Tin nhà văn Vũ Hạnh qua đời khiến tôi hụt hẫng; tiếc nuối dâng lên trong lòng. Tôi chỉ là lớp hậu sinh, nhưng được một lần gặp ông thôi, ấn tượng vẫn đong đầy.
Đó là lần cách đây hơn 10 năm từ TP. Hồ Chí Minh, ông nhận lời về tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp do Hội Tù yêu nước tỉnh và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam phối hợp thực hiện.
Tham gia còn có ông Hà Minh Trí, một tử tù Côn Đảo nổi tiếng trong vụ ám sát hụt Ngô Đình Diệm tại Buôn Ma Thuột. Để có kịch bản cuộc giao lưu, tôi xin gặp ông tại Nhà khách Tỉnh ủy, bụng cũng hơi lo khi đối diện với cây bút nổi tiếng. Hóa ra ông rất dễ gần.
1. Lan man chuyện cũ, ông nhắc lại cái thời làm cán bộ Việt Minh chín năm kháng chiến chống Pháp, rồi nguồn cơn ra đời tên Vũ Hạnh - cái bút danh đã “đóng đinh” ông trên văn đàn Việt Nam hiện đại.
Bây giờ ông đã là người thiên cổ, nhưng dũng khí của người cầm bút, thiên lương của một nhà văn suốt đời tận tụy với văn hóa, văn nghệ dân tộc vẫn sống mãi.
Thấy ông vui chuyện, tôi tò mò hỏi “hậu trường” của truyện ngắn “Bút máu” mà mình thần tượng hồi còn học sinh. Ông kể cuối năm 1956, lập mưu thoát ra khỏi nhà lao Hội An, ông vào thẳng Sài Gòn hoạt động và khởi sự viết văn kiếm sống từ đó. Một thời gian sau thì truyện ngắn “Bút máu” sinh thành.
Mục tiêu của truyện ngắn này là tấn công vào đám bồi bút của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bấy giờ, nhắc nhở rằng không phải chỉ có súng gươm mà coi chừng ngòi bút của họ cũng dính máu dân lành như thường. Đồng thời Vũ Hạnh cũng xem đó cũng là tuyên ngôn văn chương của mình, rằng ông có thể viết dở, viết kém nhưng không bao giờ viết những gì sai trái, điều mà ông đã tâm niệm khi xin mượn tên người tù cộng sản Võ Hạnh cùng bị giam tại nhà lao Hội An để làm bút danh.
“Bút máu” ra đời khi tình hình miền Nam ngày càng chìm đắm trong bầu không khí ngột ngạt. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tàn sát không ghê tay những người cộng sản và người dân yêu nước. Trong bối cảnh đó, “Bút máu” mượn chuyện xưa để chửi đám bồi bút Sài Gòn, qua đó cũng khéo léo lên án sự giả dối, tàn bạo của chế độ gia đình trị nhà Ngô.
Truyện ngắn “Bút máu” đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu cho những người cộng sản. Vũ Hạnh kể, thậm chí những người không theo cách mạng nhưng chống Diệm cũng hoan nghênh ông. Chính quyền Sài Gòn thì nghi hoặc vì sau đó báo Thống Nhất ở miền Bắc đã in lại.
Một người tên là Lương Minh Đức (còn gọi Lương Mậu Được) - bạn học của Vũ Hạnh thời nhỏ ở Thăng Bình, lúc này là thiếu úy an ninh quân đội Sài Gòn đến tìm nhà văn. Vào khoảng thời gian đó Vũ Hạnh đang viết tiếp truyện ngắn “Người nữ tỳ”. Tay Đức cho biết ngoài Bắc đã in truyện “Bút máu” của ông, rồi hắn nói với vẻ đe dọa rằng nếu ngoài nớ in tiếp truyện này (tức truyện “Người nữ tỳ”) thì an ninh quân đội không để yên cho ông đâu.
2. Trò chuyện một hồi, tâm trạng dường như càng hứng khởi, Vũ Hạnh kể thêm một chuyện vô tiền khoáng hậu mà ông là tác giả. Đó là chuyện ông đánh đổ đề án Chỉ huy văn hóa của chính quyền Sài Gòn. Cuối năm 1963 Diệm - Nhu đổ, sau vài cuộc đảo chánh nữa cuối năm 1964 Nguyễn Khánh lên làm Thủ tướng.
Đỗ Mậu và Phạm Đình Ái đã đưa ra đề cương Chỉ huy văn hóa, nội dung đại thể là cần phải lập một viện văn hóa để nắm hết văn hóa trong tay, để chỉ huy văn hóa. Đây là một đề án rất phản động vì chúng muốn nô dịch văn hóa, lấy văn hóa làm công cụ thống trị nhân dân miền Nam.
Vũ Hạnh đã viết một bài dài 17 trang đăng trên tạp chí Bách Khoa. Luận cứ chính mà Vũ Hạnh đưa ra là đề án phi thực tiễn, là ảo nên rốt cuộc sẽ không đi đến đâu, tốt hơn hết là nên dẹp đi. Thế là đề án bị dẹp từ trứng nước.
Hồi tưởng đến đây, Vũ Hạnh thổ lộ rằng nhà văn luôn nhớ ơn tri ngộ ông Lê Huyền Châu, chủ bút tờ Bách Khoa. Vốn là người theo cộng sản nhưng do bất mãn chính sách cải cách ruộng đất của ta nên Lê Huyền Châu đã di cư vào Nam. Dẫu vậy trong lòng ông vẫn còn “cái gì đó” với cách mạng nên giữa ông và Vũ Hạnh vẫn có sự đồng điệu.
Giữa Sài Gòn, sau những lần bị nhốt tù, không tờ báo nào dám đăng bài của Vũ Hạnh, thậm chí các trường cũng không dám để nhà văn dạy nhưng Bách Khoa thì vẫn hối ông gửi bài cho họ, nhờ đó Vũ Hạnh mới “có đất” mà kiếm sống và chiến đấu.
3. Rồi Vũ Hạnh kể sự ra đời của bút danh rất Italia - A.Pazzi. Ông bảo giữa năm 1965, khi Mỹ đang ồ ạt đổ quân viễn chinh vào miền Nam hòng xoay chuyển tình thế, ông Trần Bạch Đằng nhắn ông ra mật khu tại Củ Chi giao nhiệm vụ: “Viết cái gì đó đề cao dân tộc, vào lúc này là cách đánh Mỹ tốt nhất của người cầm bút”.
Về thành, Vũ Hạnh trăn trở mãi rồi nảy ra ý tưởng cho cuốn sách sau đó mang tựa đề “Người Việt cao quý”. Bằng việc đề cao những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam ông tin sẽ góp phần củng cố niềm tự tin của dân tộc ta trước khi bước vào cuộc chiến đấu sinh tử với một kẻ xâm lược. Và bút danh Italia - A.Pazzi sẽ tạo “vỏ bọc” rất khách quan cho tác phẩm.
Thế rồi bút danh này lại khơi nguồn cho những câu chuyện thú vị khác. Đó là câu chuyện mà Vũ Hạnh nghe ông Trần Trọng Tân - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh kể lại. Rằng trong một dịp vào TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói với ông Tân: “Cuốn Người Việt cao quý của tay Pazzi nào đó viết khá quá!”. Ông Trần Trọng Tân tủm tỉm trả lời: “Tay Pazzi ấy là một cơ sở nội thành” và sau đó đã đề nghị nhà văn gửi tặng Tổng Bí thư hai bản sách.
Rồi thêm một chuyện khá thú vị nữa. Khoảng năm 1980, nhà thơ Viễn Phương cùng Vũ Hạnh đi dự họp văn nghệ ở Huế, lúc về có ghé thăm Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhà văn Phan Tứ lúc đó là Chủ tịch hội, trong khi tiếp chuyện đã ngỏ lời: “Mình tìm hiểu A.Pazzi - tác giả cuốn “Người Việt cao quý” đã lâu mà vẫn chưa biết cụ thể.
Gần đây nhân đi họp quốc tế có nhờ một Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Ý về nước tìm hộ nhưng ông ấy trả lời không tìm ra. Vậy ở TP.Hồ Chí Minh có ai biết ông ta không?”. Nghe thế nhà thơ Viễn Phương cười đáp: “Hôm nay tôi đưa ông ấy đến gặp anh đây!”.
Lần ấy khi chia tay, tôi còn nhớ ông nói như bộc bạch rằng ngày trước ông viết theo mệnh lệnh - là nói theo cái nghĩa cao cả, chân chính của từ này - như cuốn “Người Việt cao quý” chẳng hạn. Bây giờ thư thả hơn có thể viết những cái mình thích nhưng dù gì ông vẫn viết với tâm thế của một chiến sĩ mặt trận văn hóa mà suốt mấy mươi năm nay dưới sự hiệu triệu của Đảng ông đã tự giác đi theo.