Có thể nào quên? (Tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 21/08/2019 13:59

Về Kỳ Hòa, Kỳ Xuân các cơ sở cách mạng biết ông Hải Để qua biệt danh Tư Chuyển. Thời điểm này cán bộ nằm vùng ở phía Nam Tam Kỳ không còn mấy người. Võ Cước bị địch giết hại, Dương Ngoạn bị bắt, Huỳnh Cuộc, Huỳnh Hòa đã ra Bắc, Huỳnh Sự đổi vùng hoạt động nơi khác. Ngó đi ngó lại vãng hết người, Tư Chuyển không dựa Huỳnh Đột thì còn ai vô đây nữa.

Huỳnh Đột báo cáo với Tư Chuyển về vụ dân Kỳ Xuân đòi chia xã. Đầu năm 1957, chính quyền quận Tam Kỳ xét thấy dân hai xã Kỳ Xuân (Tam Giang), Kỳ Hòa (Tam Hải) phần lớn có mối liên hệ máu thịt với Việt Minh thời kháng chiến chống Pháp, vì thế không thể lập được mâm tề ngụy thuần túy quốc gia, khó áp đặt quyền cai trị tuyệt đối. Như thế, Việt cộng vẫn luồn sâu trong dân hoạt động, dân che giấu, rất khó truy quét, tiêu diệt. Phía Kỳ Hà (Tam Quang) bọn Quốc dân đảng rất mạnh, chống cộng triệt để, tàn bạo, vì thế chúng đặt ra chuyện nhập 3 xã Kỳ Hà, Kỳ Hòa, Kỳ Xuân thành một, gọi tên Liên xã Kỳ Hà; lấy bọn Quốc dân đảng Kỳ Hà làm nòng cốt hình thành bộ máy chính quyền, tuyển dụng toàn người Kỳ Hà thành lập trung đội dân vệ. Bọn Quốc dân đảng Kỳ Hà quản thúc, theo dõi bắt bớ đàn áp quần chúng tại Kỳ Hòa, Kỳ Xuân dữ dội, đánh tan hoang các cơ sở cách mạng. Từ tình hình bất lợi đó, trên đất Kỳ Xuân xuất hiện một vụ đấu tranh lạ. Đó là vụ kiện đòi chia tách Liên xã Kỳ Hà, thành lập trở lại xã cũ Kỳ Xuân, Kỳ Hòa “độc lập” như trước.

Khởi phát từ sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Kỳ Xuân, các cơ sở hợp pháp vận động người hay chữ thảo đơn kiện. Đoàn đi kiện gồm các vị thân hào như Cả Chưu, Xã Mai, giáo chức như Hoàng Hồng Việt, Nguyễn Đình Thư... thay mặt nhân dân Kỳ Xuân đệ đơn lên người cao nhất của các cấp chính quyền: Quận trưởng Tam Kỳ, Tỉnh trưởng Quảng Nam, Đại diện chính phủ Nam Trung phần, kéo nhau vào tới Phủ Tổng thống kêu cứu.

Nghe Huỳnh Đột báo cáo, Tư Chuyển liền nảy ra ý phân công Huỳnh Yêm, người trình độ khá, đang hoạt động hợp pháp thảo đơn phối hợp đòi chia xã.

Bọn chính quyền quận, tỉnh dở trò vừa dọa dẫm vừa mua chuộc, nhưng chúng đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt, đầy lý lẽ của các vị thân hào, nhân sĩ Kỳ Xuân, Kỳ Hòa. Các vị đã nêu kiến nghị phân tích rõ địa dư, địa cuộc giữa ba vùng cách sông trở đò; nêu lịch sử tồn tại các đơn vị hành chính độc lập của ba vùng đã có từ thời phong kiến. Các vị đó lại còn hỏi nghẹt: “Dân Kỳ Xuân, Kỳ Hòa không có người hay sao mà phải lấy người Kỳ Hà sang cai trị...”. Chính quyền Sài Gòn các cấp đuối lý, không giải thích được. Cuối cùng, đầu năm 1958 buộc chính phủ Ngô Đình Diệm phải chấp nhận phát lệnh chia xã lại như cũ: Kỳ Xuân, Kỳ Hòa, Kỳ Hà. Đây là một thắng lợi lớn của Đảng bộ và nhân dân Kỳ Xuân, Kỳ Hòa mà Tư Chuyển là “phái viên” của Huyện ủy nằm vùng tham gia chỉ đạo trong thời kỳ cách mạng khó khăn nhất. Thắng lợi đó đã tạo điều kiện cho Kỳ Xuân, Kỳ Hòa và các vùng lân cận khơi dậy khí thế, giữ vững phong trào cách mạng.

Ở Tam Hải thời gian, một hôm Tư Chuyển cùng Huỳnh Đột di chuyển trên đường về phía cửa Lở, bọn dân vệ địa phương phát hiện Huỳnh Đột. Chúng lập tức vây đuổi, hai ông chạy nhưng bọn chúng đông, vây bắt được Huỳnh Đột. Tư Chuyển nhờ thường xuyên bí mật luyện võ, nhanh, dai sức chạy vượt vòng vây, vọt lên thuyền của Thái Ba đón sẵn đưa sang phía bên kia Trường Giang vào nhà Phan Huấn là một cơ sở kỳ cựu, tin cậy nhất tại thôn 7 Kỳ Hòa.

Phan Huấn là một lão ngư, Tư Chuyển hay tá túc tại nhà ông, lúc bí mật lúc công khai như một người làm công cho chủ thuyền đánh bắt cá trên biển, trên sông. Là cán bộ hoạt động nằm vùng, Tư chuyển giả dạng đủ kiểu người, làm đủ kiểu nghề, lúc nông dân, lúc ngư dân, lúc lái buôn, lúc thầy giáo dạy học, có khi phải ra dáng một tay ăn chơi sành điệu các món tứ đổ tường... Đóng ngư phủ là rất khó, vì nghề này khác với xuất xứ nhà nông của ông, ờ mà Tư Chuyển bơi giỏi nên cũng có thể thích nghi, nhưng làm sao giả được cái nước da và độ chai sần của bàn tay, ông có võ, tập võ nhiều nhưng bàn tay không thể chai sần như người làm biển chính cống. Cái quan trọng nhất là dân ở đây tốt, mấy người hàng xóm của ông Huấn đều liên quan ruột thịt đến Việt Minh, có anh em, con cháu đi tập kết miền Bắc, bản thân họ cũng đã tham gia nhiều công tác ở địa phương thời kháng chến chín năm. Trong lòng họ đều hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ nhưng phải tự giấu kín chờ cơ hội. Hoạt động cách mạng giữa thời đen tối này, điều cơ bản nhất là phải tuân thủ nguyên tắc bí mật, hạn chế tối đa việc mở rộng cơ sở. Tư chuyển theo thuyền của ông Huấn đi khơi đi cạn, gánh ghe, kéo lưới, tối vác chiếu ra ghe nằm ngủ vừa tự nhiên vừa cảnh giác... Có hôm Tư Chuyển theo thuyền ông Huấn ra hòn Dứa lặn lấy đá hòn, đá tảng đem về dùng đặt chà dụ cá để hành nghề mành chốt. Tư chuyển coi ông Huấn là một cơ sở chủ chốt nhất ở vùng đông. Gặp cái nạn này ông phải ẩn mình tại đây, nếu bị lộ, bị địch bắt là bước đường cùng rồi.

Sau khi mất hút Tư Chuyển, địch bắt dân nổi mỏ rân trời, ra lệnh: “Hai tên Việt Cộng đột nhập Kỳ Hòa, đã bắt được một tên, tên kia trốn thoát. Lực lượng dân vệ các xã Kỳ Chánh, Kỳ Khương, Kỳ Vinh, bảo an quận phải hàn kín đường Một, bắt cho được tên Việt cộng nguy hiểm này”.

Nằm dưới hầm bí mật, Tư Chuyển nhận định: Địch đã biết có Việt cộng xâm nhập vùng Đông thì bằng giá nào chúng cũng truy bắt cho được, ở đây nhận phần chết là cái chắc. Tư Chuyển quyết định, không ở vùng Đông, thoát gấp về căn cứ. Ông không lên phía đường Một - quãng chạy qua Kỳ Chánh, Kỳ Khương, địch đã giăng kín, Tư Chuyển ngâm mình dưới sông Tam Kỳ - Trường Giang chảy song song đường Một, lúc bơi lúc lội nước ngang ngực, ngang bụng, lúc men theo các lùm cây mắm, cây bần, dựa bờ lần tới cả chục cây số ngược về phía Kỳ Hưng đến nhà bà Lự. Từ đây băng đường Một, lên Trường An, về hóc Hói báo cáo tình hình vùng Đông cho Bí thư Huyện ủy - Mười Chấp. Thế là ông Hải lại vượt qua được thêm một nút thắt ngặt nghèo, chết sống gang tấc. Mười Chấp, Ba Đông, Hải Để ba người đồng hương Tam Xuân ôm nhau ngó về phía biển, nghĩ tới anh Nguyễn Mại nước mắt tuôn trào...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có thể nào quên? (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO