Con đường “Cái” xuôi về làng Hương Trà thuộc phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) đã in dấu thời gian, gìn giữ ký ức của nhiều người.
Đường về Hương Trà rợp bóng sưa.Ảnh: N.Đ.NGỌC |
Nếu ai đã một lần xuôi về phía hạ lưu sông Tam Kỳ thì đã đi trên con đường bê tông phẳng phiu ven dòng sông thơ mộng, hàng sưa rợp bóng hoa vàng và rộn ràng tiếng chim hót. Con đường này đã hình thành cách đây hơn một thế kỷ, ngày xưa có tên là đường “Cái” được nối từ cung đường thiên lý Bắc - Nam (đoạn từ cầu Tam Kỳ cũ, thuộc đường Phan Châu Trinh ngày nay) đến bến đò Ba Bến, dài khoảng 4 cây số chạy dọc qua khối phố Hương Trung, Hương Trà Tây và Hương Trà Đông. Theo cụ Phan Truyền (năm nay đã gần 100 tuổi, hiện ở tại khối phố Hương Sơn), trong những năm ông còn rất nhỏ đã nghe cha ông kể lại rằng, trong những năm cuối thế kỷ XIX người làng Hòa Hương và các địa phương lân cận đã tham gia đắp đường. Dù rất gian khổ nhưng ai cũng hăng say làm việc, chỉ trong 3 tháng con đường này đã được hình thành, giúp mọi người đi lại được thuận tiện hơn. Ông Trần Văn Truyền (gần 90 tuổi, ở khối phố Hương Trà Tây) cho biết: “Con đường “Cái” trước đây chỉ là một lối mòn, bụi rậm um tùm và bị dòng sông Tam Kỳ cắt làm đôi, mỗi khi xuôi về bến đò Ba Bến người ta phải bơi qua sông vào những mùa nước lớn còn mùa nắng thường là lội nhưng không phải dễ. Vào thời điểm ấy ở làng Hương Trà có ông Bá Nhuận làm Chánh tổng Chiên Đàn, mỗi khi về nhà phải lội qua sông, cho dù ngồi trên lưng ngựa nhưng cũng bị ướt áo quần nên vào những năm cuối thế kỷ XIX, ông đã bỏ ra một ít tiền của và lúa gạo để hỗ trợ nhân dân trong làng tham gia xây dựng con đường này”.
Sông Tam Kỳ chảy qua làng Hương Trà. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Dòng sông Tam Kỳ ngày xưa cắt ngang con đường để chảy về Hương Trà bao gồm Trà Đông, Trà Tây và Trà Trung tạo thành 4 nhánh, trong đó có 1 nhánh chảy về Rộc Đình, 1 nhánh chảy về Rộc Đìa, 1 nhánh chảy về Xóm Dừa và 1 nhánh chảy về Rộc Khao (tức Gò Găng). Khi con đường được đắp xong thì vùng hạ lưu sông Tam Kỳ cạn dần và tạo thành cánh đồng Hương Sơn phì nhiêu. Riêng nhánh còn lại tiếp tục chảy về phía làng Phú Hưng (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành ngày nay), làm cho một phần đất của xã Tam Xuân thuộc về làng Hương Trà. Phần đất đó ngày nay là làng Phú Lộc nằm ở ven sông Bàn Thạch. Dòng sông này đã chia cắt Phú Bình và Hương Trà thành 2 vùng rõ rệt, chỉ còn sót lại một mô đất người ta thường gọi là cồn Ông Sót tức là cồn Chùa ngày nay. Con đường này hàng năm người trong làng phải dùng cọc tre đóng kè chống xói lở. Đến khi thành lập huyện Tam Kỳ, chính quyền địa phương mới có điều kiện huy động lực lượng để tu bổ, đồng thời huy động nhân dân tìm cây cừa trồng ven sông để chống sạt lở và trồng sưa để giữ móng chân đường. Cây sưa giờ đây đã rợp bóng bảo vệ cho con đường đắp cao khoảng 3m so với mặt nước sông Tam Kỳ (vào mùa nắng). Cây sưa không chỉ trở thành nét đặc trưng của làng quê Hương Trà mà còn là lá chắn vững chãi cho con đường trước lở bồi dâu bể.
Nhiều người kể lại, trước đây con đường “Cái” thường chịu cảnh nắng bụi, mưa bùn, điều kiện đi lại khó khăn. Trong làng nếu có người qua đời, chật vật lắm mới đưa thi hài đi an táng được ở nơi quy định. Do vậy, lúc bấy giờ người dân thường chôn cất người quá cố ngay trong vườn nhà hoặc những gò đất cao ở trong làng để tiện việc hương khói. Mặc dù hàng năm phải huy động hàng trăm ngày công để tu bổ nhưng qua mỗi mùa mưa bão thì con đường lại bị sạt lở, lầy lội, đi lại càng khó khăn hơn. Trước tình hình đó, năm 2004 con đường này đã được đầu tư xây dựng bê tông kiên cố theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng, nhân dân đóng góp gần 400 triệu đồng. Điều kiện đi lại được thuận lợi, nhà cửa của nhân dân được sửa chữa hoặc xây dựng mới khang trang, quê hương ngày càng khởi sắc. Hơn nữa Hương Trà từ một thôn nông nghiệp thuần túy trở thành khối phố và được chia thành 2 đơn vị hành chính là Hương Trà Đông và Hương Trà Tây. Các thế hệ dân làng Hương Trà có quyền tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình để quê hương thay da đổi thịt, và con đường cũng trở thành “chứng nhân” trong hành trình phát triển!
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC