Mấy ngày qua, báo chí phản ánh tình trạng chèo kéo, gây phiền hà cho du khách tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Mấy năm trước vắng nạn này, nhưng bây giờ lại xuất hiện. Lý do đơn giản là mấy tháng rồi có ai đi ra thăm đảo được đâu bởi dịch Covid-19; thời tiết nắng nóng nên nhu cầu vui chơi ở biển tăng, mỗi ngày có hàng ngàn du khách ra đó; thời gian dài không có khách nên kinh doanh dịch vụ, du lịch thất bát... Tất nhiên, chính quyền sở tại đã lên tiếng chấn chỉnh để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương.
Khởi động lại du lịch, đó là niềm vui của rất nhiều người, nhiều ngành, bởi tác động kinh tế - xã hội của việc “phong tỏa” là quá lớn. Những điểm du lịch quen thuộc lâu nay, người ta chờ khách như chờ mưa mùa hạn. Thường xảy ra hai kiểu cách làm ăn thế này: Nơi chuyên nghiệp, làm ăn lớn, khách ít hay nhiều họ đều như nhau, không phân biệt ai cả, đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Còn một số khác thì kiểu chụp giựt, xem mặt bắt hình dong. Bây giờ, “đói khách” quá lâu rồi, nếu được dọn lên là… cỡ chi cũng chơi, bất chấp giá cả, chất lượng dịch vụ mà tìm cách này nọ kéo khách về phía mình.
Chưa thấy ai cảnh báo, sau dịch Covid-19 thì đi du lịch sẽ gặp vấn đề gì cần phải lưu ý để khỏi bực mình, tiếc nuối, bởi mọi thứ quá mới mẻ, mới được khởi động trở lại. Nhưng, cũ mới chi đều xuất phát từ tâm lý khách lẫn chủ. Tôi nói thẳng, dân mình làm ăn kinh tế, nếu không được điều hành và thiết lập tư duy mở, bài bản thì nhiều người không trọng chữ tín. Ít khách thì có vẻ xun xoe, nhưng hãy coi chừng “tiếu lý phi đao”, trong nụ cười có cung tên gươm giáo, phải gài để khách sập bẫy hòng lấy lại vốn hoặc lời. Đông khách thì coi thường, khi người ta bỏ tiền ra mua chứ không phải xin. Còn khách thì để cảm xúc lấn lý trí, thôi chín bỏ làm mười, miễn là vui, hoặc thôi kệ, quá lâu rồi, sao cũng được. Nhưng hãy đừng quên, xã hội càng ngày càng lý trí, khách không dễ lẫn không khó, được thì chơi, không thì goobye vĩnh viễn.
Nói dài dòng như trên, bởi người Việt rất lạ, khi no dồn thì kiểu cách như địa chủ được mùa; lúc đói góp thì như cái bang kèm phường bất hảo. Một nền kinh tế được điều hành bởi Nhà nước, thì những người có trách nhiệm hãy nghĩ đến điều đó trước, đừng để khi mọi thứ, dẫu ít đi nữa xảy ra, mới lên tiếng là không hay chút nào. Cũng xin đừng quá tự tin vào hình ảnh du lịch của mình, bởi chuẩn mực về sự tự giác đàng hoàng trong làm ăn ở dân mình có chứ không phải là không, nhưng không được đưa vào chuẩn hóa. Còn nếu cứ để thuận mua vừa bán mà thả nổi vì cái lợi trước mắt thì tránh đâu cho khỏi kiểu “no dồn, đói góp”!