Trải qua 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, cơ sở xoa bóp của Hội Người mù Thăng Bình (số 53 Thái Phiên, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng phục vụ, trở thành địa chỉ tin cậy, góp phần tạo việc làm cho các hội viên.
Thành lập vào tháng 5.2006, cơ sở Xoa bóp bấm huyệt của Hội Người mù huyện Thăng Bình là một trong những cơ sở đầu tiên của người mù trên địa bàn tỉnh, đội ngũ kỹ thuật viên là những người mù được đào tạo chuyên môn, có kinh nghiệm. Những ngày mới thành lập, cơ sở phải trải qua muôn vàn khó khăn từ cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn nhân lực và đặc biệt là việc thu hút khách đến tham gia dịch vụ. Thời điểm này, nhiều người lo ngại cơ sở khó có thể trụ được, bởi định kiến xã hội còn e dè khi nhân viên là người khuyết tật. Thế nhưng, ông Lê Văn Lai - lúc đó là Bí thư Huyện ủy Thăng Bình đã trực tiếp động viên mọi người vượt qua khó khăn. Chỉ với 3,5 triệu đồng từ bà Lam ở TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ mua được 2 chiếc giường gỗ cũ và một số dụng cụ cần thiết, Hội tận dụng nơi làm việc để cơ sở hoạt động.
Các kỹ thuật viên người mù xoa bóp, bấm huyệt cho khách. Ảnh: H.T |
Mười năm qua, có 43.000 lượt người tham gia dịch vụ, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng. Chi trả lương, mua sắm, sửa chữa, điện nước… còn lãi hơn 500 triệu đồng. Mức thu nhập của kỹ thuật viên được nâng lên hằng năm, riêng 4 tháng đầu năm 2016 đạt mức 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, cơ sở có 7 kỹ thuật viên trực tiếp làm việc. |
Vắng khách, kỹ thuật viên xoa bóp là những người mù nghiễm nhiên trở thành độc giả của thư viện chữ nổi; kho sách báo, tạp chí của hội cũng chỉ sử dụng được vài ngày là hết. Cứ như vậy thời gian trôi qua trong lo âu, thu nhập không đáng kể. “Ngày đầu có được 6 người khách, ngày thứ hai còn bốn khách, mấy ngày sau thì thất thường khiến mọi người lo lắng” - ông Thanh nhớ lại. Năm 2006, khi mới khai trương mức giá chỉ có 10.000 đồng cho 30 phút; năm 2008 nâng lên 30.000 đồng/60 phút. Chi trả tiền công kỹ thuật viên tỷ lệ 60%, hội thu 40%; thu nhập lao động những năm đầu chỉ đạt 450.000 đồng/người/tháng, còn lại hội không đủ bù lỗ chi phí.
Thế nhưng, nhờ tích cực tuyên truyền, quảng bá đến khách hàng cũng như lắng nghe các góp ý để từng bước thay đổi, nhiều người đã tìm đến cơ sở xoa bóp của Hội Người mù Thăng Bình. Để tạo uy tín, chất lượng hội đề ra 4 nguyên tắc: “Thực hành tốt; đảm bảo thời gian; giao tiếp vui vẻ, hòa nhã; giữ vững đạo đức nghề nghiệp”. Với những nỗ lực trên, lượng khách ngày càng tăng lên và tương đối ổn định. Mười năm qua có 43.000 lượt người tham gia dịch vụ, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng. Chi trả lương, mua sắm, sửa chữa, điện nước… còn lãi hơn 500 triệu đồng. Thu nhập của kỹ thuật viên được nâng lên hàng năm, 4 tháng đầu năm 2016 đạt mức 3,5 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập có được, hội tiếp tục đầu tư vào cơ sở, cải tạo phòng ốc, lắp đặt máy điều hòa, giường mới, lò xông hơi. Đến nay cơ sở đã có được 3 phòng khang trang, 9 giường và một lò xông hơi, mức giá hiện nay là 60.000 đồng/60 phút. Tổng kết 10 năm thành lập, ông Lê Văn Xin - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh xác định đây là mô hình tiêu biểu với phương pháp quản lý, điều hành khoa học, chất lượng, thu hút lượng khách ổn định thường xuyên, đem lại thu nhập cao cho lao động người mù.
HỒNG THỐNG