Mới đó mà đã gần một tháng ngày mẹ xa cõi đời này. Tôi vẫn không thể nào quen là mình không còn mẹ. Nhìn đâu cũng thấy mẹ yêu thương, nụ cười móm mém và tấm lưng còng thân thuộc.
Mẹ tôi sinh ra gánh chịu nhiều đau khổ dù tên mẹ là Cù Thị Vui. Làng Hà Quảng, Điện Dương, Điện Bàn, quê ngoại tôi nghèo lắm, chỉ có khoai sắn. Tuổi thơ của mẹ là chăm đàn em trứng gà, trứng vịt đến 10 người, nhưng rồi bị mất dần vì bệnh tật, chỉ còn 4 cậu em trai. Mẹ bế em nhiều đến nỗi hai bên hông chai cứng, đôi xương chậu nhô ra nhọn hoắt. Ba tôi bảo thế.
Ngày ba tôi qua xem mắt cùng bà mối, mẹ tôi lúc ấy đã 18 tuổi nhưng gầy nhom chỉ biết có em mình chứ chưa biết tình yêu đôi lứa. Bốn người em của mẹ ai cũng to khỏe, đẹp trai, rất nhiều cô gái mê. Thế nhưng chỉ có một cậu kịp lấy vợ sinh con. Các cậu lần lượt thoát ly theo cách mạng. Người bộ đội, người du kích, là xã đội trưởng. Nhưng rồi cả 4 cậu đều nằm lại ở quê hương mà không ai được nhìn người thân lần cuối. Ngoại và mẹ biết các cậu hy sinh mà không về được bởi đường đi đã bị địch phong tỏa, kiểm soát gắt gao, nhà bị theo dõi.
Ngày giải phóng, cùng với ông bà ngoại, mẹ thu dọn đồ đạc về quê ngay, dựng tạm căn nhà trên nền cát trắng rồi tức tốc đi tìm hài cốt các cậu. Giữa những sum họp đoàn viên của mọi nhà, mẹ thường đứng lặng trước ảnh các cậu, đôi lúc khẽ sờ vào tóc, mắt, mũi từng người trong ảnh, chừng như các cậu còn sống và rất thơ dại như ngày nào.
Sinh được anh Hai tôi năm 1954, thì ba tôi đi tập kết. Mẹ bị o ép đủ điều. Rồi ba tôi từ Bắc về lại quê xây dựng cơ sở cách mạng. Mẹ gặp ba tại một căn hầm bí mật của bà con. Bọn địch phục bắt ba tôi không được, nhưng sự ra đời của tôi là một cái cớ để chúng đốt nhà, bắt mẹ tôi vào tù, bế theo tôi lúc đó mới được hơn một tháng tuổi. Chúng đánh mẹ tàn khốc, cho uống xà phòng, gí điện vào 10 ngón tay, quất tới tấp roi cá đuối vào người. Hậu quả những trận đòn là sau đó mẹ tôi mắt mờ, lưng còng sát đất, các khớp xương đau nhức khi trái gió trở trời.
Khi mẹ còn khỏe, mỗi lần về thăm, nhìn tấm lưng còng của mẹ lụi cụi ra vườn hái trái ổi chín hay tìm quả trứng gà so cho con, cháu, tôi lại lặng đi. Ở thành phố đâu thiếu gì, vậy mà bà luôn có chút quà quê. Năm ngoái đây thôi khi ba tôi mất ở tuổi 95, mẹ bỗng yếu dần. Mắt mẹ mờ hẳn dù đầu óc vẫn còn minh mẫn. Đôi lúc tôi tự hỏi, mẹ chân lấm tay bùn từ bé, học bình dân học vụ mà biết chữ sao thông minh vô cùng. Trong đầu mẹ cả một kho tri thức về vốn sống, đối nhân xử thế cùng một tấm lòng phúc hậu, nhân từ.
Mẹ bệnh. Từ trẻ đến già thăm rất đông, có khi chỉ vào để nhìn vì mẹ mệt không nói chuyện được. Mới thấy tình làng nghĩa xóm dành cho mẹ thân thương biết chừng nào. Học từ mẹ, tôi biết sống vì người khác. Mỗi lần viết được bài báo kêu gọi các nhà hảo tâm giúp các mảnh đời bất hạnh, tôi luôn kể cho mẹ nghe. Mẹ thường nói: “Con làm rứa là tốt, mẹ hoan nghênh!”. Chỉ cần vậy thôi, tôi lại có động lực biết bao nhiêu. Có lần thấy tôi trên ti vi nhận giải thưởng viết về thương binh liệt sĩ, mẹ khóc, bảo rằng, may mà hồi đó tôi còn sống sót ở trong tù, mới có hôm nay.
Bây giờ làm được điều gì tốt đẹp, tôi chỉ còn biết ra mộ mẹ, thủ thỉ kể như ngày nào, ngỡ dưới kia mẹ đang mỉm cười cùng con gái.
Dẫu biết sinh tử là quy luật, mẹ cũng đã thọ đến tuổi 87, nhưng sao tôi cứ muốn mẹ mãi bên mình. Đi đâu quay về, tôi mong đến đầu ngõ sẽ thấy thấp thoáng bóng mẹ sau hàng xà cừ xanh thẳm để biết mình còn có mẹ trên đời.
Vậy mà, còn đâu nữa một tấm lưng còng. Nỗi nhớ này sao có thể nguôi ngoai được mẹ ơi!