Mẹ tôi vốn là người luôn chu toàn “chuyện phải không” - theo cách nói của người Quảng nghĩa là tất tần tật chuyện ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, mừng đầy tháng, thôi nôi, nhà mới, mừng thi đậu, mừng có công ăn việc làm… của gia đình thân tộc, hàng xóm láng giềng. Sắp chuẩn bị nghỉ các ngày lễ lớn trong năm, sợ tôi đi chơi xa nên mẹ dặn sớm bữa tê là giỗ cậu, mẹ không đi được, con sắm ít trái cây, tới nhà cậu sớm thắp cậu cây hương…
Mẹ tôi ngại là phải. Cậu mợ tôi mất, căn nhà và mảnh vườn đang được/bị năm người con tranh chấp quyền thừa kế. Chẳng ai chịu ai. Sau mấy lần chính quyền hòa giải không xong, vụ việc đang chờ tòa phân xử. Chưa đến nỗi “huynh đệ tương tàn” nhưng mấy anh chị em “bôi mặt chửi nhau” như hát bội là thường xuyên… Khổ nhất là năm người cũng chia nhóm, vì “lợi ích nhóm” nên cô, dì, chú bác… không dám theo phe mô hết vì sợ chửi. Nhưng cũng chưa khổ bằng chuyện đến ngày giỗ cậu mợ. Số là năm người con lại chia thành ba phe, bốn người chia hai phe, một người cửa giữa nghiễm nhiên đứng một phe. Vậy là đám giỗ theo ca, kíp. Phe thì giỗ buổi sáng, phe buổi trưa, phe giỗ buổi chiều. Cười sa nước mắt khi cô, dì, chú, bác hỏi nhau rằng ông, bà dự đám giỗ “phe mô?”. Mà đã ba năm rồi, khách dự giỗ ngày càng thưa vắng. Thưa vắng là phải bởi bày biện lễ vật “thứ phẩm chi nghi”, thắp hương, rót nước, khấn nguyện rì rầm, xong, thu bát thu mâm bưng về nhà riêng phe mình ăn giỗ kiểu “đánh nhanh rút lẹ” vì sợ đụng phe khác. Ông bà xưa có câu “linh tại ngã bất linh tại ngã” - linh thiêng hay không linh thiêng cốt tại lòng mình. Lòng mình vì của cải phù du mà khởi sự tham lam, oán hận, ganh ghét với chính người thân của mình thì làm sao mà “thành tâm” cho được. Còn nhớ những lần giỗ chạp khi xưa, anh em cha chú vui vầy, cậu tôi vui đến chẳng thiết ăn uống chi, lúc mô cũng căn dặn con cháu: “nì, đừng có kiểu “khi sống thời không cho ăn - khi chết thời nem công chả phụng đọc văn tế ruồi” hỉ, còn chuyện ni nữa, phải giữ hòa khí, anh em mà xích mích nhau, có nhà cao cửa rộng, cúng vàng, cúng bạc tau cũng không về hưởng khói, hưởng hương đâu”…
Anh em trong nhà mà còn như thế, ra đường nhiều việc tất “kinh” hơn. Người ta có thể vung dao giết nhau chỉ vì một “cái nhìn” - được “nâng quan điểm” là “nhìn đểu”. Có người mất mạng vì một câu đùa “kém duyên” được quy rằng “khiếm nhã”… Cơn dịch “hiếu sát” được đài, báo đưa tin cơm bữa. Đã có người chọn thái độ im lặng nhẫn nhịn rứa mà cũng không thoát nạn “đao kiếm vô tình” như chuyện một người bạn của kẻ viết bài này: thấy đám đánh nhau trong quán ăn, nếu không ngăn cũng hại đến bản thân nên xông vào can gián, lập tức, phe chủ chiến hỏi “thẳng kia mi muốn chi?”, người bạn nói “tui chỉ can, tui không quen ai ở đây, tui không có muốn chi hết”, lập tức người bạn bị thụi một chưởng vô ngực… Đã có người “cố ý giết người” bằng cách dùng ô tô tông, kéo nạn nhân dưới gầm xe hàng trăm mét và cũng đã có một nữ “cán bộ” nơi công đường chuẩn mực đã vi phạm luật giao thông còn “bức xúc” phán một câu xanh rờn “mạng người không quan trọng”…
Chuyện đâu xa. Thỉnh thoảng điện thoại có số lạ gọi nhầm số, bản thân mình cũng có khi gọi nhầm, gọi lộn vì việc bấm chữ tác ra chữ tộ, thì rối rít xin lỗi nhau thông cảm. Nhưng lạ lắm, cứ như “khủng bố” vì có người dùng nhiều số cứ gọi vào số máy mình đến hơn nửa tháng vì “lý do” đây là số của X., X. đã “dùng rồi” là không thể “lộn số” được, dù mình đã thanh minh năm lần bảy lượt là mình đã đăng ký số này với nhà mạng và dùng đã hơn mười mấy năm trời rồi. Hôm qua, chịu không thấu vì lời khuyên hết sức khiếm nhã là “mày vứt cái sim rác này đi” của một người nữ hơn nửa tháng gọi vào máy của mình…
Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa, mình thắp hương trên bàn thờ cậu mợ và khấn rằng ở cõi xa cậu mợ độ trì cho con cháu một ngày mô đó sẽ “ngộ” ra rằng, mọi sự đều phù du, giả tạm, kể cả sinh mạng, vấn đề cốt là cái tình, tình người, huống chi ruột rà, máu mủ…
PHÙNG TẤN ĐÔNG