(QNO) - Ngày trước, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đại gia đình tôi từng có một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Bây giờ chúng tôi đã ra riêng, tự nhủ sẽ cố gắng noi theo ba mẹ, xây dựng gia đình nhỏ của mình ổn định, để các con có một mái nhà thật sự ấm áp…
Ba mẹ tôi có chín người con, vậy mà tới khi đủ lông đủ cánh, tất cả cùng “bay” đi hết, chỉ còn lại ba mẹ trong ngôi nhà rộng thênh thang. Ngày đó ba mẹ tôi vẫn còn rất khỏe mạnh. Ba tôi 67 tuổi, mẹ 62, vẫn có thể gánh lúa chạy bon bon trên con đường làng, có thể xách liềm đi gặt, đi cấy. Các con ở xa, có đứa ở nước ngoài, nhưng phần nhiều là sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh. Thấy ba mẹ còn khỏe mạnh, nên chúng tôi rất chủ quan, chưa hề nghĩ đến chuyện đưa ba mẹ đi khám bệnh tổng quát, hay hỏi han tình trạng sức khỏe cùng những buồn vui tuổi già. Đang rất khỏe mạnh, ba tôi bỗng gầy đi nhiều, rồi phát hiện ra bệnh nan y. Ba qua đời sau đó chừng 3 tháng.
Ngày phát hiện bệnh của ba, 9 chị em tôi có mặt đầy đủ, đã làm tất cả những gì vì ba, nhưng tất cả những nỗ lực ấy đều vô vọng. Ba tôi thanh thản ra đi, không quên để lại những lời dặn dò, gửi gắm mẹ cho chúng tôi: “Mẹ các con đã khổ vì ba con mình nhiều rồi, nay các con phải bù đắp mọi thứ cho mẹ”. Ba mất đi, chúng tôi dù ai nấy đã có gia đình riêng mà vẫn như “rắn mất đầu”, cứ loay hoay với những khó khăn mà ngày trước, cựa một chút là gọi điện thoại nhờ ba tư vấn.
Ba mẹ tôi là người nhà quê chân chất, học vấn không nhiều, nhưng trong lòng chúng tôi, họ vẫn mãi là những người thầy uyên bác khi tổ chức cuộc sống gia đình, dạy dỗ con cháu. Ba mẹ tôi luôn dạy các con “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”… Kỳ thực là dù đông con, nhưng ba mẹ tôi không bao giờ dạy con bằng roi vọt hay dùng những lời nói nặng mà chúng tôi vẫn trưởng thành. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ba mẹ luôn đồng hành cùng ước mơ của con cái, động viên chúng tôi nỗ lực học tập nhưng không quá kỳ vọng để giảm bớt áp lực. Với chị em tôi, ba mẹ thân thiết, gần gũi như những người bạn. Nhờ thế, các con sẵn sàng chia sẻ ngay cả những điều khó nói và hoàn toàn tin tưởng vào ba mẹ.
Nhớ có lần chị tôi giận chồng, xách gói về nhà ba mẹ tá túc qua đêm. Nhìn thái độ con gái, ba biết chị tôi đang gặp sự cố. Ba ân cần hỏi han, rồi bảo vợ chồng mới cưới, chưa thật sự hiểu nhau, nên giận nhau cũng là lẽ thường tình. Nếu chồng có lỗi, vợ phải nhẹ nhàng góp ý, rồi từ từ vợ chồng tự điều chỉnh tính nết cho hợp nhau, mới ăn đời ở kiếp với nhau được. Ba không bênh vực việc phụ nữ hễ giận chồng là khăn gói về nhà mẹ đẻ, mà bảo tốt nhất phải đối diện thực tế để học cách “xây tổ ấm”. Ba cũng hay nói với các anh trai, cháu trai của tôi là không được bắt nạt phụ nữ; trong gia đình phải thể hiện vai trò trụ cột, phải là người đàn ông mạnh mẽ, làm chỗ dựa vững chắc cho vợ con.
Anh kế của tôi học lực kém hơn so với mấy chị em trong nhà. Ba mẹ tôi đã chấp nhận giới hạn của anh ấy và hướng học nghề phù hợp. Bây giờ anh tôi đã là một người thợ giỏi, thu nhập cao, có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Ngày ba tôi còn sống, mỗi khi có gì bất ổn, chúng tôi quay về tổ ấm để chia sẻ buồn vui, đồng thời nhận được những lời động viên, an ủi kinh nghiệm và đầy trách nhiệm của ba mẹ. Vì thế, dù bây giờ đã là những ông bố bà mẹ của các con, nhưng mỗi khi nghĩ về những bậc sinh thành, chúng tôi vẫn thấy mình bé nhỏ trước cách tổ chức cuộc sống gia đình và giáo dục con cái của ba mẹ. Tôi vẫn còn nhớ, ba mẹ thường lồng ghép những câu chuyện phù hợp để dạy dỗ từ những điều nhỏ nhặt nhất, để chúng tôi thấy rằng gia đình là cội nguồn yêu thương, là nền tảng giáo dục quan trọng nhất trong bất kỳ thời đại nào.
PHI KHANH