Cộng sinh trong hiểm nguy, cùng chia nhau từng hạt muối, các ông vô cùng thương nhau, tin nhau như tin bản thân mình. Một hôm Ba Đông ốm nằm nhà, ông Mười, ông Hải đi xuống Tường An, Bích Ngô, Bích Kiều nắm tình hình.
Xuống đồng bằng hai người tách nhau, mỗi người đi một nơi để tiếp cận được nhiều cơ sở. Mười Chấp gặp đám giỗ, đến đó không được, nhà để phần con gà luộc và gói xôi bự, đêm ông mò vào bợ đi. Tản sáng ông Chấp về thì ông Hải cũng vừa đến căn cứ. Bụng đói meo, xôi gà thì ngon quá, ông Mười bấm nhỏ ông Hải ra rừng. Hai ông còn nói thầm thầm như rỉ tai nhau. Ốm nằm trên võng nhưng Ba Đông thấy được, lò mò theo nhưng nấp từ xa. Ông Chấp, ông Để ngồi quay lưng, Ba Đông không thể thấy phía trước các ông có cái chi. Ông chỉ thấy hai cái lưng cụ cựa, cúi xuống rồi ngước lên, thỉnh thoảng ngoái nhìn như sợ ai theo dõi. Thế là Ba Đông bỏ về, leo lên võng nằm. Tới bữa hai ông gọi dậy ăn cơm, Ba Đông cũng không muốn trở mình mặc dầu đau mới dậy rất thèm ăn. Một hôm Ba Đông nghiêm giọng đòi họp chi bộ.
Vào cuộc họp, Ba Đông nổ ngay: “Tui với hai đồng chí đến chừ là những người còn sống sót, chúng ta đã rất kiên cường bám trụ giữ lửa cách mạng trong suốt ba năm nay. Tui chưa hề dao động, hoang mang, luôn xông pha đến nơi nguy hiểm, có thua chi hai đồng chí đâu. Tại răng hai đồng chí vừa đi xuống Kỳ Bích về lại nháy nhau ra rừng họp riêng. Mà các đồng chí dựa vào nguyên tắc nào họp riêng? Tui là Bí thư Chi bộ còn sờ sờ đây. Tui phản đối! Họp như rứa là không đúng nguyên tắc. Các đồng chí nghi ngờ chi tui, trong cuộc họp chi bộ bất thường hôm nay do tôi - Nguyễn Mậu Đông, Bí thư Chi bộ triệu tập, các đồng chí nghiêm túc phê bình tui thử coi, mắc chi phải làm rứa. Tui khổ tâm quá các đồng chí ơi”. Ông Đông rớm rớm nước mắt nói ra những điều gan ruột.
Ông Mười Chấp, ông Hải Để ngã ngửa, xíu nữa bật cười... Nhưng đây là việc rất nghiêm túc, Ba Đông hiểu lầm rứa là quá đúng, trong hiểm nguy thì mọi việc không thể đùa được. May mà ổng nói ra sớm chứ để lâu trầm cảm, khùng luôn chi trời. Mười Chấp là Bí thư Huyện ủy, Ba Đông là Bí thư Chi bộ, khi họp chi bộ ông Mười chỉ là đảng viên. Ông Mười báo cáo với Ba Đông: “Chuyện là thế này, mong đồng chí hiểu cho. Tui xuống Thạch Bích, gặp một đám giỗ hồi trưa, nhà có trí phần một con gà, một gói xôi, tui đem về. Nhưng đồng chí còn ốm, sợ ăn thứ ni độc dễ trúng thực, tui nói nhỏ với đồng chí Hải lén ra rừng đánh chén. Ngồi ở đây, không cho đồng chí ăn thì tội. Đói thấy xôi gà ai không thèm, để đồng chí ăn còn khổ hơn là không, trúng thực khó xở lắm. Nhưng như rứa chướng quá. Đành phải lén đồng chí. Bọn tui đói ăn nhiều, ngồi lâu, ăn xong thư giãn một tí cho xuống cơm cháo chứ có họp hành chi đâu.
Chúng ta đã cố kết trong sanh tử, lại là người cùng xã, hiểu nhau từ niên thiếu, thử thách qua chín năm kháng chiến, cùng sống chết từ 1954 đến nay. Chúng mình sống đến giờ này là coi như hạt gạo trên sàn. Cuộc chiến đấu còn rất dài lâu, tình hình vẫn mờ mịt. Ngồi đây chứ sắp tới có còn đủ để họp chi bộ với nhau nữa không. Trong tình cảnh này mà không tin nhau thì chúng ta là ai nhỉ. Nhưng chuyện thế này phải rút kinh nghiệm, bữa sau có chi phải công khai hết, không được cả nể sinh hiểu lầm, sai một ly đi một dặm, rất nguy hiểm. Tôi và đồng chí Hải thành thật xin lỗi đồng chí”.
Ba Đông vừa hồi phục trong vui vẻ sau khi được Mười Chấp đả thông về cái vụ hiểu lầm hôm nọ. Mười Chấp, Hải Để xách gói xuống vùng Đông gặp đồng chí Nguyễn Mại. Hai ông đánh đòn bất ngờ, không đi theo đường dây ban đêm như mọi lần, vượt sông Tam Kỳ giả dạng người đi buôn, từ đèo Tư Yên xuống ngã ba Trường Xuân qua nội thị Tam Kỳ đến nhà bà Cảnh ở cạnh đò Ba Bến thuộc thôn 5 Kỳ Phú. Đi như thế là mạo hiểm, nhưng đối với hai ông thì chuyện giả dạng hợp pháp như là cái nghề nên chẳng khó cho mấy. Ông Mại nhận được tin thông qua giao liên Đặng Thị Lan, nằm chờ hai người ở đó. Ba người gặp nhau, sau khi bàn bạc, ông Mười quay lên gặp các cơ sở trong nội ô thị xã. Nguyễn Mại băng qua nổng cát đến các làng Phú Ngọc, Phú Quý thuộc Kỳ Phú lần ra Quý Thượng, Kim Đới, Ngọc Mỹ - Kỳ Anh. Hải Để đi vào phía nam đến Kỳ Vinh, Kỳ Hòa. Khi chia tay Mười Chấp thấy hơi có gì khác lạ trong tâm tưởng, ông dặn: “Kỳ này bọn chúng bố ráp dữ lắm, hai đồng chí bảo trọng”.
Độ 10 giờ đêm, ông Mại băng nổng cát tới Phú Ngọc, lần lên hết thôn Quý Thượng, vừa bước qua mương nước, ranh giới giữa Quý Thượng và xóm Ấp Bắc quê ông, gặp ngay ổ phục kích của bọn dân vệ do tên Lưu cầm đầu. Ông vọt chạy, nhưng địch đã chặn mọi nẻo, xông vào vật bắt sống. Chúng lập tức lấy dao găm cắt nhượng chân, trói khiêng ông về hội đồng xã Kỳ Anh. Địch bắt Nguyễn Mại, các cơ sở cách mạng ở Kỳ Anh, Kỳ Phú vô cùng lo âu. Ông ấy mà khai thì vỡ toang hết cơ sở, chết cả đám. Nhưng không! Ông Mại rất kiên cường.
Địch bắt được Nguyễn Mại là đã hốt sạch cán bộ vùng Đông thoát ly quay về nằm vùng tại xứ sở mình. Năm 1955 chúng bắt Nguyễn Bình, Trịnh Hòe quê Tỉnh Thủy - Kỳ Anh, Huỳnh Hà quê Hà Quang - Kỳ Trung; năm 1956 bắt Lê Y quê Tân Thái - Kỳ Anh...
Cũng trong đêm Nguyễn Mại về Kỳ Phú, Kỳ Anh thì Hải Để được phân công vào phía Kỳ Hòa, Kỳ Xuân, Kỳ Vinh... nằm vùng ở phía đó. Hải Để tính, băng bộ qua các làng thuộc Kỳ Trung vào Kỳ Vinh đến Kỳ Hòa rất dễ lộ, không an toàn tí nào. Ông tự nhủ: “Không được lười biếng, ngại gian khổ, lựa đường bằng cho êm chân, chết có ngày”. Từ nhà bà Cảnh, Hải Để ngược hướng tây nam lên Vĩnh An, Kỳ Hưng vào nhà bà Lự nắm tình hình, tiếp tục đạp chéo lên dãy Năm Đồi lần vào Khương Nhơn - Kỳ Khương, băng trảng Bà Mù xuống Khương Đại đến Đá Cồng Cộc. Tại đây ông ra tín hiệu, bên kia sông ông Đô kéo đàn cò báo hiệu. Hai bên khớp nhau, ông Đô sai vợ bơi thuyền sang đón Hải Để về Kỳ Xuân (Tam Giang). Từ đây ông Hải đi thuyền qua Kỳ Hòa (Tam Hải). Đến Kỳ Hòa, ông tìm gặp Huỳnh Đột - Bí thư Chi bộ xã. Ở ốc đảo Kỳ Hòa, Hải Để dựa Huỳnh Đột. Hai ông như một cặp trời ban, họ rất hợp nhau với cái tính cách yên hùng, quyết đoán.
(Còn nữa)