Không ít cán bộ trẻ đào tạo bài bản đang công tác ở vùng cao được ví như những “hạt giống đỏ”, mang niềm tin yêu cho cuộc sống cộng đồng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực...
Thời gian qua, nhiều chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy được ban hành đã từng bước giúp nâng chuẩn năng lực cán bộ cơ sở ở miền núi Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Trả ơn dân bản
Chúng tôi ngồi trò chuyện với Riah Nhít (SN 1988, người Cơ Tu) - cán bộ tổng hợp của UBND xã Ch’Ơm (huyện Tây Giang) khi anh vừa trở về sau buổi rà soát hộ nghèo. Riah Nhít nói, hồi còn ở trường đại học, anh đã xác định sẽ trở về quê phục vụ bà con dân bản, như một cách trả ơn vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Vì thế, năm 2013 tốt nghiệp chuyên ngành Luật của Trường Đại học Luật Huế, rồi trúng tuyển đề án Tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016 (Đề án 500), Riah Nhít đã không ngừng nỗ lực để hiện thực ước mơ của mình. Gần 3 năm nay, công việc của Riah Nhít gắn liền với cuộc sống đồng bào, từ góp công tuyên truyền, vận động xây dựng làng bản văn hóa, cho đến huy động sức trẻ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương… Rồi Riah Nhít được tin tưởng kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, được đánh giá là một trong số cán bộ học viên Đề án 500 tiêu biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ khi về công tác tại địa phương.
Riah Nhít.Ảnh: Đ.N |
Chúng tôi theo chân Riah Nhít lên tận khu đồi dọc tuyến đường liên xã Ch’Ơm - Ga Ry để thăm vườn cây dược liệu đảng sâm do thanh niên địa phương nhận trồng từ hơn 2 năm nay, nhằm xây dựng nguồn quỹ hoạt động, cũng như khuyến khích các bạn trẻ phát triển kinh tế gia đình từ cây bản địa. “Sau này, khi đường sá thuận lợi hơn, cây đảng sâm sẽ có thêm đầu ra ổn định, mở cơ hội để dân làng mình phát triển kinh tế” - Riah Nhít nói, rồi vội vã trở về làng để kịp dự buổi họp bàn kế hoạch chuẩn bị cho việc thăm nhau với cụm bản Kà Lừm (Sê Kông, Lào) nhân dịp tết cổ truyền Việt Nam.
Góp sức trẻ
Những ngày cuối năm, đường sá vùng cao vẫn còn khá lầy lội - vết tích còn sót lại sau cơn bão số 12 vừa qua. Trên tuyến đường liên xã La Êê - Chơ Chun (huyện Nam Giang), tình cờ chúng tôi bắt gặp Bh’nướch Túy, cùng một số cán bộ trẻ và thanh niên địa phương giúp dân khơi thông nguồn nước, khắc phục tuyến đường dân sinh. Túy nói, sau cơn bão số 12, nhiều tuyến đường đi lên các xã vùng cao La Êê, Chơ Chun bị sạt lở nặng, nguồn nước sinh hoạt cũng không về làng được. “Mỗi người đóng góp một chút công sức, để địa bàn không bị cô lập, người dân không lo thiếu nước sinh hoạt do mưa lũ” - Túy bộc bạch.
Bh’nướch Túy.Ảnh: Đ.N |
Bh’nướch Túy cũng là cán bộ được đào tạo theo Đề án 500. Trong hơn 2 năm công tác tại UBND xã La Êê, được giao phụ trách công tác thống kê, Bh’nướch Túy luôn phát huy sức trẻ và tinh thần sáng tạo trong công việc, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương. Hồi tháng 9.2016, khi sự cố vỡ đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 xảy ra, Bh’nướch Túy nhiệt tình cùng dân làng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp di dời tài sản của các hộ dân bị ảnh hưởng. Hay trong các dịp có đoàn tình nguyện đến trao quà hỗ trợ cho bà con dân bản, Bh’nướch Túy cũng cùng xắn tay áo tham gia vận chuyển hàng, quà đến vị trí tập kết. Dù là làm công việc gì, vất vả khó nhọc đến đâu, trên gương mặt Bh’nướch Túy lúc nào cũng lấp lánh nụ cười…
Nâng chuẩn cán bộ miền núi Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 15.12.2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện “chuẩn đầu vào” khi tiếp nhận, tuyển dụng. Đây được xem là những bước đột phá, giúp giải quyết dần “bài toán khó” nâng cao chất lượng cán bộ vùng đồng bào DTTS đã tồn tại trong thời gian dài trước đó. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, Nghị quyết số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chính là “luồng sinh khí” mới giúp miền núi xây dựng được đội ngũ cán bộ người DTTS có chất lượng về chuyên môn, năng lực quản lý và đảm bảo đủ khả năng, phẩm chất để đảm nhận những trọng trách được giao. Không nằm ngoài mục tiêu nâng chuẩn chất lượng cán bộ cơ sở cho các địa phương miền núi, các Nghị quyết 04, Nghị quyết 13, Nghị quyết 16 của Tỉnh ủy đã tạo được “dấu mốc” quan trọng với những chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ người đồng bào DTTS. Bí thư Huyện ủy Nam Giang - ông Chờ Rum Nhiên chia sẻ, những năm qua Nam Giang đã mạnh dạn quy hoạch và cử đi đào tạo nhiều cán bộ trẻ là người DTTS, trước khi bổ nhiệm làm cán bộ quản lý. Sau thời gian “thử nghiệm”, hầu hết số cán bộ này đều phát huy được năng lực chuyên môn, làm tốt vai trò quản lý, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Cũng như Nam Giang, từ việc chú trọng năng lực thực tiễn của từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ được đào tạo theo các đề án của tỉnh, trung ương, công tác cán bộ ở huyện Tây Giang luôn được đánh giá có nhiều chuyển biến với các mô hình, kinh nghiệm cụ thể, thiết thực. Trong đó, địa phương đã xây dựng nguồn quỹ “Ươm mầm Tây Giang” để trả lương hàng tháng cho cán bộ mới ra trường; đồng thời gửi đến tập sự tại một số phòng ban của huyện để làm quen với công việc. Ngoài ra, Tây Giang cũng làm tốt công tác luân chuyển cán bộ huyện về các xã nhằm rèn luyện, tạo nền tảng vững chắc cho lớp kế cận phát huy được năng lực phục vụ địa phương miền núi. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, để công tác cán bộ người DTTS từng bước đạt chất lượng cả về chuyên môn lẫn năng lực, ngoài sự quan tâm và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, các cấp, ngành trong việc nâng chuẩn về năng lực chuyên môn, quản lý…, các địa phương miền núi cần xây dựng kế hoạch chuẩn đầu vào trong công tác quy hoạch, tiến hành rà soát kỹ lưỡng vị trí việc làm phù hợp trước khi đưa đi đào tạo chuyên môn. “Các địa phương, đơn vị ở miền núi cũng cần chú trọng khuyến khích sử dụng, luân chuyển những cán bộ đã được đào tạo theo các đề án của tỉnh, của trung ương và quy hoạch, bố trí vào những vị trí phù hợp theo chủ trương chung của tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nói. |
ALĂNG NGƯỚC