Có năng lực, nhiệt tình, tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh… là những lời nhận xét của lãnh đạo và đồng nghiệp về cô Arất Quý, người dân tộc Tà Riềng - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo liên xã Chà Vàl - Zuôih (Nam Giang). Cô Quý được ví như “cô ong thợ” lặng lẽ gieo chữ ở vùng biên ải.
Cô Arất Quý (thứ hai, bên trái) trong một lần được tuyên dương khen thưởng. Ảnh nhân vật cung cấp |
Quê ở thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm mầm non, tình yêu học trò và ước mơ ươm mầm con chữ cho con em đồng bào đã đưa bước chân cô Quý đến với núi rừng biên giới. Những năm tháng làm giáo viên “cắm bản”, cô luôn tự nhủ phải vượt qua mọi thách thức, trở ngại bởi quan niệm học trò cũng chính là con của mình, lúc nào cũng nhẹ nhàng chỉ bảo, đong đầy tình yêu thương.
Những năm trực tiếp đứng lớp, cô Quý có những sáng kiến mới áp dụng trong phương pháp dạy học để thu hút học trò và đem lại hiệu quả cao, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động dạy và học. Những lớp do cô chủ nhiệm luôn được đánh giá tốt cả về chất lượng lẫn hành vi đạo đức. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD-ĐT phát động, cô thường xuyên chú trọng nội dung giáo dục văn hóa truyền thống của bản làng thông qua các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và bản sắc văn hóa địa phương.
Ngoài ra, cô là nhân tố tích cực, đi đầu mọi phong trào hoạt động. Trong những dịp kỷ niệm ngày lễ truyền thống của ngành, cô Quý phối hợp với các đoàn thể trong nhà trường, địa phương tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ phong phú, bổ ích.
Xác định công tác ở vùng cao là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn nên cô Quý luôn chú trọng công tác dân vận và được chính quyền địa phương cũng như bà con bản làng nhiệt tình hưởng ứng. Sau 9 năm giảng dạy, cô được cấp trên bổ nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng. Với cương vị quản lý, cô không ngừng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như nâng cao phẩm chất đạo đức, uy tín nhà giáo; tích cực tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức quán triệt, vận động nhân dân đưa con em đến trường đều đặn; tổ chức tốt bữa ăn trưa cho trẻ bán trú, giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ tự tin. Mặc dù các điểm trường nằm cách trở, phải vượt đồi lội suối nhưng cô vẫn đều đặn đến thăm lớp và động viên tinh thần để đồng nghiệp yên tâm bám núi - bám lớp - bám học trò. Cô còn có sáng kiến tổ chức các hội thi “Bé khéo tay”, “Bé kể chuyện, đọc thơ”, “Bé với trò chơi dân gian”, “Tiếng Việt của bé”… nhằm tạo không khí sôi nổi, để trẻ thêm hào hứng, phấn khởi trong học tập. Từ đó, việc bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy cũng không còn nữa. Đồng thời năng lực giảng dạy và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên cũng từng bước được cải thiện, nâng cao. Ngoài ra, nhận thấy nhiều học sinh của trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thông qua facebook, cô Quý kết nối với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp kêu gọi tặng nhiều phần quà thiết thực nhằm tiếp thêm nghị lực để các em theo đuổi ước mơ tới trường...
THIÊN THU