Trong văn hóa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á theo Ấn giáo (Hindu), con chó là loài vật gắn liền với hình tượng của các vị thần; đặc biệt chín vị thần tinh tú (hay cửu tú/cửu diệu/navagrahas) được tin là ảnh hưởng đến vận mệnh của con người.
Thần Siva-Bhairava và con chó trung thành của ngài du hành đó đây để cứu thế. (Tranh Ấn Độ đầu thế kỷ 20). |
Chín vị thần tinh tú này phổ biến trong khoa thiên văn học hay chiêm tinh học, bao gồm chín vì sao trong thái dương hệ, đó là: Nhật (Surya/Sun), Nguyệt (Chandra/Moon), Hỏa tinh (Mangala/Mars), Thủy tinh (Budha/Mercury), Mộc tinh (Brihaspathi/Jupiter), Kim tinh (Sukra/Venus), Thổ tinh (Sani/Saturn), La-hầu (Rahu), Kế-đô (Ketu). Bài này bắt đầu với hình tượng con chó của Thần Sao Thổ Bhairava, một con vật độc đáo trong nghệ thuật tạo hình của Ấn giáo.
Thần Sao Thổ/Thổ Tinh Sani là một vị hung thần, ngài tạo nên vận may nhưng cũng mang đến xui xẻo bằng sự ảnh hưởng và vị trí của ngài trong hệ tinh tú; vì thế, đương nhiên, ngài bị khiếp sợ và được sùng bái bởi tín đồ của khoa thiên văn học/chiêm tinh học theo Ấn giáo. Ngài được thể hiện có bốn tay ngự trên một cỗ xe, hoặc trên con trâu hoặc chim ó. Trong ba tay ngài cầm một mũi tên, một thanh cung và một mũi giáo; tay thứ tư thủ ấn đại bi; là ngày thứ Bảy theo lịch Ấn giáo.
Phù điêu chạm chín vị thần tinh tú hay Cửu Tú/Cửu Diệu phát hiện tại di tích Trà Kiệu. Thế kỷ 7-8. Chất liệu đá Sa thạch. Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Tp. Hồ Chí Minh.Ảnh: T.K.P |
Đáng lưu ý là Thần Sao Thổ được so sánh với thần Bhairava, một hóa thân của thần Siva - Đấng Hủy diệt và Tái tạo Vũ trụ để canh giữ tám hướng của thế gian. Trong hóa thân này Bhairava kết hợp với Kala - thần Thời gian biểu tượng tính chất biến đổi vô thường của vạn vật. Thần Bhairava là hung thần giúp con người vượt qua những nỗi sợ hãi tạo nên bởi lòng tham lam, đố kỵ và ganh ghét. Ngài cưỡi con chó mà tiếng sủa của nó xua tan mọi lo âu, mang đến niềm thanh tịnh cho mọi tín đồ; và đặc biệt, ngài mang đến lòng quả cảm cho các tín nữ. Vì thế hình tượng Bhairava và vợ của ngài là Bhairavi được tôn thờ phổ biến trong nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á.
Trong nghệ thuật tạo hình Champa, hình tượng Cửu Tú hay Cửu Diệu (Navagrahas) được thể hiện trên một bức phù điêu bằng sa thạch phát hiện tại thành Trà Kiệu, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7 - 8, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh. Trên bức phù điêu độc đáo này chín vị thần được diễn tả từ trái sang phải, đó là: Nhật thần Surya ngự trên cỗ xe thất mã; Nguyệt thần Chandra ngự trên tòa sen; Hỏa tinh Mangala hay Agni ngự trên con sơn dương hay con tê ngưu (?); Thủy tinh ngự trên con ngỗng; Mộc tinh ngự trên con voi; Kim tinh Sukra ngự trên con ngựa (?); Thổ tinh Sani/Bhairava ngự trên con chó; La-hầu Rahu ngự trên con trâu (?); Kế-đô Ketu ngự trên con sư tử. Việc thay đổi hình tượng những con linh thú của những vị thần là một sáng tạo của nghệ thuật tạo hình so với nghệ thuật Ấn Độ; tuy nhiên nguyên nhân của sự thay đổi này vẫn còn là câu hỏi lớn cho các nhà nghiên cứu. Việc thể hiện hình tượng Thổ tinh là thần Bhairava cưỡi con chó, bộc lộ xu hướng thiên về đạo Siva của tín ngưỡng hoàng gia Champa. Vị thần này còn giữ chức năng hộ trì cho các cơ sở tôn giáo của hoàng gia; nghĩa là biểu tượng của sự phồn vinh.
Trong kiến trúc tại Mỹ Sơn, từ thế kỷ 10 trở đi, các tổ hợp đền - tháp đã được phát triển hoàn thiện để thờ các vị thần phụ như Thần Phương hướng (Hộ thế bát phương thiên/Astadikpalakas) và các vị Thần Tinh tú (Thất Diệu/Cửu Diệu/ Saptagrahas/Navagrahas) tại hai nhóm Mỹ Sơn A và B. Riêng tại nhóm Mỹ Sơn B có bảy ngôi tháp nhỏ thờ các vị thần Tinh tú (Thất tú/Thất Diệu/Saptagrahas) từ B7 - B13, được dựng bao quanh ngôi đền chính Mỹ Sơn B1 nơi thờ linga của Đấng Chí tôn Siva - Bhadresvara, đó là: Tháp B7: Thần Ravi - Thần Mặt trời cưỡi con ngựa; Tháp B8: Thần Soma - Thần Mặt trăng cưỡi tòa sen; Tháp B9: Thần Mangala/Agni - Thần Sao Hỏa cưỡi con tê ngưu; Tháp B10: Thần Budha - Thần Sao Thủy cưỡi con ngỗng; Tháp B11: Thần Bhairava/Indra - Thần Sao Mộc cưỡi con voi; Tháp B12: Thần Sukra/Isana - Thần Sao Kim cưỡi con bò; Tháp B13: Thần Sahni/Yama - Thần Sao Thổ cưỡi con trâu.
Triết học Vệ Đà của Ấn Độ quan niệm con người là một tiểu ngã (atman) của vũ trụ; bằng sự tĩnh tâm và cầu nguyện mỗi cá nhân có thể hòa nhập vào đại ngã vũ trụ (brahman). Ngôi đền Ấn giáo chính là nơi kết nối con người với thần linh qua nghi lễ tụng niệm; giúp con người giải thoát được những ràng buộc vị kỷ. Trong ngôi đền đó, thần Hộ mệnh Siva - Bhairava hiện ra hỗ trợ tín chủ trong nghi thức tự quán (svadhyaya/tự xét mình) để đạt đến giải thoát. Vì thế tín ngưỡng thờ thần Siva - Bhairava - vị thần xua tan bóng tối và chướng ngại đã xuất hiện cùng với những vị thần tinh tú trong nghệ thuật Chàm vào những thời hưng thịnh nhất của vương quốc này.
TRẦN KỲ PHƯƠNG