Lăng cá Ông và đình làng biển là “cõi thiêng” mà ngư dân luôn trân quý, giữ gìn. Nơi ấy còn in những lễ tục mang đậm bản sắc văn hóa biển, thể hiện khát vọng hướng biển qua bao đời nay…
1. Ở xã Tam Quang (Núi Thành) có lăng thờ các vị thần thiên nhiên của làng, hình thành từ thời vua Gia Long, tồn tại cho đến ngày nay. Khuôn viên lăng chỉ rộng vài trăm mét vuông, nhưng xây dựng khá khang trang, bố trí cạnh nghĩa địa cá ông. Người có “quyền lực” cao nhất lăng Vạn Xuân Hải được nhân dân bầu ra gọi là vạn trưởng - quyết định việc tổ chức lễ hội, cúng tế… Theo ông Huỳnh Sanh – Vạn trưởng Vạn Xuân Hải, mỗi khi có sự kiện trọng đại, ông đều thay mặt ngư dân tỏ lòng biết ơn biển cả. Mỗi năm ở vùng biển Tam Quang tổ chức 2 lệ làng tại lăng Ông vào dịp mùng 6 Tết Nguyên đán và lệ hạ cội lúc ngư dân kết thúc mùa biển trong năm vào ngày 20.9 âm lịch. Dịp tết, ngư dân bản địa lại đến lăng Vạn Xuân Hải, nghĩa địa cá ông, để khấn nguyện cầu may cho một năm mưa thuận gió hòa, được an lành khi đi làm nghề. “Các nghi lễ cúng tế diễn ra mỗi năm chỉ vài ba lần, nhưng lăng hầu như mở cửa hàng ngày, có người dọn quét sạch sẽ và lo hương khói. Vạn Xuân Hải là lăng thờ chung của cả xã biển” – ông Sanh nói.
Lễ cúng lăng Ông của người dân vùng biển Núi Thành. Ảnh: TRƯỜNG GIANG |
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, lăng cá Ông, đình làng ở miền biển là công trình văn hóa đầy ý nghĩa. Nó nói lên khát vọng, tinh thần hướng biển của ngư dân. Các lễ hội dân gian truyền thống gắn với đình làng, lăng Ông ngư, có bề dày hàng trăm năm đã được tiếp nối trao truyền cho đến đời sống đương đại mang đậm bản sắc văn hóa biển. |
Làng An Hải Đông đã xây dựng kè sông để bảo vệ đất làng và lăng Vạn Xuân Hải. Để có chi phí đầu tư, mỗi ngư dân địa phương có thúng chai đóng góp 200 nghìn đồng, các chủ tàu thì hỗ trợ nhiều hơn. Chị Ánh Thu, người dân thôn An Hải Đông bộc bạch: “Năm nào quỹ tiền hỗ trợ vào lăng cũng dư, không một ai phàn nàn, câu nệ khi đóng góp. Đồng tiền vào quỹ sinh lợi, chúng tôi sẽ sử dụng thăm hỏi, động viên các ngư dân gặp khó khăn hoặc tặng quà cho con ngư dân học giỏi”. Nghề biển gần như là kinh tế chủ lực của xã Tam Quang nên ngư dân rất đoàn kết, thông thường 2 - 5 tàu kèm cặp nhau ra khơi đánh bắt chứ ít khi hoạt động riêng lẻ. Đến nay, địa phương này đã kết nối gần 20 tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ với hơn 100 tàu tham gia. Chính quyền xã khẳng định, hai năm gần đây có ít nhất 6 con tàu của xã tham gia lai dắt nhiều phương tiện không may gặp nạn trên biển Trường Sa, Hoàng Sa vào bờ an toàn.
2. Đình làng Tân Phú (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) nằm kề sông Trường Giang xây dựng đơn giản nhưng không kém phần thiêng liêng. Từ đò Ba Bến (dưới chân cầu Tam Phú) làng uốn lượn theo sông, với những ngôi nhà san sát. Một vùng quê thơ mộng nép bên sóng nước hình thành các làng nghề truyền thống như đóng sửa tàu thuyền, làng hến và nghề rỗi. Cho nên, ngư dân nơi đây vừa giỏi nghề sông lẫn nghề biển. Thường đúng mùng 1 Tết Nguyên đán, đội thuyền mã lực lớn của làng Tân Phú neo đậu sẵn ở bến trước đình làm lễ phóng đăng trên sông, thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất ở biển, lễ phóng sanh, lễ phá cộ… Trên mỗi thuyền giăng đèn kết hoa, rực rỡ cờ hoa. Sau đó, đồng loạt tàu thuyền nhổ neo “xông đất” đầu năm. Các vị cao niên của làng cho biết, đình thờ các vị thần thiên nhiên suốt hàng trăm năm nay. Dù ai đi ngược về xuôi, khi trở lại quê nhà cũng muốn đặt chân đến đình thắp nén nhang, cầu nguyện cuộc sống an lành cho gia đình, người thân, xóm làng bám biển…
TRẦN HỮU