Đã bước vào tuổi 97, nhưng đến thăm ông, vẫn thấy ông ngồi trước máy tính miệt mài tìm kiếm tài liệu cho những công việc sắp đến. Bởi, lịch làm việc của ông dày đặc, lúc vào Nam, khi ra Bắc giảng dạy tại các trường nghiệp vụ du lịch, khi thì góp mặt vào các hoạt động biểu diễn, các cuộc thi pha chế cocktail tại những chương trình sự kiện du lịch của mọi miền đất nước. Ông là Nguyễn Xuân Ra (hiện trú đường Ngô Gia Tự, Đà Nẵng), thường được giới bartender gọi thân thương là “Lão làng bartender Việt Nam”, tác giả hơn 24 đầu sách, nhiều băng, đĩa... về các công thức từ cơ bản đến nâng cao trong lĩnh vực pha chế cocktail dùng trong các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học Đà Nẵng và cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Ra. |
Cái nghiệp cocktail
Ông Ra cho biết, thuở nhỏ, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, ông thường vào Sài Gòn, nhờ người chú xin cho chân chạy bàn ở một nhà hàng người Pháp để kiếm thêm tiền lo sách vở. Chính từ môi trường này, ông đã làm quen với công việc pha chế cocktail, bởi người phương Tây, vốn uống cocktail nhiều hơn rượu, bia và còn xem đây là cái thú thưởng thức nghệ thuật truyền từ người pha chế. Cứ như thế, ly cocktaik dần dần gắn bó với ông như nỗi đam mê rồi trở thành một cái nghiệp. Ông học hỏi, tìm hiểu nghề pha chế trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, kể cả đến các nước như Mỹ, Pháp, Mexico, Canada...
Ông Nguyễn Xuân Ra cho biết, ngoài cái nghiệp cocktail gắn bó với ông từ thời niên thiếu, thì cái nghiệp chữ nghĩa cũng có rất nhiều duyên nợ với ông. Cụ thể là sau 3 năm làm phóng viên cho báo Lẽ Sống, đến cuối năm 1963 (sau vụ đảo chính Ngô Đình Diệm), ông đứng ra thành lập tờ báo Độc Lập. Tuy nhiên, báo này chỉ ấn hành được chừng 45 số thì bị đình bản mà không nêu lý do, làm ông bị vỡ nợ. Về sau, ông hiểu ra nguyên nhân của sự việc là tướng Nguyễn Khánh (lúc này vừa thực hiện cuộc “chỉnh lý” cướp quyền các tướng đảo chính) ra lệnh, vì trên báo Độc Lập cho in hàng loạt bài “thâm cung bí sử” của tướng Đỗ Mậu liên quan đến ông Khánh. Từ đó, đến năm 1975, ông chuyển sang làm điều hành nhà in. Đến nay, trong bức “di chúc” để lại cho Trường Đại học Đông Á, ông viết: “Tôi cảm thấy vui mừng và hân hạnh được gửi gắm những gì quý giá tôi hiện có cho trường. Tôi tin tưởng và rất phấn khởi là đã chọn được mặt để gửi vàng”. |
Đến khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, trong những năm 1945-1954, ông tham gia hoạt động cách mạng và trở thành cán bộ chính trị Chi đội Phan Đình Phùng, Trung đoàn 120, rồi làm Trưởng ban Tình báo mặt trận An Khê. Từ 1954-1975, ông làm chủ xưởng thuốc lá Hoa Mai ở Nha Trang, đại diện các xưởng thuốc lá ở miền Trung, đồng thời là ký giả nhật báo Lẽ Sống; Chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ nhật báo Độc Lập và làm chủ nhà in Liên Phong (Quy Nhơn). Sau ngày đất nước thống nhất, ông về làm Hiệu trưởng Trường Cơ khí công nhân 455 Cách mạng Tháng Tám - TP.Hồ Chí Minh. Đến năm 1996, ông trở lại với nghề pha chế cocktail và thành một chuyên gia trong lĩnh vực này, được mời giảng dạy ở nhiều trường ĐH, CĐ, nghiệp vụ du lịch, các khóa đào tạo nghề cocktail cho các khách sạn, resort, bar... trong và ngoài nước.
Cocktail đến từ đâu?
Có rất nhiều giai thoại ly kỳ thú vị khi bàn về nguồn gốc cocktail. Nhưng chung quy, cocktail được nhìn nhận là một loại thức uống hỗn hợp có chứa rượu đặc trưng cho văn hóa Mỹ, rồi được phổ biến rộng rãi ở các nước châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ 18. Cock là con gà trống, tail là cái đuôi, cocktail là cái đuôi của con gà trống. Do vậy hầu như những câu chuyện về sự ra đời của cocktail cũng thật sự gắn liền với “đuôi của chú gà trống”. Chẳng hạn câu chuyện về cô hầu bàn mang tên Betsy. Betsy có một món đồ uống rất độc đáo mang tên mình là Betsy’s Bracers. Cô thường dùng lông đuôi của gà trống trang trí cho Betsy’s Bracers. Mỗi khi lính Mỹ yêu cầu thêm một ly nữa đều nâng cao ly lên và hô to “Vive le cocktail (cocktail muôn năm)”. Từ đó, cocktail trở thành một tên gọi chung cho một loại thức uống hấp dẫn này. Hoặc cũng với câu nói này, nhưng được biến thể ở một nội dung khác. Đó là vào thời kỳ Mỹ còn là thuộc địa, những người lính Mỹ sau khi ăn trộm được một chú gà trống từ lính Anh đã mở tiệc trong quán bar của Betsy. Tại đây, người lính Mỹ đã nhổ lông chú gà trống rồi cắm lên cốc đồ uống của mình và hô vang “Vive le cocktail”. Đến năm 1806, khái niệm cocktail lần đầu tiên được xuất hiện trên tờ Balance And Columbia Repository của New York.
Một bài báo của ông Nguyễn Xuân Ra viết sau khi thăm đại lộ Hollywood (Hoa Kỳ). |
Mặc dù mọi người đều đồng ý, cùng với nhạc jazz và Hollywood, cocktail được coi là một trong ba đặc trưng văn hóa của người Mỹ. Thế nhưng, nhiều nước trên thế giới vẫn muốn kéo những câu chuyện xuất xứ của cocktail về nước mình. Bởi, mỗi ngày lại có hàng chục loại cocktail mới được bartender khắp nơi sáng tạo ra. Đến nay, đã có khoảng hơn 10.000 loại cocktail dành riêng cho từng thời điểm trong ngày và tùy những dịp khác nhau.
Khát vọng cocktail Việt Nam
Theo nhận xét của ông Nguyễn Xuân Ra, tại Việt Nam, cocktail vẫn được xem là đồng nghĩa với sự cao cấp, xa hoa. Lâu nay, cocktaik thường chỉ xuất hiện tại các quán bar, nhà hàng sang trọng không phải ai cũng có điều kiện đến thưởng thức, nên nó lại càng xa lạ với giới bình dân. Chính vì lý do đó, từ trước cuộc thi Bartender đầu tiên được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào năm 2001, ông Ra đã nghĩ đến việc phải “nội địa hóa” các nguyên liệu pha chế cocktail, làm sao để giá chỉ vài chục ngàn đồng/ly thì người tiêu dùng bình dân gần gũi và dễ chấp nhận. Cụ thể, đến nay ông đã sáng chế ra nhiều loại rượu mùi để pha chế cocktail “made in Vietnam” gồm: rượu dâu (thay strawberry liquer), rượu cà phê (thay kahlua), rượu kem (bailey’s), rượu bạc hà (creme menthe), rượu vỏ cam (blue curacao) và rượu trứng (thay advocaat)…. Gần đây, vào dịp chào mừng vịnh Hạ Long được bầu chọn vào top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, ông đã sáng tạo 2 loại cocktail mang tên “kỳ quan Hạ Long” và “Hạ Long ngày nay” để đưa đến người thưởng thức.
Trải cuộc đời xuyên suốt hai thế kỷ, ông Nguyễn Xuân Ra vẫn chưa hề thấy cạn nguồn cảm hứng trước những ly cocktail. Tuy nhiên, qua những lần tiếp cận với các bạn trẻ sinh viên có sở thích với nghề, khát khao tìm hiểu nghệ thuật pha chế, ông đã quyết định chọn Đại học Đông Á là địa điểm tin cậy để hiến tặng, chuyển giao toàn bộ công nghệ và đam mê cả cuộc đời mình, bao gồm toàn bộ hơn 20 đầu sách, bộ dụng cụ pha chế và các hình ảnh đĩa phim tư liệu về nghiệp vụ cocktail.
Mới đây, tại Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016, Ban tổ chức đã dành hẳn một gian hàng trưng bày giới thiệu về hình ảnh các hoạt động của “Lão làng bartender Việt Nam”. Đông đảo các đoàn khách và công chúng đã ghé thăm, không ngớt lời khen ngợi. Mong sao nhiều bạn trẻ được thừa hưởng gia tài độc đáo quý báu ấy từ người thầy dạy nghề Nguyễn Xuân Ra, sẽ có cơ hội mở ra con đường sáng tạo độc đáo cho cocktail Việt Nam.
TRẦN TRUNG SÁNG