Ba tôi mất từ lâu. Còn mẹ tôi theo ông bà cũng đã được mấy năm. Qua tuổi sáu mươi, không hiểu sao những ký ức về một thời thơ bé với chiến tranh bom đạn ùng oàng triền miên lại hiện về trong tôi. Nhớ mẹ, tôi lại nhớ mấy con cá chuồn mặn ngày ấy…
1. Đấy là mùa hè 1967. Lúc bấy giờ gia đình tôi rời nơi chôn nhau cắt rốn vào ở nhờ vạt đất trống của bà Cả Chững, cạnh ngõ nhà ông Tám Tình trong ấp chiến lược thôn Hữu Lâm, xã Phước Kỳ, quận Tiên Phước.
Tạm cư trong khu dồn được quây giữ bởi hai lớp rào tre và một lớp rào kẽm gai bùng nhùng, gài dày đặc mìn các loại, gia đình tôi cũng như rất nhiều gia đình khác, hầu hết chỉ ăn không ngồi rồi.
Đất đai ruộng vườn không có để canh tác. Dân sở tại chẳng có mấy ai thuê mướn cấy cày gặt hái. Nguồn sống duy nhất của mọi người là mong ngóng cổng ấp chiến lược được mở để túa ra bên ngoài quơ củi, hái rau, hái mít, bắt ốc, bắt cua cá… đem về đổi gạo nấu ăn qua ngày.
Những năm tháng ấy, khi màn đêm buông xuống, ba tôi ngồi xếp bằng ở bộ phản ngựa ngâm tra Truyện Kiều rồi cao hứng lẩy Kiều cho anh em tôi nghe. Hôm nào đến phiên ba tôi cùng ông già Lũy đi gác đêm ở bót gác phía sau nhà bà Chỉ, mẹ tôi lại kể chuyện đời xưa cho anh em tôi.
Tôi nhớ, có lần mẹ bảo quê tôi có mít non còn miền biển Tam Kỳ có cá chuồn. Mít non kho với cá chuồn ăn rất ngon. Vì thế mới có câu ca: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Mẹ còn bảo, cá chuồn ngon nhất là cái mui (cái mõm cá) nên quê tôi mới có câu “mâm sui không bằng cái mui cá chuồn”. Hai em tôi là Đại và Khoa nằn nì mẹ tôi tả thật kỹ về con cá chuồn và cái mui của nó. Còn Khoa cứ ăn nỉ ỉ ôi: “Khi mô có tiền mẹ mua con cá chuồn có cái mui đem về ăn thử”.
2. Thương con, mẹ tôi hứa và giữ đúng lời hứa. Tôi nhớ hôm đó là một ngày tháng 7.1967. Anh Hai, anh Ba và anh Bốn tôi theo ba mẹ về khu vườn xưa của gia đình để kiếm cái ăn cho cả nhà. Tôi, Đại và Khoa còn nhỏ dại, ở nhà.
Trưa, ba anh em tôi ăn khoai sắn luộc chấm muối dầu lai. Xế chiều, tiếng súng bắn kêu ba phát một vang lên. Ba anh em tôi chạy đến bên cổng ấp chiến lược thôn Hữu Lâm ngay cạnh ngõ nhà ông Bốn Lý, mong ngóng ba mẹ và các anh tôi về.
Lính nghĩa quân và dân vệ đứng lố nhố ở cổng ấp. Họ lục soát kỹ từng bó rau, giỏ cá đồng, xem có ai đem truyền đơn của cộng sản vào bên trong ấp chiến lược hay không. Ơn trời, sau một hồi lục soát, ba mẹ và các anh tôi được gã ấp trưởng khoát tay cho đi. Chiều tối. Mẹ tôi nấu cơm khoai chụm củi thật nhiều, lửa than đỏ rực…
Lính nghĩa quân đi lại ngoài đường khi trời chập choạng tối. Gia đình tôi dọn cơm khoai ra ăn. Mẹ tôi thắp đèn dầu đem vô hầm vặn nhỏ ngọn lại. Hầm tránh đạn của nhà tôi là hầm nổi, ở ngay cửa hông xuống chái bếp.
Hầm làm bằng những ống sắt đựng thuốc bồi pháo 155 ly, cao lút đầu người, bên ngoài chất ba lớp bao bố đựng đầy đất cát. Mẹ xới cho ba anh em tôi mỗi đứa một chén cơm khoai có khúc cá to bằng ngón tay cái người lớn đem vô hầm ngồi ăn.
“Cá chuồn đó. Ăn và nhớ không được nói với bất cứ ai. Nói ra là cả nhà mình bị giết chết hết, hiểu chưa!”, mẹ dặn. Ăn lén ăn lút chén cơm khoai với khúc cá chuồn mặn nướng lửa than hoa, ba anh em tôi thấy ngon chi lạ.
Cá vừa mặn, vừa bùi, lại vừa thơm. Đại và Khoa nhỏ hơn nên được mẹ ưu tiên cho thêm khúc đầu có cái mui con cá chuồn. Khoa tỏ ra thất vọng vô cùng vì cái mui con cá chuồn bé tí ti lại chẳng có gì để gọi là ngon cả! Còn Đại nhai ngốn ngấu cả mui cả đầu.
3. Làm thế nào mà mẹ tôi kiếm được mấy con cá chuồn mặn ở biển khi sống trong rào gai ấp chiến lược của chính quyền tề ngụy?
Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, mẹ tôi mới bật mí cho tôi hay. Ngày ấy, thấy ba anh em tôi mơ ước được thưởng thức món cá chuồn mặn để biết thế nào là hương vị của biển, mẹ tôi âm thầm vạch kế hoạch để biến ước mơ của ba anh em tôi trở thành hiện thực.
Mẹ lặng lẽ theo dõi quy luật lục soát của đám lính nghĩa quân và dân vệ ở cổng ấp chiến lược, nắm rõ lịch phân công lục soát của bọn họ, qua đó biết ai lục soát qua loa, ai lục soát kỹ càng.
Ra vùng giải phóng quơ củi, mẹ liên hệ với Thừa, anh Thiệt, ông Ninh ở Đội Công tác Phước Kỳ nhờ dân tự do ở Phước Tiên đi chợ Kỳ Long mua giùm mấy con cá chuồn mặn. Anh em trong Đội Công tác Phước Kỳ mua về gửi cho cô Năm Duân ở chùa Tế Nam cất giấu.
Sau khi về lại khu vườn xưa hái mít non, kiếm củi, mẹ tôi quan sát thấy không có ai đeo bám theo dõi, vội tạt vào chùa lấy mớ cá chuồn mặn ấy nướng chín để anh Hai, anh Ba, anh Bốn và ba mẹ tôi cùng ăn với cơm khoai gói trong mo cau.
Còn lại ba con cá chuồn mặn to bằng ngón chân cái người lớn (trong đó có một con mất đầu) mẹ cho từng con một vào bao ny lon, bỏ vào hai ống quần đen xăn tròn đến đùi rồi lấy ghim ghim bên trong cho hai ống quần khỏi xổ ra.
Bằng cách đó, mẹ đã qua mặt được đám lính nghĩa quân và dân vệ ở cổng ấp chiến lược, đem về ba con cá chuồn mặn để anh em tôi ăn cho biết hương vị của biển.
Kể xong chuyện, mẹ tôi móm mém cười. Còn tôi, tôi nghẹn ngào không nói nên lời...