"Con đường muối"

THÀNH CÔNG 29/01/2014 13:48

(Xuân Giáp Ngọ) - Những đôi chân trần Cơ Tu lưu dấu trên “con đường muối” một thời quá vãng; những cuộc mua bán không cần tiền nay vẫn còn lưu truyền trong câu chuyện của người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang.
Từ xã Cà Dăng (Đông Giang), bến giao thương bằng đường thủy cuối cùng về phía tây giáp ranh với xã Đại Hưng (Đại Lộc), muối được đổi rồi theo chân người bản địa len lỏi khắp các bản làng. Những chuyến “đi chợ” kéo dài cả tuần liền của người Cơ Tu để lại dấu vết con đường mòn trải dọc hàng trăm cây số giữa rừng.

Bến Cà Dăng, nơi khởi nguồn của con đường muối.
Bến Cà Dăng, nơi khởi nguồn của con đường muối.

Già làng Y Kông, một “bảo tàng sống” về văn hóa của người Cơ Tu Đông Giang, Tây Giang kể lại: “Đến bến Cà Dăng, người Cơ Tu băng rừng qua các vùng đất Gợp, A Sờ (Đông Giang), lên xã Dang, xã Lăng, về tới tận khu 7 (Tây Giang). Gùi cả gạo, cả nồi để ăn uống, ngủ lại dọc đường, và chỉ có cách đi bộ. Món hàng phổ biến nhất họ mang về là muối. Chết sống chỉ có muối”. Muối trở thành thước đo sự giàu có, hơn cả vàng. Một con heo ba tay chỉ đổi ngang một lon muối, có khi ít hơn. Từ con đường muối, đồ đồng, đồ gốm và chiêng ché cũng bắt đầu theo những chiếc gùi tỏa khắp bản làng. Do đắt đỏ và khan hiếm, nên bệnh bướu cổ vì thiếu muối trở thành căn bệnh phổ biến ở vùng cao. Theo lời nhiều già làng ở vùng cao Đông Giang, Tây Giang, đến những năm 70 - 80 thế kỷ trước, người Cơ Tu vẫn phải gùi đổi từng chút muối mang về.

Dấu tích của “con đường muối” dọc Đông Giang, Tây Giang là những đoạn đường mòn còn được người dân địa phương sử dụng. Đoạn đường từ xã Lăng lên Tr’Hy (Tây Giang), với điểm dừng chân dọc đường cạnh suối Tà Coong vẫn còn nguyên trạng, theo lời ông Palăng Bưng, Phó phòng VH-TT huyện Tây Giang. “Rất khó xác định điểm dừng cuối cùng của con đường muối. Bởi muối, chiêng ché, đồ đồng còn theo con đường muối đến tận các bản Lào thông qua hoạt động trao đổi của người dân địa phương” - ông Bưng cho biết thêm.

Một góc thôn Voòng, xã Tr’Hy, điểm dừng chân của con đường muối ngày xưa.  Ảnh:  P.Giang
Một góc thôn Voòng, xã Tr’Hy, điểm dừng chân của con đường muối ngày xưa. Ảnh: P.Giang

Con đường muối chính là biểu trưng sinh động nhất cho việc trao đổi hàng hóa theo phương thức vật đổi vật mà không sử dụng tiền. “Nhiều người già không biết tiền đâu, không quen dùng tiền nên họ đổi thứ này lấy thứ kia. Hàng hóa, đồ vật tự làm hết, có sẵn thì họ đổi. Có khi thì đi đông người, như đi đổi muối, đổi tút (thổ cẩm). Còn không thì nhà này đổi nhà kia, chứ không tập trung như chợ dưới xuôi đâu” - già làng C’lâu Nâm (thôn Pơrning, xã Lăng, Tây Giang) lý giải. Có một câu chuyện khá thú vị ở thị trấn Tơ Viêng (Tây Giang), rằng hai người Cơ Tu từ bản Tà Vàng đi bộ xuống thị trấn, vào nhà một anh cán bộ huyện nằng nặc đòi đổi một con trâu đang gửi tận bản Ch’nóc (xã Ch’ơm) để lấy cho bằng được... chiếc xe máy mang về.

Thói quen đổi hàng lấy hàng vốn là đặc trưng của “chợ” ở vùng cao, còn in đậm trong tập quán của một số bản làng vùng giáp biên như Atu, Ch’nóc... Đồng tiền, vì thế không chi phối quá nhiều đến đời sống của người bản địa. Giờ đây, qua cửa khẩu phụ Tây Giang, Kà Lừm, những gùi thổ cẩm, gùi muối, mật ong vẫn theo chân bà con vùng giáp biên “đi chợ”, đổi lấy những món đồ mang về nhà, về bản.

Một đại ngàn ban sơ còn hiện hữu trong đời sống, tập tục vùng cao, ghi dấu “con đường muối” mang theo bản sắc văn hóa của đồng bào.

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Con đường muối"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO