Đó là cách mà lâu nay người dân mình hay nói về trách nhiệm của cha mẹ khi con cái làm điều sai trái. Còn trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thoạt nghe “con dại, cái mang” tưởng chừng vô lý, bởi ai làm sai, ai vi phạm, người đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm, ấy là về trách nhiệm cá nhân. Nhưng không, “con dại, cái mang” trong cơ quan nhà nước là còn để đề cao trách nhiệm, sự liên đới của người quản lý, người đứng đầu đối với những sai phạm do cán bộ dưới quyền gây ra, để người đứng đầu có trách nhiệm hơn trong quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá, kể cả đề bạt, bổ nhiệm cán bộ dưới quyền.
Trong văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước thường nhấn mạnh cụm từ “trách nhiệm của người đứng đầu”, “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” nếu để xảy ra vấn đề tiêu cực hoặc sai phạm, vi phạm trên địa bàn hoặc trong cơ quan, đơn vị. Nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu đã được luật hóa. Luật cũng quy định, nếu chính người đứng đầu có sai phạm cùng một mức độ với cấp dưới, phải xử lý người đứng đầu với hình thức nặng hơn. Từ năm 2012, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” cũng không ngoài mục đích ấy, và hơn thế còn để nhấn mạnh, làm sâu sắc và tiêu chuẩn hóa trách nhiệm của người đứng đầu.
Với việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu, trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội hay HĐND, các vị bộ trưởng, các giám đốc sở thường “nhận trách nhiệm”. Tất nhiên, “nhận trách nhiệm” là một chuyện, còn việc nhận trách nhiệm như thế nào, khắc phục ra sao lại là một chuyện khác. Vậy nhưng, thực tế vẫn có chuyện, khi xảy ra sai phạm, người đứng đầu có khi đổ lỗi trách nhiệm thuộc về cấp dưới, hoặc trách nhiệm “tham mưu” của cấp dưới, mà chuyện ban hành văn bản với những quy định “trên trời”, thiếu thực tế từng xảy ra là ví dụ.
Nếu người đứng đầu sâu sát công việc, quản lý tốt và biết nêu gương tốt, hẳn lĩnh vực được phân công sẽ hạn chế được sai phạm. Thực tế cũng cho thấy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nào quản lý tốt, nơi đó ít xảy ra sai phạm. Có những sai phạm lớn xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhưng người đứng đầu “không nắm được tình hình” do họ thiếu trách nhiệm. Có trường hợp, đơn vị chệch choạc, mất đoàn kết, cấp dưới mất lòng tin, khi thay đổi người đứng đầu, tình trạng ấy sẽ được cải thiện. Ngay cả trong việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để tai nạn giao thông trên địa bàn quản lý, nhiều người cho là… oan vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Nhưng suy cho cùng, nếu cấp quản lý nghiêm minh trong nhiều khâu, thì sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông và rộng ra là trong tất cả các vấn đề khác. Do vậy, quy định và đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn quyền lợi, quyền hạn với trách nhiệm, cũng là để xây dựng và củng cố niềm tin cho người dân.