Con chim phượng bay lên từ đất…

TRUNG VIỆT 24/03/2017 09:46

1. “Mi viết mà răng không nhớ?”. Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự  nói như quát qua điện thoại. Tài thánh chi đâu, bao chuyện đè trong óc, đến cả ngày tháng năm sinh của con mà còn phải nhắm mắt trong mấy giây mới chính xác nữa là.

Đêm Mỹ Sơn huyền thoại.Ảnh: LÊ VẤN
Đêm Mỹ Sơn huyền thoại.Ảnh: LÊ VẤN

“Ai là người  đẻ ra ý tưởng làm Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản?”. Tôi đặt câu hỏi với Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài. Phải nhắc lại rằng, câu chuyện làm lễ hội của 20 năm trước, những người cầm trịch giờ đã thưa vắng rồi. Bà Hồ Thị Thanh Lâm về hưu. Ông Trần Minh Cả đã mất. Ông Nguyễn Sự về hưu. Còn ông Hài cũng sắp sửa rời quan trường. Nỗi bồi hồi ngay trong mắt ông hiện ra. Đó là năm 2003,  thời điểm đó nổi lên chuyện Hạ Long, Huế làm sự kiện văn hóa quốc gia. Lãnh đạo tỉnh đặt câu hỏi: Vậy chúng ta làm chi để quảng bá Quảng Nam, khi Mỹ Sơn và Hội An đã được công nhận Di sản văn hóa thế giới, khách đã đặt chân đến, nhưng rất ít, nếu không muốn nói là… hoang sơ. “Người tác động lớn về suy nghĩ này là ông Nguyễn Xuân Phúc, người đồng hành với anh em là chị Hồ Thị Thanh Lâm. Mình và anh Nguyễn Đức Tuấn giám đốc sở lập đề án, sau khi nghiên cứu ở Hạ Long và Huế. Người chia sẻ ở góc độ cá nhân là anh Nguyễn Sự. Đó là thời điểm năm 2002, để tháng 3.2003 là làm sự kiện “Quảng Nam - Hành trình di sản”, mà sân khấu là chiếc thuyền buồm - ông Hài nói.

Tập sách in thời đó, còn đây. Tôi nói thiệt ý nghĩ mình, là sân khấu lúc đó, đẹp và thật hơn nhiều những đèn đuốc tùm lum sau này. “Ừ. Festival đầu tiên, mình chưa có công ty tổ chức sự kiện, mình làm trong điều kiện khó khăn bao vây, kinh nghiệm chưa có. Lúc đó cũng chưa có trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật, mình đề nghị Bộ Văn hóa giúp. Họ đưa 14 chiếc xe chở thiết bị vào, cũng sống lang thang khắp nơi để giúp mình. Câu hỏi đặt ra cho mình (lúc này Sở Du lịch đã ra đời, ông Hài làm giám đốc), anh Phi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, anh Nguyễn Sự, anh Phùng Trung tâm VH Hội An, anh Lục HĐND Hội An, là logo cho lễ hội là chi? Bàn nát nước, và qua bàn tay của họa sĩ Trọng Dũng tại Đà Nẵng, logo đã hình thành, cõng trên mình thông điệp về tài nguyên đất đai xứ sở, từ vật thể hữu hình đến tiếng nói mãnh liệt của lòng người. Đó là hình Mỹ Sơn, Chùa Cầu và con chim Phượng. “Chưa đủ, có thêm sóng nước, đó là yêu cầu của tau - ông Sự kể - biển cũng là tài nguyên và chúng ta sẽ làm giàu từ văn hóa biển, bởi lễ hội đó vươn ra cả Cù Lao Chàm. Dù có chết tau cũng không quên. Ngày 17.3, mở đường từ bãi Làng đi bãi Ông, máy ủi đứt xích, phải mang đồ hàn từ đất liền ra trong khi sóng cấp 6 - 7, khổ không chi bằng, gấp rút làm đến cuối tháng, là kịp”.  

Nhưng có  phải xong liền đâu. Tổ chức lần này, ta làm gì để… khai trương hoạt động du lịch. Mấy anh em ngồi, tính toán rồi chọn 5 điểm là làng chài Thanh Nam, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, Mỹ Sơn, tạo ra các điểm nhấn cho sự kiện. “Đến bây giờ, trừ làng chài Thanh Nam là không còn, còn lại 4 điểm kia là câu khẳng định, lúc đó chúng ta đã chọn đúng?” - tôi hỏi. “Chính xác, đến nay đời sống người dân các nơi đó là câu trả lời đúng” - ông Hài gật đầu. “Lần đầu tiên, một lễ hội tại Quảng Nam được làm truyền hình trực tiếp. Lần đầu tiên, tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư… Đó là năm khó khăn vô cùng”. Anh Sự phản biện: “Phải nói rằng có từ tháng 8.1998, khi Hội An tổ chức Đêm rằm phố cổ. Tại thời điểm đó, Hội An kết hợp với VNA quảng bá, nối Đà Nẵng và Huế cùng Hội An thành 3 điểm đến. Rồi năm 2000, Hội An tổ chức chương trình Hội An - Hành trình từ quá khứ. Đó là những tiền đề, những mầm mống cho việc sinh thành  một tiến trình lễ hội Festival Quảng Nam kéo dài từ 2003 đến nay”.

2. Thời gian vụt trôi. Cứ hai năm một lần lễ hội đến hẹn lại lên. Đến 2009 chuyển sang 4 năm/1 lần. Thời điểm 2006, tỉnh tổ chức năm Du lịch Quốc gia. Tôi nhớ có bạn trào lộng về lễ hội “Hội An hôm nay - Rồng bay, phượng bay”, nhằm ý nói chuyện nhàm. “Nhàm thì có, nhưng được thì nhiều hơn. Đó là cơ hội quảng bá văn hóa, tài nguyên du lịch của chúng ta. Ngược về thời điểm trước 1975, người  ta chỉ đi chơi ở Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, chứ ai du lịch Quảng Nam bao giờ” - ông Hài nói. Đành là vùng chiến sự, nhưng phải nói rằng có ai nhắc đến tiềm năng văn hóa, du lịch của vùng đất phên giậu này đâu, vùng đất mà mỗi khi mở miệng, tôi hay giỡn chơi với bạn bè phương Nam rằng, không có dân Quảng di cư vô, tụi bay lấy đâu ra mà ngồi đây bốc phét, nên tụi bay phải gọi dân Quảng Nam là tiền hiền!

Mình sống trên đất này, vốn văn hóa dân gian từ dân ca, bài chòi đến trò chơi dân gian, ngay cả chuyện ăn khoai lang uống nước chè, đánh trâu đi cày, xay lúa, mình coi là đồ của ngày xưa, lạc hậu, quen thuộc như bàn tay, mà mình có ý thức đâu rằng đây là thứ gia bảo, mình “bán” ăn được, chứ chưa nói sẽ làm giàu như bây giờ. Biển đó, phố cổ đó, làng nghề đó, gạch đá Chămpa đó, nằm im lìm đến ngao ngán, mình có thay đồ, tiếp máu cho nó sống đâu, mà cũng chẳng ai nhắc mình điều đó. Trầm tích cha ông để lại làm hồi môn cho con cháu, cứ đi tìm đâu xa, vàng trong óc, dưới chân, quanh mình, răng mà không tìm? Mà đã để im, là nó mục, nó mất.

Mỗi mùa lễ hội, là một lần chúng ta khơi dậy và bảo tồn nhiều loại hình văn hóa truyền thống và du nhập những sự kiện văn hóa đương đại. Lần đầu tiên, ngay trên phố cổ, ta thấy những điệu Flamenco, lễ hội đường phố, trò chơi dân gian đến từ Nhật, Hàn... Điều đó, nó giải phóng nhận thức của chúng ta, từ lãnh đạo đến người dân đang nắm tài sản văn hóa ấy, rằng, họ bắt đầu thấy, cơ hội để hưởng thụ và sáng tạo đang đến. Phố cổ là một ví dụ. Đêm rằm phố cổ. Phố đi bộ. Phố không động cơ. Tất cả dựng lại một nhịp sống khác, mà người dân thấy rằng, họ giữ gìn của cha ông được, không phải để trong tủ cất kỹ, mà đem ra, làm giàu và biết cách làm giàu. Những tour du lịch cộng đồng ở Cẩm Thanh, Thanh Hà, bà con sống tốt với mảnh vườn của mình, sông nước của mình, và vươn xa hơn là thúc đẩy nhận thức lớn lao về bảo tồn văn hóa để làm giàu từ đó. Không xài túi ny lon để bảo vệ rặng san hô ở Cù Lao Chàm. Không làm điều đó là rác ngập, có ngày cũng chết, khách sẽ chán chường và buồn hơn, không có tư duy kỹ trị xa, rộng, sâu, thì nó lộ hết cái tầm “ăn xổi ở thì” của lãnh đạo, mà tên gọi hiện đại là tư duy nhiệm kỳ.

Có làm lễ hội, nhà đầu tư mới biết đến Quảng Nam. Mình làm giàu không nổi thì phải mời người ta. Cứ mỗi kỳ lễ hội, là thêm một sản phẩm du lịch. Nhà đầu tư nhìn thấy ở đó tiềm năng lớn, họ mới nhảy vào. Con số hiện thời là du lịch chiếm 8% GRDP cả tỉnh, phấn đấu đến 2020 là 10%. Nó sinh ra và sống được như thế, là từ các lễ hội. Thời điểm 2003, có được 820 nghìn lượt khách quốc tế đến Quảng Nam, doanh thu 121 tỷ đồng, thì đến 2016, có 4,4 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 6.700 tỷ đồng; đứng thứ 4 về lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Nhìn lại, ta đi từ không có gì, đến nay là vậy, đó là bước nhảy trên lĩnh vực du lịch khai sinh từ văn hóa, mà cũng từ đây, câu chuyện bảo tồn văn hóa để phát triển đặt ra như chuyện sinh tử, mà bảo tồn phải là hàng đầu, là hình thành nên tính chuyên nghiệp trong tư duy người quản lý lẫn thực hiện. Tại Quảng Nam không có chuyện làm mới di tích, không có lễ hội ngập khói nhang mê tín dị đoan. Những kỳ lễ hội qua đi, là một bước tính chuyên nghiệp trong tổ chức được nâng lên. Đó là thắng lợi  không phải nơi nào cũng làm được.
3. Câu chuyện lễ hội văn hóa tại Quảng Nam, đã vẽ lại bản đồ điểm đến trong mắt thiên hạ, hình thành một thương hiệu văn hóa, là sự tái sinh như con chim phượng bay lên từ đất. Đó là kết quả của sự đồng thuận cao từ người dân đến lãnh đạo, từ anh em làm công tác văn hóa du lịch địa phương đến người đề ra chủ trương. Và có làm thì có sai, có thiếu. Sự tương tác chểnh mảng, hời hợt, những phần diễn thiếu sức sống, không phải không có, và rõ nhất là kết nối những tour tuyến du lịch miền núi. Phải thấy rằng, nhiều kỳ, ý muốn kéo miền núi với tiềm năng văn hóa, kinh tế, chưa thật sự có kết quả, thậm chí làm cho có. Sản phẩm đơn lẻ, èo uột, thiếu kích thích, không gợi cho du khách, nhà đầu tư   sự hăm hở rằng nếu mở cánh cửa đó, vàng sẽ hiện ra. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng rõ là thiếu chiến lược, tầm nhìn dài hơi, thiếu quyết liệt đầu tư xứng đáng, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ miền núi về đồng bằng. Lễ xong rồi là hội, màn đã cuốn, thì còn lại là tiềm năng du lịch được khơi dậy ra sao? Nói đâu xa, tại Mỹ Sơn bây giờ vẫn là một khó khăn kéo dài bao năm không giải quyết được, là làm sao giữ khách lại đó, khi những homestay được đầu tư, giờ không hiệu quả nữa.

Say mê, nhiệt thành, nhưng phải có đầu óc lớn, nhất là không vụ lợi, lợi ích nhóm. Đó là thách thức cần có và tất yếu để cho câu chuyện  làm giàu từ văn hóa ở vùng đất này đặt ra ở những người lãnh đạo. Bây giờ, chuyện du lịch, văn hóa - du lịch đã xoay chuyển theo chiều khác, mà sở thích của du khách là đòi hỏi sự thô mộc đầy gợi cảm ở những vùng đất, làng mạc họ đến; họ cần giản dị nhưng không đơn điệu, tịnh yên nhưng không mất an toàn, nhộn nhịp nhưng không nhốn nháo,  sang trọng nhưng không kệch cỡm…; tất cả là bài toán khó khăn. Mà ở đất này, không bám văn hóa - du lịch để làm giàu, là sai lầm nghiêm trọng, thậm chí thất bại, bởi sự bấp bênh của thị trường công nghiệp, mất an toàn từ các sự cố môi trường, sự gãy đổ của những chuẩn mực đời sống văn hóa, nó tác động từ từ nhưng chứa đầy rủi ro nguy hiểm.

Hai mươi năm, sự biến chuyển của đất Quảng Nam từ gian khó đi lên, là bài toán khỏi bàn. Nhưng bây giờ biến Quảng Nam thành vùng đất của lễ hội đầy sức sống, dài lâu và bền vững trên cái nền đã làm được, ra sao? Tôi mang câu hỏi này cho ông Sự và ông Hài, câu trả lời là những trầm tư đầy âu lo.

Ghi chép của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Con chim phượng bay lên từ đất…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO