Bốn năm trước, Báo Quảng Nam từng đăng câu chuyện cổ tích giữa đời thường về chàng sinh viên Hồ Công Danh (Núi Thành) nhập học với “hành lý” đi theo là một người hàng xóm tật nguyền. Câu chuyện đó đã làm xúc động những người dân xứ biển Quy Nhơn.
Danh hiện là sinh viên năm 4 ngành Kỹ thuật điện, thuộc Khoa Kỹ thuật - công nghệ (Trường Đại học Quy Nhơn).
Đôi bạn đặc biệt
Ở xã Tam Xuân 2, nhà Danh thuộc diện nghèo, ba tật nguyền, mẹ hay ốm đau, cùng với 2 người chị, cuộc sống của cả gia đình 5 người trông chờ vào mớ rau quả trong mỗi buổi chợ phiên. Vào năm 2008, khi đang học lớp 10, trong một lần đến thăm người hàng xóm tật nguyền; nhìn ánh mắt khắc khổ của người ấy, Danh quyết định vứt bỏ thời gian rảnh để chăm sóc hàng xóm. Người được Danh giúp đỡ là Nguyễn Thanh Tùng (35 tuổi), bị bại liệt sau một cơn chấn thương. Đó là vào năm 2005, trong lúc trèo cây, anh Tùng bị té gãy đốt sống cổ, liệt tủy sống dẫn đến liệt toàn thân. Ba mẹ chạy vạy, bán tài sản để chữa trị cho anh nhưng vì nhà nghèo, gia sản chẳng đáng giá gì nên đành buông xuôi giữa dòng. Bất hạnh hơn, cha anh vì bệnh tật của con mà suy sụp, đổ bệnh rồi mất. Hai năm sau, mẹ anh bị tai biến rồi cũng mất. Cha mẹ mất, anh chị em đã lập gia đình hết nên ít có thời gian để chăm sóc, nên anh sống trong cô độc cùng nỗi đau thân xác. Trong lúc anh tuyệt vọng, Danh xuất hiện, làm hồi sinh sự sống trong anh.
Danh và anh Tùng trong phòng trọ ở Quy Nhơn. Ảnh: GIA NGUYỄN |
Thời gian trôi đi, 2 người trở thành đôi bạn thân lệch tuổi. Cái tin cậu học trò nghèo hết lòng vì hàng xóm, lan đi khắp thôn xã. Hai năm sau, dù ôn thi đại học ở Đà Nẵng, nhưng Danh đều đặn về thăm anh Tùng, vệ sinh cho anh đâu vào đó rồi “gửi” cho hàng xóm mấy hôm. “Thấy Danh khổ quá, nhiều lần tôi muốn tìm đến cái chết để trút gánh nặng cho em. Danh biết “ý đồ” của tôi, nên động viên nhiều lắm, nghĩ lại mà rớt nước mắt khi Danh nói: Anh phải sống để nhìn em vào đại học chứ. Nghe vậy, tôi từ bỏ ý định dại dột ấy” - anh Tùng tâm sự. Rồi Danh đậu đại học thật. Hai anh em mừng vô cùng. Nhưng trong cái vui mừng ấy, anh Tùng lại mặc cảm vì không muốn mình vẫn là gánh nặng của Danh. Nhưng Danh đã đi đến quyết định: Xin phép ba mẹ đưa anh Tùng vào Quy Nhơn để tiện bề chăm sóc. Ba mẹ Danh không lấy đó làm phiền lòng, mà lo sợ cho Danh vì lần đầu sống xa nhà...
Cổ tích tươi màu
Sau nhiều lần chuyển chỗ ở trọ, hiện Danh và anh Tùng đang sống trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thái Học ở TP.Quy Nhơn. Căn phòng nhỏ bé, đầy ắp tình người. Những lúc Danh đi học, anh Tùng nằm bất động trên giường, làm bạn với tiếng radio, ánh mắt đặt nơi cửa phòng, chờ đợi Danh về. Do phải lo chuyện học hành, nên Danh phải sắp xếp thời gian hợp lý. Ban ngày, sau mỗi bữa ăn, Danh tất bật với bao công việc để chuẩn bị cho buổi trưa đến trường. Khó khăn nhất là việc vệ sinh cho anh Tùng vì anh nằm liệt một chỗ nên phải đặt dây thông tiểu vào bàng quang để anh có thể tự vệ sinh phần nào. Vì thế phải súc bàng quang, thay dây thông tiểu cho anh Tùng mỗi tuần một lần để tránh nhiễm trùng.
Chuyện nhiễm trùng, hai anh em đã một lần tối xâm mặt mày vì tiền thuốc hết mấy triệu đồng. Đó là khi mới vào năm thứ nhất đại học, do Danh còn chưa thạo chăm sóc nên anh Tùng bị viêm nhiễm phải mời bác sĩ. Riêng tiền công, đã ngốn cả triệu bạc. Sau lần đó, Danh học cách chăm sóc anh Tùng “đúng chuẩn” hơn. Và vì còn sống bằng trợ cấp, nên Danh phải học thêm cách chi tiêu hợp lý. “Em thì sao cũng được, chứ tiền thuốc men cho anh Tùng không thể lơ là. Nên phải dè sẻn, tích cóp phòng khi dùng đến” - Danh thỏ thẻ. Rồi Danh kể chuyện cắt tóc cho anh Tùng, ban đầu em dùng kéo và lược để cắt. Sau có người “hiến kế”, Danh mùa hẳn cái tông-đơ. Khi tóc anh Tùng dài, Danh “ủi” một phát là xong, tiết kiệm được nhiều thời gian.
Nhắc đến chuyện học của Danh, anh Tùng tâm sự: “Kỳ 2 năm 2, Danh bị sốt vào đúng kỳ thi nên bỏ thi một môn. Hè em ở lại trường học để trả nợ môn đó. Nhưng trời quá nóng bức, tôi chịu không được phải về quê. Danh vì tôi mà sau đó cũng phải về, nên chưa trả được môn đó. Cũng may, sau đó Danh đã hoàn thành môn học”. Còn giáo viên chủ nhiệm của Danh, thầy Nguyễn Văn Toàn cho hay: “Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng Danh vẫn biết đồng cảm, cưu mang người hoạn nạn như thế là rất đáng trân trọng. Trong lễ khai giảng đầu năm thứ ba, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng nhà trường đã tặng bằng khen tuyên dương về những việc làm đáng quý của em. Thời gian qua, nhà trường cũng tạo điều kiện, hỗ trợ Danh trong cuộc sống và học tập. Nay Danh lên năm 4, chương trình học tập nặng nề nhưng tôi tin là Danh có nghị lực để vượt qua tất cả. Việc làm của Danh là tấm gương đáng để sinh viên và thế hệ trẻ bây giờ noi theo”.
XUÂN KHÁNH - GIA NGUYỄN