Năm học mới 2015 - 2016, các địa phương trên địa bàn tỉnh không chỉ đảm bảo cho tất cả học sinh có đủ chỗ học tập tươm tất mà còn hướng đến chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Trường THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước) được đầu tư xây dựng khang trang để hướng đến đạt chuẩn. Ảnh: X.P |
Hướng đến trường chuẩn
Trong những ngày này, công trình Trường Mẫu giáo Măng Non (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) đang gấp rút hoàn thành để bàn giao cho nhà trường sử dụng vào cuối tháng 8 theo kế hoạch. Với dự toán gần 9 tỷ đồng, đây là một trong những dự án trường học có mức đầu tư lớn của TP.Tam Kỳ nhằm giúp cho trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2015 - 2016. Cô Hiệu trưởng Phan Thị Phê cho biết, nhà trường sẽ dọn về cơ sở mới trước ngày khai giảng năm học 2015 - 2016 để có điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo ông Bùi Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, chuẩn bị cho năm học mới, thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới nhằm nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn. Ngoài Mẫu giáo Măng Non, nhiều ngôi trường khác cũng đang đặt mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khá lớn trong thời gian qua như Mẫu giáo Hoa Sen, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, THCS Lê Hồng Phong… Đáng chú ý, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu vừa được khởi công vào đầu tháng 8 với dự toán lên đến 58 tỷ đồng (dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2016 - 2017), trở thành một trong những ngôi trường tiểu học quy mô lớn nhất tỉnh. Ngoài ra, dịp hè này còn có 14 trường học được tu sửa phòng ốc, tường rào cổng ngõ với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng.
Cũng như TP.Tam Kỳ, chuẩn bị cho năm học mới 2015 - 2016, huyện Núi Thành đầu tư xây dựng hàng loạt ngôi trường. Ông Lưu Bá Ân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp học. Mục tiêu của huyện trong năm học tới là sẽ tập trung xây dựng thêm 10 trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến thời điểm này, công tác xây dựng trường chuẩn của Núi Thành có kết quả khá khiêm tốn khi mới chỉ có 28 trường đạt chuẩn trong tổng số 61 trường; gồm 5 mầm non, 16 tiểu học và 7 THCS. “Hiện nay, các công trình trường học đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Dù còn một số chưa thể đưa vào phục vụ ngay từ ngày khai giảng, chẳng hạn như Trường Mầm non Sơn Ca, nhưng đó đều là những công trình xây mới, không ảnh hưởng đến việc dạy và học của các trường. Ngoài ra, nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, huyện cũng đã thành lập mới Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi tại xã Tam Anh Nam trên cơ sở tách Trường Tiểu học Nguyễn Hiền. Cả 2 trường này vẫn học tập bình thường tại các cơ sở cũ” - ông Ân thông tin thêm.
Nỗ lực cho miền núi
Năm học mới 2015 - 2016, huyện Nam Trà My có thêm Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS Long Túc đóng tại xã Trà Nam, nâng tổng số trường học toàn huyện lên 29 trường. Việc ra đời ngôi trường bán trú này sẽ giải quyết bài toán khó cho giáo dục Nam Trà My hiện nay, đó là vừa đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương, vừa tạo điều kiện nâng cao chất lượng, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.
Là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh, tuy nhiên bên cạnh đội ngũ giáo viên, năm học này huyện cũng không còn nỗi lo thiếu phòng học. Theo ông Nguyễn Đình An - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của ngành chưa được khang trang lắm nhưng tất cả trường học trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo phòng ốc tươm tất để cho các em học sinh bước vào năm học mới với khí thế mới. “Điều kiện của Nam Trà My rất khó khăn, nhất là các thôn nóc xa xôi không thể xây dựng trường học bán kiên cố. Do đó, hầu hết phòng học nơi đây đều được làm vách ván, mái tôn, nền xi măng. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của huyện, các địa phương và người dân quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, không để cho con em phải học tập ở những nơi tạm bợ hoặc không an toàn” - ông An nói.
Trong khi đó, năm học mới này, các huyện miền núi như Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn cũng đã giải tỏa nỗi lo thiếu phòng học hoặc phòng học không đảm bảo. Theo lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương, trong những năm qua, thông qua nhiều chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục miền núi của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia, các tổ chức từ thiện, nên cơ sở vật chất trường lớp đã được đầu tư khá lớn. Địa phương cũng quan tâm dành nguồn lực không nhỏ cho ngành. Nhờ đó, bộ mặt trường học miền núi hiện nay đã khang trang hơn rất nhiều. “Vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa như dưới đồng bằng nhưng không có thôn nóc nào, điểm trường nào phải tổ chức cho học sinh học 3 ca hay học tạm ở những nơi xuống cấp là một điều đáng mừng của địa phương” - lãnh đạo ngành giáo dục một huyện miền núi chia sẻ.
Đột phá Phú Ninh Trong những ngày cuối tháng 8 này, huyện Phú Ninh đang đốc thúc đơn vị thi công tập trung nhân vật lực để sớm hoàn thành công trình Trường THCS Lê Quý Đôn. Ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh cho biết năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên của trường trên cơ sở tách các lớp chất lượng cao được tuyển sinh cách đây 3 năm và “gửi nhờ” ở Trường THCS Nguyễn Hiền. Được chọn là mô hình đào tạo chất lượng cao đột phá của giáo dục Phú Ninh, trường được xây dựng khá quy mô trên diện tích 15.000m2 với tổng dự toán gần 20 tỷ đồng (chưa kể 3 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng), trong đó kinh phí xây dựng giai đoạn 1 là 12 tỷ đồng. Ngoài Trường THCS Lê Quý Đôn, chuẩn bị cho năm học mới, huyện Phú Ninh cũng đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình trường học. Dù là huyện nghèo nhưng mỗi năm, địa phương dành hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường học. Năm học qua, 3 trường mầm non và 1 trường tiểu học của huyện được đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng đạt chuẩn quốc gia, đưa Phú Ninh trở thành một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành công tác chuẩn hóa 100% trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS. |
XUÂN PHÚ