Cung đường sinh thái cần được thiết lập, gắn kết phố - làng, tạo điểm nhấn cho hệ sinh thái di sản Hội An.
Con đường “chưa thành hình”
Đô thị cổ Hội An nhỏ nhắn đến mức qua vụ việc tăng cường quản lý vé tham quan một số người thậm chí lầm tưởng nó chỉ gói gọi trong phạm vi khu phố cổ Hội An. Nhìn bao quát toàn thành phố, sự giao thoa của tự nhiên, văn hóa còn ưu ái dành lại cho Hội An nhiều không gian đáng mơ ước với mọi đô thị.
“Phác thảo” về sự phát triển của Hội An vài chục năm tới đã dần phác lộ về cung đường nối những miền di sản này với nhau. Điểm đầu của cung đường là Cẩm Kim và điểm cuối ở Trà Quế (Cẩm Hà), cả hai đều đã được ấn định với chỉ dấu về miền quê hạnh phúc.
Với hành trình ngang qua làng gốm Thanh Hà - phố cổ Hội An - rừng dừa ngập mặn - đầm phá ven sông Đế Võng, dù cho những phút rong ruổi có xen lẫn hơi thở phố thị thì “cung đường sinh thái” này từ lúc bắt đầu lẫn kết thúc đều sẽ ở làng.
Phải chăng nó cũng phảng phất tiến trình chuyển động đô thị hóa của Hội An, bắt đầu từ làng và rồi sẽ phải nương vào làng nếu muốn tồn tại bền vững như một sự mặc định.
Đã có những kỳ vọng về việc hình thành một cung đường di sản sinh thái liên vùng để kết nối cùng các huyện, thị lân cận nhưng có lẽ trước hết việc thiết lập một cung đường sinh thái nội vùng của phố sẽ khả dĩ hơn.
Theo đại diện Viện Kiến trúc quốc gia - đơn vị nằm trong liên danh tư vấn đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 - để bổ sung giá trị du lịch đặc thù cho Hội An rất cần hình thành con đường sinh thái đề cập ở trên, bởi nó đi qua hầu hết vùng cảnh quan đặc trưng nhất của đô thị di sản này.
Cung đường sinh thái này rất quan trọng, khi hình thành không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa là cung đường du lịch đặc sắc mà còn có thể giải quyết nhiều vấn đề. Cung đường trên hiện có một số điểm bị “đứt gãy” do sự hình thành của các công trình kiến trúc, sự đô thị hóa kể cả cảnh quan tự nhiên chia cắt nên chính quyền cần phải kiến tạo để nó trở nên thông suốt.
Dẫn lối thành phố sinh thái
Trong suốt thời gian dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch (đã được Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 ban hành), đã có nhiều ý kiến về vị trí giữa 2 thành tố “sinh thái” và “văn hóa”.
Để thấy rằng ngoài thương hiệu đô thị văn hóa - du lịch đã quá quen thuộc trong mường tượng của nhiều người về Hội An thì sinh thái là “trụ đỡ” sống còn để giữ được thương hiệu đó.
Ở mục tiêu cụ thể để hướng tới thành phố sinh thái trong nội dung nghị quyết, Hội An xác định bảo tồn, làm nổi bật và kết nối “hệ sinh thái di sản” đa dạng và lan tỏa, bảo tồn kiến trúc “phố - làng”, phát triển bản sắc đô thị và hình thái kiến trúc theo kiểu mẫu “vườn trong phố - phố trong vườn” để bảo tồn “linh hồn” của từng tiểu khu nông thôn, thành thị, hải đảo.
Ngoài ra, tập trung bảo tồn cả giá trị thiên nhiên sẵn có (rừng, mặt nước, ruộng đồng…) lẫn cải thiện giá trị nhân tạo (tỷ lệ cây xanh, không gian kiến trúc đô thị, giao thông…).
Rất nhiều việc phải làm chứ không chỉ hình thành một “cung đường sinh thái”, nhưng một con đường sinh thái hình thành sẽ làm cho lối đi của phố mềm mại hơn, đường đến thành phố sinh thái cũng gần hơn một quãng.
Cung đường sinh thái sẽ cổ xúy cho nhiều điều thân thiện, trước mắt sẽ là giao thông sinh thái và lâu dài hơn có thể hình thành một lối sống sinh thái. Mệnh đề quan trọng xuyên suốt của Hội An là “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”.
Trong tiến trình đô thị hóa, ở mọi đô thị rồi sẽ hình thành thêm nhiều cung đường phẳng phiu, chộn rộn thanh âm phố xá và Hội An không là ngoại lệ. Nhưng cạnh đó, di sản này cũng rất cần một cung đường hay thậm chí là mạng lưới cung đường sinh thái để một mai rong chơi qua phố Hội ta vẫn thấy bóng thời gian chùng chình ngay trong lòng đô thị cổ này.