Cơm vua ngày trời

NGUYỄN ĐIỆN NAM 25/12/2016 07:03

Nói “thời giờ tức là tiền bạc”, đúng lắm! Nhưng nói một đàng mà thực hành cái sự quý tiền bạc và thời gian thì lại khác. Mỗi nơi mỗi kiểu và tùy mỗi người.

Ở các nước phát triển, người Âu Mỹ hay người Nhật coi lãng phí thời giờ không khác chuyện phí tiền bạc. Họ thu chi của công hay tư đều có hồ sơ theo dõi chặt chẽ; với thời giờ làm việc thì chấm công rất chi li và đều quy ra tiền. Họ coi thời giờ quý như tiền bạc nên luôn tìm cách tận dụng tốt nhất, sao cho không lãng phí mà còn sinh lãi nhiều. Vậy nên, họ luôn cải tiến công nghệ để tiết kiệm chi phí thời gian, tiền bạc, sắm ra đồng hồ để quản lý chặt chẽ quy trình làm việc.

Còn ở ta thì sao? Từ xưa cho đến hồi năm 1931, trên Phụ nữ tân văn đã đăng bài về “Cái đồng hồ” của cụ Phan Khôi - một nhân sĩ Quảng Nam nổi tiếng, có đoạn viết rằng: “Trong thành ngữ tiếng ta có một lời mà người ta hay dùng đến lắm, là: “Cơm vua ngày trời”. Trong câu nói nào có dùng chữ cơm vua ngày trời, ấy là tỏ ra ý ăn hết chừng nào thì ăn, làm được chừng nào thì làm, không bị hạn chế và thôi thúc chi hết. Cho nên cũng lại có cái thành ngữ “làm việc quan” để phát minh cho nhau. Phê bình một công việc gì của người nào làm mà nói rằng đó là “làm việc quan”, thì cũng chẳng khác gì nói rằng đó là làm lấy rồi, làm hà rứa, làm đù đưa đủng đởn, tới đâu hay đó. Phải, phàm kẻ làm việc quan, đều có cái quan niệm cơm vua ngày trời, ăn hết chừng nào thì ăn, làm được chừng nào thì làm, không bị hạn chế thôi thúc, thì có tội gì làm đúng đắn, làm kịp thời kịp vụ làm chi!”.

Thời cụ Phan Khôi không nói làm gì, cho đến bây giờ ta hô hào công nghiệp hóa nhưng vẫn phí thời giờ mới lạ. Ở tầm quốc gia thì người ta đang bàn cái vụ liên quan đến sử dụng thời giờ rất nhiều. Tỷ như cái chuyện có hay không 30% cán bộ công chức (khoảng 700 ngàn người) “sáng vác ô đi tối vác về” mà không làm việc, lại khiến tốn ngân sách khoảng 17 ngàn tỷ đồng để trả lương? Tại cuộc tọa đàm “Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức làm sao cho thực chất?” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho con số ấy là do các chuyên gia khái quát lên, nhưng mặt khác cũng không ai tin số người hoàn thành nhiệm vụ tới 97,5 hay 99%, vì thấy tình trạng lãng phí thời giờ ở cửa công quá lớn. Vì không đánh giá được thực chất nên không phân loại được người nào làm tốt/kém, nhanh/chậm, không gắn với vị trí việc làm, chỉ cào bằng, thành ra chẳng mấy ai phải nghỉ việc vì không hoàn thành nhiệm vụ cả. Bằng chứng là báo cáo trước kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, thực tế trong hai năm qua mới chỉ giảm biên chế được hơn 17.000 người, rất thấp với mục tiêu đề ra.

Cái nạn “cơm vua ngày trời” còn diễn ra phức tạp ở các địa phương, cơ sở. Trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã phải bày tỏ bức xúc vì tiến độ giải quyết thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư. Theo ông Thu, nhà đầu tư bị những thủ tục hành chính rườm rà, thiếu nhiều điều kiện cho họ phát huy hiệu quả đầu tư, kinh doanh. Hiện vẫn còn hàng chục, hàng trăm dự án bị trễ nãi vì vướng giải phóng mặt bằng. Thậm chí có những nhà đầu tư chân chính phải chờ đợi đến năm, bảy năm mà vẫn không thể nhận được mặt bằng. Các địa phương cứ hứa miết. Chính quyền mất uy tín với nhà đầu tư vì không bảo đảm giải phóng mặt bằng.

Nếu nói “thời gian là lực lượng” thì chính việc lãng phí cơ hội, rề rà trong giải quyết công việc cốt yếu như vậy sẽ làm cho bức tranh môi trường đầu tư khó mà cải thiện.

Với cái nhìn biếm họa để phê phán thực trạng lãng phí thời giờ - cũng là lãng phí tiền bạc, lại nghe cụ Phan Khôi trách xa trách gần: “Nếu nói trắng, đừng sợ mích lòng nhau, thì xin nói rằng: cái tâm lý “cơm vua ngày trời” của mấy thế kỷ trước, ngày nay nó vẫn còn vướng víu trong đầu chúng ta. Nếu bề trong, chúng ta còn giữ cái tâm lý ấy, mà bề ngoài, chúng ta dùng đồng hồ, thì quả thật, nó chỉ là một vật trang sức của chúng ta mà thôi vậy”.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơm vua ngày trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO