Chiếc cối xay lúa “mất tích” đã lâu giữa đời thường, gửi thân đâu đó trong bảo tàng, sau một chương trình livestream (phát sóng trực tiếp) đã bất ngờ kéo nhiều người về với ký ức xưa cũ…
Trượt khỏi ký ức
Tôi háo hức chờ xem chương trình livestream lần đầu tiên do Bảo tàng Hội An thực hiện hồi cuối tháng 8 về một vật dụng rất đỗi bình thường: cối xay lúa. Hình ảnh chiếc cối xay in trên poster giới thiệu chương trình trên mạng xã hội trước đó đã khiến tôi tò mò. Và tôi đã thấy…
Tôi thấy hiện vật cối xay lúa đang đặt trong không gian trưng bày về nghề nông của Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. Trên màn hình có phát kèm đoạn clip ghi cảnh nhóm người dân thao diễn các công đoạn làm cối, như chẻ tre, đan tấm mành, nhồi đất, đóng các mảnh gỗ vào mặt bàn xoay. Thêm các phân cảnh làm ruộng, gieo sạ, gặt, phơi lúa…
Tôi thấy, ở phía sau người dẫn chương trình, nông cụ quen thuộc và sáng tạo ấy như đang cất giấu câu chuyện riêng. Và tôi đã nhớ…
Tôi nhớ có một chiếc cối xay như thế từng hiện diện trong ngôi nhà của mình, ở vùng đông Thăng Bình. Ông nội tôi là một trong số ít người đủ khéo tay để làm cối xay lúa, thi thoảng ông được mời đi “đóng” cối giúp.
Ông kỳ công vót tre cho nhuyễn, đan lớp “áo” mịn bên ngoài, nhồi đất sét theo một tỷ lệ phù hợp để làm 2 thớt xay, đóng dăm gỗ thông đều khít, đẽo gọt tay quay… Hì hục như vậy phải hơn 10 công mới cho ra chiếc cối xay hoàn chỉnh. Vài năm sau, khi các rãnh gỗ trên 2 thớt âm dương mòn dần, lại phải tháo ra sửa.
Tôi nhớ, đi kèm với cối xay là cối giã. Phần cối, đẽo bằng đá, thường phải đặt mua từ Quảng Ngãi chuyển ra. Thân cối chọn loại gỗ lớn, gắn chày cứng, dùng chân đạp. Cối xay cho tuôn ra những hạt gạo mới bóc vỏ, sau đó tiếp tục giã bằng cối để tách cám thì hạt gạo mới trắng ngần.
Ở làng cũ, cũng chỉ chừng mươi nhà có “trọn bộ” cối xay - cối giã. Thi thoảng tôi thấy láng giềng gánh lúa sang để xay giã nhờ. Ngày ấy, gạo nhà này xay giã bằng cối nhà kia là chuyện thường, cứ đơn giản nhẹ nhàng như đứa trẻ chạy ù qua cời cục than nơi bếp nhà họ mang về nhóm cơm chiều ở nhà mình...
Thế rồi bộ đôi cối xay - cối giã ấy mất hút trong trí nhớ tôi. Giờ truy vấn lại, mới hay chúng đã ngừng vòng xoay, những nhịp chày lên xuống từ giữa đầu những năm 1980.
Ấy là khi trong làng xuất hiện chiếc máy xay xát chạy bằng điện của bác Hai Cả, đặt mé bên dưới tuyến đường liên xã bây giờ. Như bất cứ một sự đổi ngôi trong cuộc sống, hiện vật cũ nhanh chóng bị lãng quên và chấp nhận ngưng đọng thành kỷ niệm của một thời xay giã giần sàng.
Hẳn 2 thớt âm dương của chiếc cối xay đã mục nát ngoài bờ tre lâu lắm rồi, riêng cối đá thì còn đó, trong vườn nhà cũ, nhưng bị vỡ một mảnh nhỏ…
“Thương cho cái cối cái chày…”
Cách đây 2 năm, nhà văn Tạ Duy Anh cũng có lần gợi nhắc về ký ức chày cối. Ông bảo, dù từng “vang bóng một thời chưa kịp xa”, nhưng giờ đây ngay cả ở nông thôn thử hỏi mười đứa trẻ mới lớn về cối giã gạo, cam đoan sẽ có tới chín đứa không biết nó là thứ gì… “Thế mới biết thời cuộc xoay trở thật khó đoán, cũng như đời sống luôn là vô thường vậy”, ông viết.
Tôi không nghĩ quá xa về “cuộc xoay trở” nào đó mỗi khi nhớ lại bóng dáng chày cối. Bởi cuộc sống luôn tiếp nối, những gì tiện ích hơn sẽ dễ dàng được đón nhận. Có chăng, với chứng nhân xưa cũ, cộng đồng đã ứng xử như thế nào cho tương xứng, chí ít cũng biết cách gợi nhớ lưu giữ…
Tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi thấy chiếc cối đá ở Bảo tàng Đồng Đình trên bán đảo Sơn Trà của đạo diễn Đoàn Huy Giao. Lần ấy, ông có đưa tôi đi dạo một đoạn trong khu vườn im mát, rồi để khách tự khám phá vì chủ nhân bận việc gấp…
Đặt phía mé ngoài vách phên của một gian nhà cũ, chiếc cối đá hấp dẫn tôi ngay. Có sẵn bảng chữ thuyết minh cho biết hiện vật do tiền hiền Trương Công mang theo từ quê cũ Ninh Bình trong cuộc khai khẩn đất Nam An từ nửa sau thế kỷ 15. Thô nhám là thế, nhưng chiếc cối đá kia trở thành chứng nhân của cuộc Nam tiến cách đây hơn 5 thế kỷ.
Giữa đầu tháng 9 năm nay, một người bạn của đạo diễn Đoàn Huy Giao là nhà báo Trần Ngọc Châu (ở TP.Hồ Chí Minh, quê gốc Quảng Nam) đã chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân về Bảo tàng Đồng Đình. Ông nhắc đến bếp lửa bằng củi mục vẫn đỏ lửa mỗi ngày ở đấy, sau chuyến thăm bảo tàng hồi tháng 3.
Ông bảo, Đoàn Huy Giao không đơn thuần đốt một bếp lửa củi rừng mà là “thắp sáng một lời giận dữ kêu đòi tìm về cội nguồn và bảo vệ tự nhiên”. Không thấy nhà báo Trần Ngọc Châu đề cập chiếc cối đá, nhưng tôi vẫn nhận ra nó đang hiện diện đâu đó, nhất là khi ông viết về chủ nhân bảo tàng: “Một mình anh vừa sưu tầm hiện vật, vừa chú giải và dịch những chú giải và làm hướng dẫn viên khi có khách đến thăm bảo tàng “bỏ túi” của anh. Thật ra, nên gọi cho vừa tầm là “nhà lưu niệm” thì đúng hơn”.
Cũng có một “nhà lưu niệm” tương tự dành cho chày cối mà tôi nhiều lần đặt chân đến ở thị xã Điện Bàn. Đấy là chốn nghỉ ngơi của những hiện vật có tuổi đời khác nhau, từ những nơi chốn khác nhau, chất liệu cũng khác… sau bao nhiêu lưu lạc.
Có chiếc cối giã lúa độc đáo bằng gỗ mít hơn 200 tuổi trải qua 6 đời chủ, lưu giữ ở xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn) mãi đến năm 1999 mới bén duyên ông chủ Không gian nhà Việt Nam (Vinahouse) Lê Văn Vĩnh.
Hiện vật cối gỗ duy nhất tìm thấy ở Quảng Nam này đang bầu bạn cùng cối đá sa thạch cổ của người Chăm, nồi đồng cổ Phước Kiều, ống khói bằng gốm Thanh Hà… Chúng như đang kể lại câu chuyện đời thường gần gũi của người dân quê xứ Quảng của một thời xa xưa.
Sực nhớ câu ca dao đồng bằng Bắc Bộ được chủ nhân Bảo tàng Đồng Đình chép trên tấm bảng treo cạnh chiếc cối đá Nam di cư: “Thương cho cái cối cái chày/ Đêm khuya giã gạo có mày có tao”. Và giờ đây, đến lượt một số kỷ vật đương đại sắp trượt khỏi ký ức. Thương cho cối cho chày, hay cho một phần đời đã mất?