Sau 1975, những người rời trường trung học để thi vào đại học thường nghe câu như là thành ngữ: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Tôi vào nghề “gõ đầu trẻ” trong tư thế “cùng sào” như vậy. Sau 2 năm học Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn, tôi được bổ nhiệm về dạy tại Thăng Bình – đó là một vùng quê nghèo cát trắng. Với cái háo hức của tuổi 20, tôi xách va li đi tìm ngôi trường theo tờ quyết định.
Nơi tôi dạy học, người dân cực khổ trăm bề. Và cuộc sống của những người dạy học như chúng tôi, cũng không khá gì hơn. Đồng lương chỉ là tượng trưng, mỗi tháng mua được 3kg gạo, 10kg sắn lát hoặc bo bo. Cơn đói đến với chúng tôi triền miên. Tôi lên lớp bằng nội lực còn sót lại của cơ thể - cơ thể của thằng con trai tuổi 20 và bằng tình thương những đứa học trò quê mùa. Cha mẹ các em cũng biết rằng chúng tôi đang đói. Ngày giỗ chạp không nói gì, những ngày thường, họ cũng cố tìm cớ mời chúng tôi đến ăn cơm canh đạm bạc, gọi là cải thiện.
Ở gần trường, có khu sản xuất của các lớp. Có những đêm đói quá, tôi và vài người bạn ra moi những củ khoai từ những vườn khoai của các em về nấu ăn. Có nên nói ra chuyện này không? Vì đấy là điều tủi hổ. Nhưng nếu lỡ các em có nghe được câu chuyện kể này thì xin các em đừng trách móc làm gì mà hãy thương cho chúng tôi.
Mọi chuyện rồi cũng như gió thoảng qua. Tôi vẫn vui vẻ và đến lớp bình thường. Chiều chiều xong tiết dạy đi đá banh và cũng tập lai rai. Chiều ấy, Tuấn mang về chai rượu Nàng Hương. Nó đang tán tỉnh một cô nàng bán cửa hàng bách hóa huyện. Nó gọi tôi và vài anh em kê bàn ngồi nhậu trước sân tập thể. Loại rượu này phải là 45 độ mà mồi thì không thấy đâu. Tôi tìm cách thoái thác. Nó cười: “Mày sợ chớ gì”. Rồi nói tiếp: “Mồi ngon lắm”.
Tôi tưởng thật ngồi vào bàn. Tuấn từ bếp lên mang theo một cái chén muối ớt rồi móc trong túi quần ra phát cho chúng tôi mỗi người một cái đinh và nói: “Đinh mới đó”. Thế là chúng tôi ngồi nhậu, lấy đinh chấm vào chén muối ớt làm mồi. Được vài ly, thằng nào cũng khen ngon và rồi đọc thơ, hát... Chai rượu cạn khi nào không hay.
Tôi vẫn đến lớp dạy bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Và tôi cũng yêu bằng trái tim của thằng con trai mới lớn. Ngày ấy, mới giải phóng, người ta quản lý chúng tôi như thời sơ khai: yêu cũng phải báo cáo tổ chức. Huống gì lúc đó, tôi lại yêu một đứa học trò.
Cô bé ấy vừa từ Nha Trang về, đẹp lạ lùng. Anh hiệu trưởng nhắc nhở: “Nên tránh”. Tôi cười cười: “Nếu có thì… lấy cũng được! Trong lớp cô bé ấy là học trò, ra ngoài là con gái như bao người con gái khác”. Một hôm đi dạy về, anh Bí thư Đoàn trường nói: “Chủ nhật này đừng về. Ở lại để làm lễ kết nạp Đoàn”. Tôi gật đầu. Chiều thứ Bảy, bạn bè về gần hết, tôi ở lại nội trú, buồn thiu. Đến gần tối, cũng anh bí thư ấy đến, nét mặt ra vẻ quan trọng: “Tình hình gay go lắm. Chiều nay, Huyện đoàn gửi công văn thu hồi quyết định kết nạp của em”. Tôi hỏi: “Tại sao?”. Ngập ngừng một lát, anh nói: “Vì họ nói rằng em có quan hệ với học trò”. Rồi anh an ủi và bảo tôi đừng buồn và cố gắng phấn đấu.
Tôi chạnh lòng, nghĩ ngợi. Nhưng rồi mỗi lần đứng trên bục giảng, nhìn xuống thấy đôi mắt tuyệt trần của em, tôi xao xuyến vô cùng. Tôi dạy văn học nên trong các tiết dạy lớp của em, nhiều lúc tôi mông lung trên trời dưới đất. Nhưng có một điều, những ngày ấy, tôi dạy thật sự hay vì tôi có một tình yêu trong sáng, ngọt ngào.
Rồi tôi chuyển đi làm hiệu trưởng một trường khác. Trái tim lãng mạn của tôi không rung theo giai điệu nữa. Em buồn phiền trở lại Nha Trang.
Cách đây vài năm, tình cờ gặp lại. Em vẫn đẹp như ngày nào. Còn tôi già cỗi vì chuyện cơm áo. Sau phút hàn huyên, giọng em chùng xuống: “Em không tiếc điều gì, chỉ tiếc một điều: Vì sao thầy và em chưa hôn nhau?”.
LÊ CÔNG ĐỈNH