Ăn chay không còn xa lạ với nhiều người mà dần trở thành xu hướng ẩm thực để bảo vệ sức khỏe…
Ngày càng có thêm nhiều người tập ăn chay, rồi ăn chay thường xuyên hơn, có người thực hành trường trai, thuần chay, chủ yếu vì lý do sức khỏe... Đây cũng là xu hướng sống hiện đại, một kiểu “sống xanh”, gần gũi và thân thiện với thiên nhiên, đang được một số tổ chức quốc tế vận động.
Tôi có một người bạn vong niên, nghỉ hưu đã hơn 10 năm và đã thực hành ăn chay ngày hai bữa từ 3 năm nay. Anh bảo, chi phí cho ăn chay rẻ hơn so với ăn mặn, phù hợp thu nhập vừa phải của người về hưu.
Quan trọng hơn, ăn chay còn giúp bụng dạ yên ổn, dễ ngủ và đặc biệt, giúp kiểm soát và cải thiện rất tốt các chỉ số liên quan đến sức khỏe tim mạch, tránh béo phì, giảm nguy cơ ung thư, tiểu đường...
Rồi anh kết luận: “Thảo nào, ngày xưa đi kháng chiến quanh năm chủ yếu ăn các loại rau rừng, củ chuối mà vẫn cứ khỏe mạnh như thường, ra trận là xung phong ầm ầm...”. Thì ra, anh ăn chay không chỉ để “nhẹ người” mà còn để được sống cùng ký ức, để thêm yêu hơn về một thời gian khó mà tự hào!
Nhà tôi cũng tập ăn chay, trước mắt mỗi ngày ăn một bữa cơm không có thịt cá. Khoảnh sân trước ngôi nhà phố của tôi, ngoài vài cụm hoa, giờ đây thêm chen chúc những rau những đậu những cà, và cả một cây đu đủ nữa.
Tùy bữa tùy mùa tùy loại, những rau củ quả “của nhà trồng được” được dùng ăn sống hoặc luộc, khi thì làm nộm (trộn) hoặc nấu canh, tuyệt đối không chế biến cùng thịt cá mà chỉ thêm chút dầu phụng khử để món ăn thơm và đầy vị hơn.
Những bữa cơm dù không có thịt nhưng vẫn rất ngon, vì tươi xanh và an toàn, vì những chắt chiu chăm nom, vì những yêu thương đong đầy, vì những nôn nao trong sâu thẳm ký ức về mảnh vườn xưa của mẹ nơi quê nghèo, về một thời cơm rau kham khổ.
Cái thời chưa xa lắm ấy, cơm rau đúng là... cơm rau, vì chỉ có cơm độn và rau - rau luộc, rau xào, rau nấu canh, rau sống. Thảng hoặc mới có ít cá đồng kho rim hoặc sang hơn là chút cá biển chợ xa kho lạt chủ yếu để lấy nước... chấm rau. Rau có lúc không còn là món để ăn với cơm mà rau cũng là một thứ lương thực, ăn để no, ăn đến xanh cả bụng.
Ăn chay, hoặc giảm lượng thịt cá trong mỗi bữa ăn, vì thế mà cảm thấy nhẹ bụng. Nhưng nhiều lúc, trước mâm cơm không thịt cá, lại không khỏi xốn xang khi mà đây đó, vẫn còn rất nhiều người, nhất là trẻ em, đang thiếu những bữa cơm có thịt.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV lại đứng ra vận động xây dựng quỹ “Trò nghèo vùng cao” từ hơn 10 năm nay, mà một trong những hoạt động chính là tổ chức những bữa cơm có thịt cho học sinh nghèo vùng cao.
Ngoài ông Tuấn, một số tổ chức xã hội và nhiều nhà hảo tâm khác cũng thực hiện những chương trình tương tự ở nhiều nơi. Và, có điều rất thú vị, không ít người tham gia đóng góp tài vật làm nên những bữa cơm có thịt kia là những người thường ăn cơm không có thịt.
Mấy ngày gần đây, dư luận dậy sóng về chuyện hộp cơm thịt chuột được cho là của một học sinh ở huyện miền núi Nam Giang. Những réo đòi về những bữa cơm có thịt cho học trò nghèo lại được đặt ra. Và thật may là, những phẫn nộ, xót xa, thương cảm... cuối cùng đã được giải tỏa khi biết rằng sự thật không phải vậy. Song, không vì thế mà nỗi trăn trở về những bữa cơm không có thịt vì không có tiền để mua thịt, lắng xuống...
Cơm không có thịt, khi là một lựa chọn tự nguyện như nhiều người, như anh bạn vong niên của tôi, như gia đình tôi, vì thế có một “chiều kích” khác, khác hoàn toàn với những bữa cơm không thể có thịt cá của người nghèo đâu đó!