Con đường việc làm hiệu quả từ xuất khẩu lao động: Sự lựa chọn đúng từ đầu

DIỄM LỆ 14/05/2023 08:15

Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam đẩy mạnh công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mục tiêu mỗi năm phải đạt 1.500 người xuất cảnh. Sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, năm 2023 tỉnh chỉ đặt mục tiêu 1.200 người đi làm việc ở nước ngoài. Xác định giải quyết việc làm bằng con đường xuất khẩu lao động rất hiệu quả, các địa phương đều đang tập trung hỗ trợ người lao động được đi làm việc ở nước ngoài.

Nhóm lao động đợt đầu tiên của huyện Nam Trà My vừa trở về từ Hamyang và sẽ có nhiều người tiếp tục làm việc ở Hamyang trong thời gian tới. Ảnh: D.L
Nhóm lao động đợt đầu tiên của huyện Nam Trà My vừa trở về từ Hamyang và sẽ có nhiều người tiếp tục làm việc ở Hamyang trong thời gian tới. Ảnh: D.L

Lao động thời vụ chất lượng

Sau khi hoàn thành đợt đầu tiên sang quận HamYang (tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc) làm việc, chị Hồ Thị Hằng và Hồ Thị Bông (cùng ở tại xã Trà Don, Nam Trà My) sẽ tiếp tục sang Hamyang làm việc ở nông trại trong ngày 20/5 tới đây.

Hồ Thị Hằng (sinh năm 1989) đã có gia đình, các con đang học mẫu giáo và lớp 2. Công việc của vợ chồng chị là làm rẫy, chăm vườn quế, thu nhập tạm ổn, thoát nghèo từ năm 2018.

Chị Hằng kể: “Khi địa phương giới thiệu việc làm, nói đến đi làm việc ở Hamyang, tôi rất thích vì đó là việc nông nghiệp, gần giống như việc mình đang làm ở quê nên mới tự tin đăng ký hồ sơ. Chồng cũng ủng hộ, ở nhà chăm con đi học, còn tôi thì đi làm, chỉ 5 tháng rồi về nên cũng không lo lắng lắm.

Chuyến đầu tiên xuất khẩu lao động (XKLĐ), tôi cũng tích cóp, tiết kiệm được số vốn kha khá. Ngay khi còn ở Hamyang, tôi và chị Bông làm cùng chỗ nên chị em bàn tính sẽ đi lại nếu có cơ hội. Chủ trang trại quý chúng tôi chịu khó, làm việc chăm chỉ, nên đã nhận lại và cả hai chúng tôi sẽ xuất cảnh trong tháng 5 này, đến tết mới về. Đi đợt này lúc con cái vào kỳ nghỉ hè, nên cũng không lo lắng nhiều”.

Còn chị Phạm Triệu Mẫn (xã Trà Mai, Nam Trà My) vừa quay về Việt Nam sau đợt làm việc 5 tháng ở Hamyang, chỉ nghỉ ngơi ít ngày đã làm thủ tục để xuất cảnh trở lại. Bởi chị được chủ trang trại ở Hamyang bảo lãnh đi làm việc lại ngay. Hiệu quả trong công việc cùng với nguồn thu nhập ổn định, sự hỗ trợ tích cực theo cam kết giữa hai địa phương Nam Trà My và quận Hamyang đã giúp người LĐ yên tâm làm việc.

Từ nay đến năm 2023, huyện Nam Trà My sẽ tiếp tục đưa LĐ sang quận Hamyang làm việc theo nhu cầu từ phía Hamyang. Đặc biệt, sự cần mẫn, chịu khó, tuân thủ quy định luật pháp của nước sở tại trong quá trình làm việc ở Hàn Quốc đã giúp cho LĐ Nam Trà My nói riêng và LĐ Quảng Nam nói chung “ghi điểm” chất lượng trong sự lựa chọn LĐ nước ngoài sang làm việc ở Hàn Quốc. 

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, ký kết hợp tác giữa huyện Nam Trà My và quận HamYang vào tháng 8/2022 đã được hiện thực hóa bằng những đợt đưa LĐ sang Hamyang làm việc.

Đợt đầu tiên đã cho thấy hiệu quả tích cực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của chính sách đưa người LĐ sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đặc biệt, với người miền núi thì đi LĐ thời vụ ở nước ngoài tỏ ra phù hợp, vì họ không đi lâu, đi có sự bảo lãnh của chính quyền.

“Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ tích cực nhất cho người LĐ, bởi LĐ miền núi còn nhiều bỡ ngỡ. Chính quyền đã hỗ trợ thủ tục pháp lý, cử cán bộ đi cùng LĐ làm tất cả thủ tục, hỗ trợ cho vay vốn, thậm chí cho mượn chi phí để làm các thủ tục cần thiết khi người LĐ chưa có chi phí ban đầu. Điều này đã giúp người LĐ yên tâm đi làm việc. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình XKLĐ diện thời vụ này vì bước đầu đã phù hợp và hiệu quả” - ông Phước nói.

Tích cực vào cuộc

Theo Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu đưa 5.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trừ 2 năm dịch bệnh nặng nề là 2020 và 2021, vào năm 2022, tỉnh đã đưa 1.034 người/chỉ tiêu 1.000 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Năm 2023, mục tiêu này tiếp tục tăng lên 1.200 người, và đang được thực hiện bằng nhiều giải pháp. Quảng Nam không nằm trong danh sách các tỉnh thành bị tạm ngưng đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vì nhiều LĐ bỏ trốn), nên mục tiêu này đang được kỳ vọng sẽ thực hiện tốt.

Các thị trường được LĐ Quảng Nam lựa chọn gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Lào. Các huyện XKLĐ nhiều là Thăng Bình, Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh. Sở LĐ-TB&XH và các hội, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn công tác XKLĐ đến tận cơ sở cho thanh niên, phụ nữ, nông dân, học sinh, sinh viên...

 UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền về công tác XKLĐ, xác định đây là giải pháp giúp tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, hấp dẫn, thiết thực.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục đều phải tập trung thực hiện đào tạo và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho người LĐ để tạo nguồn LĐ có chất lượng tham gia làm việc ở nước ngoài.

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đã tích cực tuyên truyền cho LĐ đi làm việc ở nước ngoài nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nước sở tại, tuân thủ hợp đồng để không tạo hình ảnh xấu về LĐ Quảng Nam. Điều này sẽ giúp cho bản thân người LĐ làm việc đạt chất lượng, hiệu quả, và tạo tiền đề tốt cho những LĐ Quảng Nam sẽ tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương đều đã tổ chức những sàn giao dịch việc làm và tư vấn chính sách LĐ. Theo ông Dương Đức Lin - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã giúp công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ của huyện đạt được nhiều kết quả khả quan.

Bình quân mỗi năm huyện giải quyết việc làm mới cho 2.000 LĐ. Riêng năm 2022 huyện đưa 70 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình. Nhiều LĐ ở Tiên Phước nhờ đi XKLĐ mà gia đình thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Nhiều người tích lũy được vốn, sau khi trở về, đầu tư kinh doanh, làm ăn ngay trên mảnh đất quê hương.

Chị Đỗ Thị Mỹ Tiên (thôn Phú Xuân, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước), năm 2019, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chưa tìm được việc làm phù hợp nên chị đã đến các buổi tư vấn giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và UBND huyện Tiên Phước tổ chức. Khi nghe tư vấn, giới thiệu chương trình XKLĐ tại thị trường Nhật Bản, chị đã mạnh dạn đăng ký và đạt tiêu chí.

Sau 3 năm làm việc ở nước bạn, chị đã tích lũy được số tiền hơn 600 triệu đồng, phụ giúp gia đình sửa chữa nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và gửi tiết kiệm để chuẩn bị cho định hướng đầu tư phát triển trong tương lai. Năm 2023 này, sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, thị trường Nhật Bản mở cửa trở lại, chị Tiên đã tiếp tục đăng ký đi làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Con đường việc làm hiệu quả từ xuất khẩu lao động: Sự lựa chọn đúng từ đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO