Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý [[Khu Kinh tế mở Chu Lai]] Huỳnh Khánh Toàn. Đây cũng là kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Quảng Nam trước công cuộc chuyển hướng thu hút đầu tư và hoạch định tương lai cho KKTM này.
P.V:“Mưu sự” xây dựng Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai thành mô hình thí điểm 10 năm qua liệu đã thành công, thưa ông?
Ông Huỳnh Khánh Toàn. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn:
Nếu không có KKTM Chu Lai, Quảng Nam cũng sẽ phát triển kinh tế - xã hội theo quy luật vận động. Tuy nhiên, sự có mặt của KKTM này đã góp thêm điểm “đột phá” cho sức mạnh kinh tế, tạo ra hình ảnh Quảng Nam với ngành công nghiệp ô tô từ Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải hay có nhà máy kính nổi lớn nhất cả nước. Hiện Trường Hải – Thaco là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất và lắp ráp đủ cả 3 dòng xe tải, khách và du lịch với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất. Giá trị sản xuất công nghiệp không ngừng tăng với tổng nộp ngân sách 2006 - 2012 đạt 12.191,5 tỷ đồng, chiếm 50,67% toàn tỉnh, góp phần đưa Quảng Nam thành tỉnh có số thu cao, tự cân đối trên 50% tổng nhu cầu chi. KKTM không chỉ giải quyết việc làm cho nhân dân vùng dự án mà còn thu hút lao động các địa phương lân cận. Riêng năm 2012 đã giải quyết việc làm mới cho 1.850 lao động, nâng tổng số lao động làm việc thường xuyên tại KKTM hơn 14.000 người và gần 46.500 lao động gián tiếp cùng công nhân xây dựng tại các dự án. Với sự phát triển khá ấn tượng trong 10 năm qua, KKTM Chu Lai thật sự là hạt nhân kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội tại Quảng Nam. Chính sự phát triển vượt bậc đó, Chu Lai đã được Chính phủ chọn là 1 trong 5 khu kinh tế ưu tiên đầu tư phát triển trong giai đoạn 2013-2015.
P.V:Việc thu hút đầu tư FDI và nhiều doanh nghiệp lớn như dự định đã không thành hiện thực. Điều này do cơ chế, chính sách không còn ưu đãi hay năng lực xúc tiến đầu tư?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn:
Nguồn vốn ngân sách đã cấp khoảng 3.886,3 tỷ đồng (trong đó cấp cho KKTM Chu Lai 2.100 tỷ đồng, dự án tổng thể sắp xếp dân cư ven biển 1.786,3 tỷ đồng) và các nguồn vốn khác. Hiệu quả đầu tư vào KKTM Chu Lai là rất rõ khi thu về được 770 triệu USD (tương đương 1.617.000 tỷ đồng vốn thực hiện của các doanh nghiệp) và tổng nộp ngân sách 12.191,5 tỷ đồng từ năm 2006-2012. Tỷ lệ là cứ 416,07 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp bằng 3,137 đồng vốn ngân sách bỏ ra. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng đã có sự chênh lệch khá lớn cơ cấu đầu tư trong và ngoài nước. Hiện chỉ có 21 dự án FDI trong số 89 dự án đã được cấp phép với tỷ trọng 23,59%.
Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Có thể nói rằng, công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của Chu Lai thời gian qua chưa thật sự bám sát thị trường và đối tượng xúc tiến; chưa xác định được thị trường tiềm năng và nhà đầu tư chiến lược. Lĩnh vực xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa được rõ ràng nên đã làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn phân vân khi quyết định đầu tư. Mặt khác, dù môi trường đầu tư tại Chu Lai được cải thiện đáng kể theo hướng rút gọn các thủ tục, thời gian giải quyết được rút ngắn 1/3 so với quy định chung theo cơ chế 1 cửa liên thông. Điều này đã được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhưng dù sao thì cơ chế chính sách từ Trung ương vẫn còn độ trễ so với thực tế. Nhiều cơ chế chậm được các bộ, ngành triển khai dù Chính phủ, Trung ương đã cho phép. Khung chính sách còn bị bó trong phạm vi luật, trong khi chủ trương của Bộ Chính trị là cho phép nghiên cứu, áp dụng thí điểm các cơ chế chính sách mới để nhân rộng mô hình… Tất cả điều đó đã trở thành những rào cản, không chỉ thu hút các dự án nước ngoài mà cả các nhà đầu tư trong nước.
P.V:Nhiều người cho rằng ngoài chuyện cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu nguồn lực tài chính... thì “sự bất ổn về nhân sự” của ban quản lý cũng đã trở thành lực cản trong việc thúc đẩy tiến trình thu hút đầu tư vào KKTM này?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn:
Vấn đề quan tâm chính yếu của các nhà đầu tư khi xúc tiến vào Chu Lai là cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách ưu đãi. Làm thế nào để cải thiện nhanh, tốt tình trạng cơ sở hạ tầng còn đang thiếu hụt nhằm cho nhà đầu tư quyết định chuyện đầu tư mới là quan trọng. Đó là điều họ quan tâm trước nhất, ít ai phàn nàn hay kêu ca gì về nhân sự, về cung cách làm việc của cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên để bắt kịp với đà phát triển và hội nhập, việc ổn định, “nâng cấp” bộ máy quản lý, nâng cao năng lực và tư duy xúc tiến đầu tư là chuyện đáng quan tâm. Đó là một trong những yêu cầu bức thiết trong việc cải tổ, chuyển hướng thu hút đầu tư vào KKTM hiện tại. Tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ có năng lực để tiếp xúc, mời gọi các nhà đầu tư là việc thường xuyên.
P.V: Việc hoạch định chiến lược phát triển Chu Lai sẽ như thế nào trước sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các khu kinh tế khác?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn:
Quan điểm của chính quyền là mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư bằng việc tạo việc làm, an sinh xã hội từ dự án mang lại và thụ hưởng cơ sở hạ tầng cùng các tiện ích xã hội tốt hơn. Việc tái định cư phải đi trước một bước, người dân phải được ổn định chỗ ở mới trước khi giao đất để nhà đầu tư thực hiện dự án. Đây là cách làm xuyên suốt của Quảng Nam trong thời gian qua. Có thể nói Quảng Nam là một địa phương khá quyết liệt với các dự án chậm triển khai và có dấu hiệu chiếm giữ đất. Trong 10 năm qua, chúng tôi đã thu hồi hàng trăm dự án, kể cả dự án đã triển khai xây dựng và thực hiện xong công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng nhưng có tiến độ quá chậm. Qua bài học kinh nghiệm này, Quảng Nam đã tập trung cho công tác thẩm định năng lực nhà đầu tư, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh, đồng hành với nhà đầu tư phân tích những khó khăn, thuận lợi của dự án để cho nhà đầu tư thấy được tổng quan của thị trường trước khi quyết định đầu tư. Việc thực hiện chính sách ký quỹ đầu tư nhằm thanh lọc, lựa chọn dự án và việc cấp phép đầu tư chỉ được thực hiện sau khi nhà đầu tư phân tích khá kỹ về thị trường cũng như tiên liệu được hiệu quả của dự án. Quyết định cuối cùng là của nhà đầu tư. Chính họ là người biết rõ nhất, đầu tư vào đâu sẽ hiệu quả, nơi nào phù hợp cho lĩnh vực, ngành nghề họ quan tâm.
Hiện tại, cả nước đã có 15 khu kinh tế ven biển, cơ chế chính sách gần như tương đồng nên KKTM Chu Lai đã mất dần lợi thế so sánh về cơ chế. Đứng trước tình hình đó, chính quyền Quảng Nam đã chọn lối đi riêng, xác định 6 vấn đề cần đột phá để tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt. Đó là thực hiện tốt song trùng chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và phục vụ nhà đầu tư. Khó vốn, Chu Lai chỉ tập trung đầu tư hạ tầng cơ bản trước như sân bay, cảng biển, trục giao thông chính…, tìm các nguồn vốn như trái phiếu chính phủ, ODA và nguồn hợp pháp khác..., đầu tư các công trình trọng điểm như cầu Cửa Đại, 3 tuyến đường cứu nạn cứu hộ, hệ thống cấp thoát nước môi trường đô thị... và tập trung giải phóng mặt bằng để xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư. Ban Quản lý KKTM Chu Lai đã vận dụng và tham mưu cho UBND tỉnh, Chính phủ cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án động lực, dự án quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển ngành, địa phương và xác định đối tác chiến lược và thị trường trọng điểm với các dự án phù hợp. Mặt khác, công khai minh bạch các thủ tục hành chính với thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn 1/3 so với quy định chung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và thực hiện nghiêm các quy định ngay từ khâu tiếp xúc với nhà đầu tư để tránh phát sinh những rắc rối về sau (nhất là khi nhà đầu tư không triển khai dự án phải thu hồi). Tất cả điều này khi được hanh thông sẽ có quyền lạc quan về tương lai của Chu Lai…
TÂM CA