Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019 tổ chức tại Quảng Nam vừa kết thúc thành công với nhiều dư âm đẹp. Tuy nhiên, chen lẫn đâu đó vẫn còn đôi điều tiếc nuối.
Trước khi giải diễn ra, thông tin ban tổ chức quyết định không bán vé mà mở cửa tự do để phục vụ khán giả vào sân xem các trận đấu được người dân hoan nghênh. Đây là lần đầu tiên trong 16 năm tổ chức giải, khán giả được xem miễn phí. Tuy nhiên, việc miễn phí này không đem lại kết quả như mong muốn dù ban tổ chức đã rất nỗ lực. Khán giả, dù được phục vụ miễn phí nhưng lại rất vất vả chen lấn, xô đẩy, tốn khá nhiều thời gian mới có được chỗ ngồi.
Không chỉ chuyện xem bóng chuyền, mà lâu nay, cái được gọi là “miễn phí” đôi khi cũng còn một số bất cập hoặc bị lợi dụng. Bữa cơm miễn phí cho người nghèo có giá 3 nghìn đồng vốn rất nhân ái, nhân văn vẫn bị người không thực sự nghèo khó đến ăn. Hay như mấy năm trước, chính sách giữ xe miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong các bệnh viện ở TP.Đà Nẵng cũng bị một số người dân lợi dụng khi không đi viện mà vẫn gửi xe tại đó.
Trở lại với chuyện miễn phí xem Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Tôn Hoa Sen 2019, có lẽ phải thẳng thắn nhìn nhận, đối với người thật sự hâm mộ môn thể thao này, họ muốn đến nhà thi đấu vì tình yêu bóng chuyền, vì muốn trực tiếp xem những pha bóng của các “chân dài”, hoàn toàn không phải vì miễn vé vào cổng mà họ đến. Minh chứng là trong lần tổ chức giải đấu bóng chuyền nữ năm trước, khán giả xứ Quảng và các địa phương lân cận, thậm chí chấp nhận bỏ tiền mua vé “chợ đen” để được xem các trận đấu. Những người hâm mộ thật sự, họ thích được mua vé để có chỗ ngồi đàng hoàng, không phải chen lấn, không phải lo đi sớm trước mấy giờ đồng hồ để “xí chỗ ngồi”. Như để được xem trận chung kết diễn ra lúc 20 giờ tối 10.8 vừa qua, nhiều khán giả phải đi từ trưa, ngay cả khi nhà thi đấu chưa mở cổng. Giải năm nay, vẫn còn nhiều người có tình yêu mãnh liệt đối với môn thể thao này không có được chỗ ngồi xem trong nhà thi đấu vì không thể chen chân.
Một khán giả ở xa, sau khi lặn lội đến nhà thi đấu TD-TT tỉnh nhưng không được vào xem, ông nói với vẻ thất vọng rằng tưởng không bán vé là vì dân nhưng thực tế là không phải vậy, sẽ gây phiền toái cho dân. Sức chứa của nhà thi đấu có hạn, trong khi đây là giải đấu lớn nên bán vé cũng là một cách để góp phần giữ an ninh trật tự và giữ nếp văn minh. Không bán vé, khán giả chen chúc xô đẩy, khiến nhân viên cảnh sát dày đặc để giữ trật tự sẽ tạo ra những hình ảnh phản cảm, đặc biệt là trong mắt của bạn bè quốc tế. Tại sao không bán vé để có thêm nguồn kinh phí mà lo cho công tác an sinh xã hội ở địa phương?
Sự chen lấn, giẫm đạp lên nhau, trước khi nhìn ở góc độ văn hóa khán giả, thì cũng nên nghĩ đến lý do của nó. Điều quan trọng là dù bán vé hay miễn phí thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ khán giả một cách tốt nhất và phục vụ đúng đối tượng có nhu cầu.