Không hiểu vì sao mà quan niệm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” lại tồn tại dai dẳng, di chứng cho đến ngày nay. Trọng nam khinh nữ đến thế là cùng, vì chỉ có một con trai thôi thì được coi “là có”, được ghi vào gia phả, còn 10 con gái cũng coi “là không”.
Chuyện trọng nam khinh nữ, học giả Phan Kế Bính (1875-1921) đã từng phê phán: “Tục ta trọng nam khinh nữ thì là một tục trái hẳn với cách văn minh... Tục ta thì phần nhiều áp chế đàn bà quá. Có người coi vợ như kẻ ăn người ở, nào là bắt sửa túi nâng khăn, nào là bắt cơm dâng nước tiến, nào là bẻ hành bẻ tỏi, nào là bắt nhặt bắt khoan. Chồng ăn chơi như phá không sao, vợ xểnh ra một chút đã sinh ra ỏm tỏi; chồng chim chuột như quỷ thì chẳng hề gì, vợ động đi đâu một lúc thì sinh ra ngờ vực, ấy là trái với đạo công bằng”. Vậy mà giờ đây, chuyện ấy còn diễn ra ở nhiều vùng miền, nhất ở nông thôn. Và sự tồn tại quan niệm nói trên không chỉ dẫn đến hệ lụy của mất cân bằng giới tính và những nan đề trong công cuộc đấu tranh cho quyền của phụ nữ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tội ác. Thực vậy, với công cụ y tế hiện đại, người ta dễ dàng biết giới tính của thai nhi và loại bỏ nó. Dù có nghe kinh Vu Lan giảng đạo lý mang nặng đẻ đau của một đời người mẹ, vậy mà có người vẫn chấp cả việc vào cửa “ngạ quỷ” để bỏ bào thai không như ý muốn. Thêm nữa, tình trạng bạo hành phụ nữ đây đó vẫn không được ngăn chặn. Nạn buôn bán phụ nữ do những “ông chủ” điều hành xuyên quốc gia, núp bóng trong việc tuyển dụng ô sin, tuyển vợ cho người nước ngoài...
Vì những thực trạng nhức nhối như thế, việc đấu tranh để thực hiện Luật Bình đẳng giới sẽ còn lâu dài, không chỉ trong những thời điểm hướng về ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3).
Một động thái đáng quan tâm khi mới đây, Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã đệ trình Chính phủ xem xét đề án hỗ trợ cho các gia đình sinh con một bề là gái. Theo đó, con gái thứ hai của các gia đình này được đề xuất hỗ trợ miễn giảm học phí, ưu tiên khi học nghề, xin việc. Số tiền mặt hỗ trợ ban đầu cho các gia đình sinh con một bề là gái ước tính cần đến 3 nghìn tỷ đồng. Chưa bàn về tính khả thi của đề án, nhưng động thái trên có thể xem là bước tiến về nhận thức nhằm chống lại tác hại của quan niệm trọng nam khinh nữ. Vì bởi theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, nếu không có những chính sách “giảm nhiệt” cho tình trạng mất cân bằng giới tính thì trong vòng vài chục năm nữa, nước ta sẽ có hơn 2 triệu con trai “dư thừa”. Lúc đó, không riêng Việt Nam mà 14 quốc gia sẽ “dư thừa” 117 triệu đàn ông, trong đó các quốc gia châu Á “dẫn đầu”.
Thực ra, trong truyền thống của dân tộc Việt rất coi trọng vai trò của tục thờ Mẫu, tôn vinh người mẹ. Song qua những biến thiên lịch sử, đặc biệt ảnh hưởng một phần tiêu cực của Tống Nho đã nảy nòi chuyện trọng nam khinh nữ. Chúng ta không hề mong rằng đến một lúc đảo ngược “trọng nữ khinh nam” nhưng sự cân đối trong giới tính lẫn việc đấu tranh cho bình đẳng giới hiện đang cần quan tâm hơn sự thiệt thòi của phụ nữ. Bắt đầu với bàn tay con gái thảo hiền dâng lên cha mẹ bát canh cần, đến cảm nhận về đạo hiếu, về vai trò người phụ nữ trong gia đình, rồi rộng ra là xã hội, sẽ làm dịu mát cơn khát cháy do mất cân bằng âm -dương.
BẢO TRÂN