(Xuân Tân Sửu) - Người Việt đi về phương Nam, nổi bật vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa làng xã - gia tộc. Điều này trở thành vấn đề then chốt trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa miền Trung, nhất là ở miền “bản lề” Thuận - Quảng.
Sự đa dạng và năng động của văn hóa làng kết hợp sức mạnh của nhà nước thời Lê - Nguyễn, tạo nên sức mạnh to lớn để cả dân tộc Nam tiến, Việt hóa những yếu tố phi Việt, định hình hệ giá trị mới mang đậm yếu tố Việt.
Khẳng định hệ giá trị văn hóa làng
Đó là bài học có ý nghĩa quyết định về yếu tố bản sắc và bản lĩnh Việt thời chúa Nguyễn xứ Đàng Trong mà Quảng Nam là một địa bàn chiến lược, nhờ vào chính sách mở cửa thông thương đường biển, đưa nước ta tiệm cận với tính chất mở của vùng văn hóa biển Đông Nam Á rộng lớn. Yếu tố biển, tính chất biển trong văn hóa làng xã đóng vai trò then chốt, điển hình là sự tái phục hồi Đại Chiêm hải khẩu.
Con người Quảng Nam khí khái, năng động; cộng đồng cư dân làng biển định hình nên nhiều di sản văn hóa đặc trưng, nhờ vào quá trình tiếp thu truyền thống văn hóa bản địa và khả năng thích ứng cao của các cộng đồng cư dân Việt trước môi trường sống.
Làng xã được kiến lập từ các đơn vị huyết thống và láng giềng, căn bản là dòng họ, được tổ chức, vận hành hữu hiệu trong đời sống xã thôn theo chiều dọc (trên dưới), chiều ngang (nội bộ làng xã), cả về hành chính lẫn tự quản. Hệ thống thiết chế đình chùa miếu vũ được vận hành bởi yếu tố thiêng hóa, nhân bản trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán của luân lý và pháp lý nghiêm minh, qua hương ước lệ làng, lễ nghi và định chế gia tộc, dư luận xã hội.
Sự vận động của văn hóa làng
Từ bối cảnh lịch sử xứ Quảng, văn hóa làng xã truyền thống khẳng định được sức sống, hệ giá trị đặc trưng, dù rằng cũng phải chịu nhiều tác động ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi đã có nhiều kế thừa quan trọng từ bộ tư liệu đồ sộ bằng Quốc ngữ, chữ Hán và tiếng Pháp từ cuộc khảo sát quy mô về làng xã Quảng Nam của Hội Folklore Đông Dương, của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp những năm 1940 với nhiều thông tin hữu ích chi tiết trong Thần tích thần sắc, xã chí, Quảng Nam tỉnh tạp biên... Từ đây cũng thấy được nhiều sự mất mát to lớn bởi thiên tai, và trở lại, là cứ liệu đáng tin cậy cho việc tìm hiểu, phục hồi di sản văn hóa làng quê hiện nay.
Từ mạch nguồn khẳng định những giá trị đặc trưng, tính chất mở - năng động, sự phong phú và đa dạng của di sản văn hóa làng quê xứ Quảng mọi vùng miền... Điều đó sẽ càng có ý nghĩa khi xem xét vấn đề trong điều kiện đặc thù của Quảng Nam, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu hữu ích nhằm tham chiếu về văn hóa làng, xây dựng nông thôn mới.
Vấn đề bảo tồn - thích ứng
Vấn đề bảo tồn - thích ứng luôn được đặt ra để giải quyết hữu hiệu trong bối cảnh đặc thù của làng xã, tham chiếu theo hai nguyên tắc bảo tồn: nguyên dạng và thích ứng, để phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện nay, bảo tồn nguyên dạng khó thực hiện bởi văn hóa làng xã chịu nhiều tác động ảnh hưởng, khó phục nguyên. Bảo tồn thích ứng chú trọng tinh thần, giá trị cốt lõi của văn hóa dưới nhiều hình thức phù hợp với đời sống hiện đại theo nguyên tắc diễn giải lại, gắn kết mạch nguồn, hơi thở xưa nay. Nhờ đó mới thực sự giải quyết được vấn đề khơi gợi lòng tự hào - giáo dục truyền thống thế hệ trẻ, phát huy giá trị di sản, phát triển bền vững từ giá trị bản sắc.
Đặc biệt, chú trọng tiếp cận hướng phát triển du lịch sinh thái nhân văn làng quê xứ Quảng, gắn liền hệ di sản văn hóa đặc trưng, nhất là cách tiếp cận du lịch về nguồn - tâm linh trong chuỗi gắn kết những di sản, điểm thiêng tiêu biểu như Bà Thu Bồn, Bà Phiếm Ái - Chợ Được, đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nghề mía đường, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, di sản lễ hội cầu ngư - thờ cúng Cá Ông và diễn xướng bả trạo đặc sắc miền biển, lễ cúng đóng - mở cửa rừng ở trung du…
Tiếp cận di sản văn hóa làng quê xứ Quảng, cần chú ý các bước dữ liệu hóa, xã hội hóa và hành chính hóa một cách phù hợp, hài hòa, để thu thập, kiểm kê khảo tả, nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng, lan tỏa hiệu ứng tích cực trong xã hội, nhất là di sản văn hóa với học đường, với thị trường..., gắn kết mọi giai tầng xã hội chung tay bảo tồn, phát triển di sản văn hóa, trong vai trò điều tiết của Nhà nước. Dấu ấn và tinh thần di sản văn hóa xứ Quảng phải được nâng niu, trân trọng hiện hữu trong lời ăn tiếng nói, cốt cách con người, lễ nghi và ứng xử xã hội, như qua những món ăn, hàng thủ công mỹ nghệ... Đó chính là sức sống mãnh liệt từ cội nguồn của di sản văn hóa làng quê xứ Quảng.