Cơi nới & hệ lụy

NGUYỄN ĐÔNG AN 12/04/2014 08:06

Lâu nay, luận về sự cơi nới, người ta thường nghĩ ngay tới nhà cửa, mái hiên, tường rào, cổng ngõ… Do nhà làm sát đường nên không ít hộ dân ở phố lên tầng và cơi nới ra nhằm tăng diện tích sử dụng. Do lề đường rộng, không ít trường hợp sè sẹ mở rộng mái hiên để làm nơi kinh doanh buôn bán. Do lòng tham mà nhiều người ở quê cũng như ở phố cố tình làm “phình to” bất động sản của mình bằng cách dịch chuyển tường rào, cổng ngõ để lấn chiếm đất đai của Nhà nước, của hàng xóm láng giềng. Gần đây, luận về sự cơi nới, người ta lại nghĩ ngay tới những “hung thần” lưu thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện và liên tỉnh. Đó là xe tải chở quá khổ quá tải do cơi nới thùng xe.

Hệ lụy của sự cơi nới nhà cửa, mái hiên, tường rào, cổng ngõ… đã quá rõ! Phố xá mất mỹ quan vì nhà cửa cái thò ra, cái thụt vào, trông nhếch nhác “chẳng ra làm sao cả”. Buôn bán tràn ra lề đường vừa gây cản trở giao thông, vừa tạo nên sự lộn xộn, bát nháo, ngó thật “gai con mắt”. Đất đai của Nhà nước bị lấn chiếm để mong nhận tiền đền bù giải tỏa khi xây dựng các công trình công cộng; đất hàng xóm bỗng dưng “teo tóp” lại vì “ông bạn láng giềng” âm thầm lấn chiếm, dẫn đến việc khiếu kiện, khiếu nại dằng dai, khiến cơ quan chức năng và chính quyền các cấp phải vào cuộc giải quyết rất nhiêu khê. Để khắc phục những hệ lụy đó, các ngành các cấp lại phải mở chiến dịch lập lại trật tự đô thị, lập lại trật tự an toàn giao thông, lập lại kỷ cương phép nước. Tuy nhiên, có việc không thể “lập lại” được, đó là tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa bà con khối phố… bị rạn nứt sứt mẻ do người nọ biến đất đai của người kia thành của mình, phải “đáo tụng đình” quyết “ăn thua đủ”.

Còn hệ lụy từ xe tải cơi nới thùng xe để nâng tải trọng lên gấp 3 - 4 lần? Điều nhãn tiền mà ai cũng thấy là đường sá, cầu cống… nhanh chóng bị xuống cấp nghiêm trọng. Mạng lưới đường giao thông nông thôn được bê tông hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bị xe tải nhỏ cải tiến thùng xe để chở gạch ngói, cát sỏi, xi măng, sắt thép… với tải trọng gấp đôi ba lần đã tàn phá “không thương tiếc” các tuyến đường liên thôn, liên xã. Hậu quả là mặt đường bê tông hư hỏng, sụt lún, tạo nên những “cái bẫy” gây tai nạn giao thông cho người đi xe đạp, chạy xe máy ban đêm. Hệ thống đường giao thông liên huyện, liên tỉnh, khi thi công, các nhà chuyên môn đều đã tính đến tải trọng của các loại xe tải lưu thông. Song họ không thể ngờ rằng, chủ các loại xe tải lại có “sáng kiến” cơi nới thùng xe để chở hàng nhiều gấp 3 - 4 lần như thế! Cánh lái xe chở gỗ keo nguyên liệu, chở cát sỏi phục vụ các công trình xây dựng trên các tuyến đường Bắc Trà My - Tiên Phước, Hiệp Đức - Quế Sơn, Thăng Bình - Tiên Phước, Tiên Phước - Tam Kỳ… thường kháo với nhau: “Một xe chở gấp ba xe/ Chi phí dầu nhớt thấp tè, hời to!”.

Hằng năm, Nhà nước đổ ra không ít tiền của để duy tu bảo trì đường sá. Và hằng năm, cứ đến mùa “con ong đi hút mật”, cũng là thời điểm khai thác gỗ keo nguyên liệu, xây dựng các công trình… nên các loại xe tải cơi nới tấp nập vào mùa làm ăn. Xe tải chở quá khổ quá tải ngang nhiên tàn phá đường sá. Trước thực trạng đó, ngày 19.11.2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1966/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ. Và ngày 1.4.2014, các địa phương trong cả nước đồng loạt ra quân xử lý xe tải cơi nới thùng xe chở hàng quá khổ quá tải. Tại địa bàn Quảng Nam, các ngành chức năng vẫn chưa xử phạt được bao nhiêu trường hợp vì xe quá khổ quá tải tránh né bằng cách “án binh bất động”. Về lâu về dài, cần phải loại bỏ việc cơi nới thùng xe tải bằng cách chụp ảnh xe dán trên giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật khi đăng kiểm để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng đối chiếu thực tế với xe tải lưu thông nhằm xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Có như thế đường sá mới không bị tàn phá vì xe quá khổ quá tải.

NGUYỄN ĐÔNG AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơi nới & hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO