích xác của từ này, dẫn đến nhiều trường hợp dùng sai lệch hoặc không nghiêm túc.
Đơn cử đang vào thời điểm cuối năm, dư luận sẽ bắt gặp những dạng thông tin nào là “kịch bản thị trường sau tết”, nào là “kịch bản kinh tế 2023”. Gần như ở lĩnh vực nào, hoạt động nào, mọi người cũng đều dễ dàng đặt từ “kịch bản” vào văn cảnh mà không suy nghĩ, liệu có đúng như thế hay không.
Từ “kịch bản”, thật ra có nghĩa là sự việc giả lập, không có thật, thậm chí không hề nghiêm túc. Kịch, trong chữ Hán, nguyên thủy là quyết liệt, sau đó biến đổi dần thành việc giả vờ. Trong diễn giải chữ Hán, người xưa cũng từng lý luận, chữ kịch này được tạo từ chữ “cừ” và bộ đao.
Chữ “cừ”, gồm chữ “hổ” (con cọp) và chữ “trư” (con lợn) gộp lại, tả cảnh hổ dữ đánh nhau với lợn rừng, rất quyết liệt; khi thêm bộ đao (cây đao) vào, thì càng dữ dội hơn. Nhưng chữ này cũng được hiểu, người ta thấy con lợn lại giả trang thành con hổ, để lừa người khác.
Chữ “kịch”, vì thế được hiểu là sự việc được tạo ra không có thật, giả lập, trá hình. Văn chương cổ Trung Quốc cũng đã dùng nghĩa chữ “kịch” là giả bộ, khi gán với chữ “bản” (gốc rễ, bản thể) sẽ thành từ “kịch bản”, nghĩa là bản giả lập, bản đóng vai.
Với nghĩa này, từ kịch bản sẽ được ưu tiên dùng trong những trường hợp giả trá thay thế sự thật. Kịch bản, là một nội dung được sửa đổi, thêm thắt và quan trọng là có thể chỉ đùa vui, giả bộ diễn ra, không hề là sự thật, không hề là vấn đề chính thức được xem xét.
Nghĩa từ “kịch bản” như vậy, cho thấy từ này, có thể dùng trong văn học nghệ thuật, dùng để chỉ những nội dung, vấn đề chỉ có thể xảy ra ở trên sân khấu, với nội dung giải trí, nhuốm màu sắc nghệ thuật, tâm lý…
Nếu nói đến một “kịch bản sân khấu hóa”, “kịch bản trò chơi”… thì hoàn toàn phù hợp. Nhưng nói đến “kịch bản kinh tế”, “kịch bản thị trường”, “kịch bản giao thông đô thị”… thì người dùng nên xem xét lại.
Thay vào đó, người dùng cần sử dụng những từ đích xác hơn, như kế hoạch, chương trình, sách lược, giải pháp, đề án, chủ trương… Không nên dùng từ “kịch bản” theo nghĩa phiếm chỉ chung chung, để chỉ vào một vấn đề, ngữ cảnh… rất quan trọng, đòi hỏi sự nghiêm túc, chính xác và phù hợp. Dùng từ như vậy, sẽ thỏa đáng, nhất là làm rõ ràng, trong sáng về việc dùng tiếng Việt trong cộng đồng xã hội hơn.