Một người xưng tên là Hoa, điện từ số máy 0904.932.855, liên hệ với Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Đại Lộc Phúc Gia Hưng để bán bộ sách có giá tới 700 ngàn đồng. Dáng “cò” này rất đáng nghi trong cái mác cán bộ thuế, nên chủ doanh nghiệp nói trên ở Đại Hưng - Đại Lộc phải tìm cách xác minh qua cơ quan thuế, và xác định được đó là đối tượng giả danh để lừa bán sách. Không là chuyện nhỏ lẻ ở Đại Lộc, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cũng đã nhận được thông tin của một số doanh nghiệp ở các huyện thành phố như Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Tiên Phước… thông báo có người tự xưng là cán bộ thuế liên hệ qua điện thoại để bán sách cho doanh nghiệp. Trước tình hình phức tạp đó, Cục Thuế tỉnh đã phải phát cảnh báo đến các đơn vị trực thuộc và trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời nêu rõ các số điện thoại (05103.813.001, 05103852536, 0968.767.310) để doanh nghiệp liên hệ phản ánh, xử lý.
Không còn là chuyện của Quảng Nam nữa mà tình trạng “cò” sách lừa đảo như thế đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong nước, khiến Tổng cục Thuế cũng vừa phải phát đi văn bản nêu rõ hành vi “thời gian qua có những cuộc điện thoại gọi đến doanh nghiệp, tự xưng danh (mạo danh, giả danh) là cán bộ, công chức cơ quan thuế các cấp (Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế) để mời chào, dụ dỗ, dọa nạt, lừa đảo, ép doanh nghiệp mua sách, tài liệu, ký hợp đồng tài trợ cho các hoạt động in, xuất bản sách hoặc các ấn phẩm vinh danh doanh nghiệp, cẩm nang về thuế, lập quỹ hỗ trợ của ngành thuế, v.v.”.
Vì sao, trong khi Tổng cục Thuế khẳng định “không có chủ trương, cũng không cử cán bộ gọi điện, fax hay mang sách, tài liệu bán cho doanh nghiệp hoặc đề nghị tài trợ cho bất kỳ hoạt động nào”, nhưng vẫn có người mạo danh, giả danh? Điều có thể suy đoán là lực lượng “cò” sách rất am hiểu tâm lý cả nể của các doanh nghiệp khi nghe đến danh tính của cán bộ ngành thuế. Hoặc cũng không ngoại trừ tình trạng một số doanh nghiệp làm ăn trầy trật muốn tìm kiếm mối quan hệ thân thiết với cơ quan thuế, cán bộ thuế (để mưu cầu điều gì đấy?), thông qua các hợp đồng tài trợ, nên dễ dàng mắc bẫy bọn “cò”. Và dĩ nhiên, nếu doanh nghiệp nào mang “bệnh thành tích”, háo danh thì càng dễ sụp bẫy với chuyện viết sách, viết chân dung doanh nhân để được tôn vinh.
“Cò” sách là loại “cò”… không phải mới sinh ra.
Đâu chỉ bây giờ mới có chuyện ngành thuế gặp loại “cò” ấy.
Trước đây, người viết bài này từng cảnh báo nhiều trường hợp giả danh, mạo danh hoặc lợi dụng danh nghĩa để ép nhiều cơ quan, ban ngành mua sách. Cũng từng có đơn vị mất cảnh giác khi làm giấy giới thiệu cho ông A bà B nào đó ở viện X, ban Y, ngành Z đi bán sách.
Đặc biệt, tình trạng “cò” sách có lẽ phát sinh mạnh nhất khi nảy nòi thị trường in sách tham khảo cho học sinh. Mỗi năm vào mùa năm học mới rậm rịch, thể nào các bậc phụ huynh cũng phải mua sách cho con em mình. Ngoài bộ sách giáo khoa, còn vô thiên lủng sách công cụ, sách hướng dẫn, bài tập tham khảo, các thứ cẩm nang… Vì thế, trước các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách nhan nhản “cò” sách tụ tập. “Cò” tìm được nguồn sách rồi, thường dùng mảnh giấy nhỏ in giá cao hơn để dán đè lên phần niêm yết giá của nhà xuất bản, hoặc dùng bút cùng màu chỉnh sửa các con số có dáng gần giống nhau để nâng giá. Bị móc túi vì trường hợp này chưa đau bằng khi mua phải loại sách mà “cò” bán với giá rẻ hơn giá nhà xuất bản. Phần lớn đó là sách dởm, in lậu, chất lượng kém.
Đề phòng và đừng chắp cánh cho “cò” sách, đó là câu chuyện cảnh báo cho các cơ quan đơn vị, người tiêu dùng. Còn việc bắt được loại “cò” này để giữ trật tự kỷ cương trong hoạt động xuất bản hay không thì phải hỏi các cơ quan thực thi pháp luật.
ĐĂNG QUANG