Cờ Tổ quốc ở Hoàng Sa

NGUYỄN THÀNH 31/08/2014 08:35

Sau một chuyến Hoàng Sa - Trường Sa trở về, những lá cờ - nhân chứng cho những câu chuyện của ngư dân quả cảm ngày đêm bám biển, chiến sĩ kiên cường đối đầu với hiểm nguy bảo vệ từng tấc biển chủ quyền - rách nát vì sóng biển. Nhưng sự thiêng liêng của 2 từ Tổ quốc trong những lá cờ ấy thì vẹn nguyên!

Trong câu chuyện về những ngày đi trong “dông gió Hoàng Sa” giữa lằn sinh tử khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở thềm lục địa Việt Nam, nhà báo Trần Tuấn (Báo Tiền Phong) ví những lá cờ Tổ quốc như “người lính bị thương”. Trên mình “người lính bị thương” ấy, bên những vết thương do sóng gió là những chữ ký của những chiến sĩ cảnh sát biển trên con tàu CSB 4032 kiên cường. “Người lính bị thương” mang hồn biển Hoàng Sa những ngày sục sôi, sẽ được anh trao lại cho bảo tàng Hoàng Sa (thuộc UBND huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) để trưng bày nhân dịp khởi công bảo tàng Hoàng Sa đúng dịp 2.9 này.

Ngư dân Núi Thành cột chặt cờ chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Nguyễn Thành
Ngư dân Núi Thành cột chặt cờ chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngày 24.3.2013, hàng trăm ngư dân tại cảng Sa Kỳ (Bình Châu - Quảng Ngãi) không khỏi bàng hoàng khi tàu cá mang số hiệu QNg 96382 cập cảng với phần cabin cháy rụi. Nhật ký hải trình đầy gian truân và hiểm nguy được anh em ngư dân kể lại với nhiều chi tiết, bằng chứng sắt đá về hành động tàn ác của tàu Trung Quốc. Tàu QNg 96382 cháy cabin trơ lại bộ khung và mấy bình ga nằm chỏng chơ giữa đống tro tàn, cháy sém. Ngước nhìn lên phía mũi con tàu, lá cờ Tổ quốc dù đã cháy một góc, lủng vài chỗ vẫn tung bay đầy kiêu hãnh. Giữa Hoàng Sa, lá cờ như hướng về đất liền. Tàu cập bờ, tôi hỏi: Tàu cháy sao cờ không cháy? Anh Bùi Văn Phải, chủ tàu và thuyền trưởng tàu QNg 96382 nói: “Giữa lúc hoạn nạn, lửa bùng cao thiêu rụi cabin tôi vẫn không quên cuộn lá cờ vào ngực, bảo vệ lá cờ khỏi lửa táp. Bởi với người ngư dân lá cờ Tổ quốc giữa biển khơi mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả vô cùng”. Với hành động này, ngày 28.3, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao tặng danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho Phải vì đã có hành động dũng cảm bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa Hoàng Sa, góp phần khẳng định chủ quyền biển bất khả xâm phạm bao đời của Tổ quốc. Nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước đã quyên góp, sẻ chia tổn thất cùng ngư dân trẻ Lý Sơn bám biển. Đặc biệt, lá cờ này được bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam đưa về trưng bày để giáo dục tinh thần yêu nước, yêu biển đảo cho tuổi trẻ cả nước. Lá cờ đó, đã trở thành lá cờ đầu tiên của ngư dân Lý Sơn đi vào bảo tàng lịch sử. Liên tiếp sau đó, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN, Hội Sinh viên Việt Nam, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã tổ chức những hoạt động ý nghĩa như trao 1.000 cờ Tổ quốc và áo đoàn cho ngư dân trẻ Lý Sơn, Hội trại biển đảo ngay tại Lý Sơn, xây dựng cột cờ Lý Sơn, thành lập Câu lạc bộ ngư dân trẻ… Ngày 15.4.2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra thăm huyện đảo Lý Sơn. Lắng nghe câu chuyện cứu lá cờ Tổ quốc không bốc cháy của Bùi Văn Phải, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không khỏi xúc động. Chủ tịch đã bắt tay Phải, hết lời khen ngợi tinh thần quả cảm của Phải và ngư dân trẻ Lý Sơn, ngư dân miền Trung, động viên bà con yên tâm bám biển vì sau lưng luôn có cả dân tộc dõi theo….

Ngư dân Huỳnh Ngọc Tuấn cùng lá cờ sẽ được gìn giữ cho thế hệ sau. Ảnh: Nguyễn Thành
Ngư dân Huỳnh Ngọc Tuấn cùng lá cờ sẽ được gìn giữ cho thế hệ sau. Ảnh: Nguyễn Thành

 Mới đây, đội tàu đoàn kết bám biển của ngư dân Núi Thành cập bến sau hành trình bám biển khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu QNa 91108 do ông Huỳnh Ngọc Tuấn (39 tuổi) làm thuyền trưởng được tàu Kiểm ngư mang số hiệu KN 765 lai dắt vào bờ khi bị tàu vỏ sắt Trung Quốc truy đuổi, chết máy đột ngột, không thể khắc phục. Cập bến an toàn, thuyền trưởng Tuấn lại cẩn thận xếp lá cờ Tổ quốc dù đã rách. Ông Tuấn cho biết: “Với ngư dân, lá cờ Tổ quốc rất thiêng liêng và ý nghĩa. Mỗi lần cờ rách vì sóng gió, ngư dân lại thay lá cờ mới để khẳng định chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa”. Những lá cờ rách, được ông Tuấn gìn giữ cho con cháu, để lớp sau thấy được sự gian nan khổ ải và cả sự hy sinh bám biển giữ ngư trường.

Nhà báo Trần Tuấn nhận lá cờ Tổ quốc của tàu CSB 4032 ở vùng biển Hoàng Sa.  Ảnh: Mạnh Thường
Nhà báo Trần Tuấn nhận lá cờ Tổ quốc của tàu CSB 4032 ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Mạnh Thường

“Ngư dân chúng tôi bao đời bám biển. Hoàng Sa - Trường Sa muôn đời của Việt Nam. Trung Quốc có đâm chìm tàu chúng tôi vẫn quyết bám biển. Trên biển, tàu Trung Quốc đã quên rằng: có những thứ họ không thể đốt cháy, không thể đâm chìm, đó là lòng yêu nước, lòng tự hào của ngư dân miền Trung bám biển bao đời nay” - ông Tuấn khẳng khái.

Ngư dân dũng cảm Bùi Văn Phải và lá cờ được bảo vệ ở Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Thành
Ngư dân dũng cảm Bùi Văn Phải và lá cờ được bảo vệ ở Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Thành

Ai đó từng nói: “Bảo tàng bình thường là nơi con người đến ngắm lại lịch sử, quá khứ, cả hào quang văn minh lẫn chứng tích tội ác chống lại loài người, để tự rút ra những giá trị và bài học cho mình”. Sau biến cố, giằng co, căng thẳng ở biển Đông, những lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay ở vùng biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa và âm thầm đi vào lịch sử, đi vào truyền thống của những gia đình ngư dân. Cờ Tổ quốc, bà con ngư dân vẫn âm thầm lưu giữ trong đó cả những mất mát, hy sinh, phút giây nguy nan trên biển dữ. Hàng trăm ngư dân đang giương cao lá cờ Tổ quốc vững vàng bám biển, họ đang xây những bảo tàng sống đầy sức mạnh và ý chí kiên cường không thế lực nào có thể khuất phục!

NGUYỄN THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cờ Tổ quốc ở Hoàng Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO