Sau khi miền Nam giải phóng, bắt tay vào khôi phục và xây dựng kinh tế, nhìn lại đội ngũ cán bộ tham gia điều hành mới, có người đánh giá rằng chủ trương đưa con em miền Nam ra Bắc học tập từ cuối năm 1954 là một chủ trương cực kỳ sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Bởi sau gần 10 năm mới thấy rõ các cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành, cán bộ lãnh đạo các cấp sở, đơn vị sản xuất lớn và cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố, bộ, ngành… có một phần là con em miền Nam đã học tập bồi dưỡng ở miền Bắc hoặc được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa trở về.
Tác giả (hàng đứng, ngoài cùng bên phải) trong một cuộc gặp mặt học sinh miền Nam tại Hà Nội năm 2012. |
Vào thời điểm có chủ trương đưa con em cán bộ đi học ở miền Bắc, phần lớn lãnh thổ Quảng Nam đã bàn giao cho chính quyền miền Nam quản lý, nên không thể công khai huy động như các tỉnh khác gần với địa điểm tập kết Quy Nhơn. Tuy vậy đại diện cho một số con em cán bộ từ cấp huyện ủy viên trở lên cũng tập hợp được hơn 40 người vào huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để làm thủ tục chờ ngày ra Bắc. Bài viết này xin được giới hạn ở lớp con em đầu tiên, vì mãi đến năm 1974 vẫn còn liên tục gửi con em miền Nam ra Bắc học tập, trong số đó nhiều người đã trưởng thành và đến nay vẫn còn đương nhiệm công tác.
Sau năm 2000, có một cuộc gặp mặt lớp học sinh miền Nam đầu tiên ấy tại Đà Nẵng mà phần lớn đã nghỉ hưu. Đặc biệt, nhân dịp này còn tổ chức cho một số anh em đi thăm mộ chí các bạn học đã hy sinh khi trở lại miền Nam chiến đấu, công tác. Trước hết, xin nhắc nhớ liệt sĩ Nguyễn Thành Minh, người Duy Xuyên. Anh là con của nhà cách mạng Nguyễn Thành Hãn. Sau khi ra Bắc, anh được cử đi Nga học tập chuyên ngành ngân hàng, về nước công tác một thời gian thì xung phong về quê hương phục vụ và đã hy sinh. Anh được quy tập cùng với cha anh về an táng tại nghĩa trang xã Duy Sơn, Duy Xuyên. Tiếp đến là chị Lê Thị Mai, ra Bắc học xong Đại học Sư phạm, chị về miền Nam nhận công tác ở Tỉnh đoàn Thanh niên cách mạng Quảng Nam. Là cán bộ có năng lực, chị được bầu vào Thường vụ Tỉnh Đoàn. Chị đã hy sinh và được quy tập an táng tại nghĩa trang Trường Xuân, Tam Kỳ. Hay như kỹ sư cơ khí Nguyễn Tân, tham gia chiến đấu ở bộ đội Trường Sơn, sau khi hy sinh được gia đình đưa hài cốt về an táng ở nghĩa trang xã Điện Trung, Điện Bàn. Có thể còn một số trường hợp anh chị em chiến đấu ở cả hai miền đã hy sinh nhưng chưa có thống kê chính xác. Còn có rất nhiều anh chị tham gia lực lượng vũ trang, có người lập thành tích cao, mang quân hàm đến cấp đại tá như anh Chương; nhiều người tham gia vào các binh chủng khác như anh Truyền ở Không quân (đã hy sinh), anh Nam ở Hải quân, anh Mới ở Thông tin, anh Tặng, anh Mật ở Hậu cần… Lúc cuộc chiến đấu chống Mỹ lên cao trào vào thời kỳ những năm 1970, nhiều người được điều động đi phục vụ chiến đấu trực tiếp như anh Thanh - tiến sĩ mò hầm lò vào Trường Sơn xây dựng công sự; anh Hào - kỹ sư cơ điện phục vụ bộ đội xăng dầu… Lớp con em cán bộ đất Quảng được giáo dục đào tạo bài bản nên luôn phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ nào Tổ quốc giao. Có thể nói là việc học tập, rèn luyện của lớp con em lúc đó cũng khá suôn sẻ. Đa số đã tốt nghiệp đại học là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ…, một số được tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức ở nước ngoài đã trở thành phó tiến sĩ, tiến sĩ, giáo sư. Có người đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh như tiến sĩ Nguyễn Thị Lê; nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đến nay, đa số lớp học sinh năm xưa đã nghỉ hưu, một số đã đi xa, số còn lại có sức khỏe vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia hoạt động trong các tổ chức xã hội, chính trị và đoàn thể ở địa phương cư trú...
Thời gian lớp học sinh đầu tiên đó sống chung với nhau không nhiều, gần một năm từ Bình Sơn ra đến Diễn Châu (Nghệ An) thì phân tán theo giới tính, trình độ văn hóa đi học ở các trường khác nhau. Nhưng nhờ tình cảm trong sáng, mộc mạc hồn nhiên của một thời non trẻ nên mối liên hệ đến nay vẫn được tiếp diễn. Ở 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, nếu có dịp, số đang cư trú có mặt hoặc khách từ quê hương đến đều tổ chức gặp mặt, ôn lại kỷ niệm xưa, nhắc đến những anh chị đã hy sinh và đã đi xa. Trong các buổi gặp mặt mọi người luôn nhắc nhau ghi sâu công ơn đào tạo, giáo dục của Đảng và Bác Hồ, luôn giữ niềm tin của cha anh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
QUÁCH HÀO