Ngư dân làng chài trìu mến gọi ông là “con của biển cả”. Cả một đời ông gắn với biển và yêu biển tha thiết, cồn cào...
Ông Huỳnh Minh Cảnh. |
Chỉ một ngày xa biển, là ông cảm thấy nhớ, thấy bứt rứt như thiếu thứ gì đấy. Biển, dù lành hiền hay dữ dội cỡ nào, thì với ông, luôn bao dung và gần gũi, như lòng mẹ.
1. Ông Huỳnh Minh Cảnh được biết đến như là một ngư dân sản xuất giỏi, là ông chủ của nhiều thứ: đội tàu 5 chiếc công suất lớn, nhà máy nước đá phục vụ nghề cá trên biển, doanh nghiệp cung cấp ngư cụ, xăng dầu cho ngư dân đánh bắt hải sản... Dù là gì đi nữa, trước sau ông vẫn chỉ nhận mình là người yêu biển bằng tình yêu thiêng liêng mà bình dị như bao nhiêu người con của biển.
Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh sinh năm 1960, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2005; nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đội tàu 5 chiếc, công suất lớn của ông có tổng giá trị hơn 17 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 95 lao động với thu nhập bình quân 70 - 100 triệu đồng/lao động/năm. Nhà máy nước đá của ông có diện tích 1.200m2, công suất hơn 10 nghìn cây đá/ tháng, mỗi năm cung cấp hơn 90 nghìn cây đá cho các tàu ra khơi đánh bắt hải sản, giải quyết việc làm cho 5 lao động, thu nhập hơn 6 triệu đồng/ người/ tháng. Ông Huỳnh Minh Cảnh là điển hình trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, được UBND tỉnh cử đi dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc ở Trung ương. |
Không yêu biển, ông làm sao có thể miệt mài, kiên trì bám biển xa cho dù nhiều lần bị tàu nước ngoài uy hiếp, xua đuổi, thậm chí gây hấn, đe dọa và thu hết dụng cụ khi tàu ông đang đánh bắt ngoài khơi. Thậm chí, ông nói, những hành động ngang ngược, ức hiếp ngư dân Quảng Nam càng làm cho ông thêm quyết tâm bám biển, là động lực để ông đóng tàu to hơn, nhiều hơn mà thôi. Đó cũng là cách để ông góp một phần, dù là nhỏ bé của mình, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không yêu biển, ông sẽ không có cảm giác nhớ và thèm biển, ông nói, biển quen thuộc như hơi thở của mình. Như những ngày qua, gia đình có việc, không theo tàu ra khơi cùng thuyền viên được, mà lòng ông thì hướng về biển. Mỗi ngày ông đều theo dõi tình hình đánh bắt hoặc trò chuyện với bạn biển qua ICOM. Những câu chuyện vội vã hay dông dài cũng chỉ xoay quanh chủ đề về biển, về con cá, con tôm. Hoặc giả, mỗi sáng chiều ông ra bến và... đứng ngóng ra khơi xa. Khi có thuyền cập bến, ông nhảy vội lên thuyền như muốn tìm kiếm điều gì đó. “Điều gì đó”, với ông là ký ức những tháng ngày lênh đênh đánh bắt trên biển. “Có người ngoài bảy mươi tuổi, con cái trưởng thành, nhà cửa tươm tất, nhưng người thân khuyên can cỡ nào thì cũng cứ trốn nhà lên tàu ra biển, thì mình, từ nhỏ tới chừ chỉ biết bám biển, lại còn sức khỏe, nghỉ đi biển sao đành” - ông Cảnh trải lòng.
Biển bao la, mênh mông, dịu hiền; cũng có khi... khó hiểu và đầy bất trắc. Vậy mà dường như ngư phủ Huỳnh Minh Cảnh khá “thuộc” biển. Giữa mênh mông biển nước, mọi thiết bị, công cụ dụng cụ đều bị “tàu lạ” tịch thu, nếu không hiểu biển bằng kinh nghiệm của một ngư dân dạn dày, làm sao ông có thể lái tàu quay về đúng nơi xuất phát an toàn. Lúc đẹp trời còn dễ. Ban ngày nhìn vầng dương, ban đêm nhìn trăng sao, cứ thế định hướng đi. Có khi mưa gió mịt mùng, bốn bề thăm thẳm bóng đêm, vị thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm khỏa tay xuống nước đoán hướng, và luôn đoán đúng.
Ngư trường của ngư dân Quảng Nam chủ yếu ở Hoàng Sa, Trường Sa. Chủ quyền của mình ở đó. Vậy mà đánh bắt ở vùng biển này, vẫn thỉnh thoảng “đụng” tàu lạ. Tôi hỏi, gặp tàu lạ tấn công có khiến ông nản lòng hay không, thì ông chắc nịch: “Nhứt định không bao giờ chùn bước, mà tôi càng quyết tâm hơn. Ngư trường của mình thì mình cứ đánh bắt. Họ thu dụng cụ này thì mình sắm lại cái khác rồi tiếp tục ra khơi”. Tôi hiểu. Ở tuổi đó, với cơ ngơi hiện có, ông đi biển đâu hẳn vì sinh kế, mà còn tình yêu biển thiết tha và thiêng liêng hơn thế: góp thêm một cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
2. Cả một đời ông, mọi việc đã làm đều gắn với biển, từ đóng tàu rồi chuyển giao cho bạn biển, đến việc cung cấp nước đá, xăng dầu cho bà con. Không chỉ có vậy, ông còn trăn trở và ước mơ xa hơn: mở nhà máy chế biến và làm kho đông lạnh. Ngặt một nỗi, chưa tìm được mặt bằng đủ lớn, cỡ mấy chục ngàn mét vuông để đầu tư. Hải sản ngư dân đánh bắt được cũng thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” như nông sản. Ấy là điều ông trăn trở. Một chiếc thuyền cập bến, có thể bán với giá 35 nghìn một ký cá; nhưng nếu thêm vài chiếc nữa cập bến, giá mỗi ký cá sẽ ngay lập tức rớt xuống, đúng hơn là bị ép xuống còn 30, có khi 25 nghìn đồng. Mà, cá thì phải bán tươi, càng để lâu càng xuống giá. Buồn, tiếc, có khi... bức xúc mà vẫn phải bán vì không còn cách nào khác. Ông Cảnh muốn xây kho đông lạnh không chỉ để trữ hàng bán buôn, mà trước hết là để cho bà con ngư dân trong vạn có nơi “gửi cá” nếu bị ép giá, chờ khi được giá thì đưa ra bán. “Ước mơ từ lâu, chưa làm được nhưng nhứt định phải làm để giúp mình và giúp bà con ngư dân” - ông nói.
Lên 4 tuổi, cậu bé Huỳnh Minh Cảnh mồ côi cha và sống với ông bà nội ở vùng sông nước Tam Giang. Khó khăn bộn bề, lại thiếu cái chữ. Cảnh nghĩ, mình quê biển, thôi đành kiếm sống nhờ biển. Từ những con tôm, con cá đầu tiên câu được từ sông, biển khi còn bé xíu, đến tuổi 20, Cảnh cùng 18 ngư dân khác chung nhau mua 2 chiếc tàu công suất nhỏ hành nghề lưới vây. Thấy hiệu quả, thu nhập không đến nỗi nào, ông ham lắm. Từ đó, ông liên tiếp cải hoán và đóng mới, tàu đóng sau luôn phải to hơn tàu đóng trước, nâng công suất lên để đủ sức vươn ra các ngư trường xa hơn và nhiều cá tôm hơn. Bằng cách làm này, năm 2005 ông Cảnh đã có tới 10 chiếc tàu, chiếc lớn nhất 420CV. Năm 2012 lên 13 chiếc, chiếc lớn nhất hơn 700CV. Trong số các lao động theo mình làm ăn, ông Cảnh chọn những người có kỹ năng tốt và nhất là có tấm lòng với biển, để đào tạo, chỉ bảo cách thức tổ chức đánh bắt, quản lý, vận hành một con tàu, để rồi khi có dịp, đưa họ đi thi chứng chỉ thuyền trưởng, tự tin điều khiển những chiếc tàu lớn vươn khơi... Rồi ông sang dần tàu cho anh em, bạn bè để họ trở thành chủ tàu, có thêm thu nhập. Giờ đây ông chỉ sở hữu 5 chiếc tàu, chiếc lớn nhất 715CV. Đó là cách chia sẻ với bạn biển của ông.
Như bao người đàn ông biển khác, vị thuyền trưởng đầy kinh nghiệm Huỳnh Minh Cảnh cũng ăn sóng nói gió và lòng đầy hào sảng. Sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng tương trợ, không suy tính thiệt hơn. “Chất” bao dung của biển đã ngấm vào ông tự thuở nào. Ông kể, đời ngư dân có lắm chuyện hay. Mà hay nhất là câu chuyện tình người của tổ đoàn kết trên biển. Trên bờ, ông bán chịu nhiên liệu cho những ngư dân thiếu vốn. Trên biển, tổ đoàn kết của ông hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, tai nạn, như bị hỏng máy, bị tàu lạ tấn công. Ông nhiều lần hỗ trợ bạn biển sửa tàu “từ xa” qua ICOM. Ông cũng cho biết, nhiều thuyền trưởng trẻ, tuy không nhiều kinh nghiệm bằng ông, nhưng lại có nhiều sáng tạo khác. Tổ đoàn kết hỗ trợ ngay cả khi “trúng mánh”: khi một chiếc gặp luồng cá lớn, ngay lập tức thông tin cho nhau để cùng hưởng lộc của biển.
Đối diện bất trắc, hiểm nguy từ thiên nhiên và những kẻ có dã tâm, nên những chuyến tàu cập bến an toàn và bội thu, niềm vui của những người con của biển như ông Huỳnh Minh Cảnh được nhân lên và tiếp thêm sức mạnh để ông và ngư dân tiếp tục vươn khơi.
CHÂU NỮ