Khi giặc Mỹ đổ quân xuống cày ủi ruộng đồng làm sân bay và xây dựng căn cứ Chu Lai, thì các cô gái tuổi đôi mươi: Huỳnh Thị Xuân, Võ Thị Đoát, Nguyễn Thị Luật, Võ Thị Giá, Đinh Thị Hạnh, Trần Thị Hàng là những chỉ huy, cùng các cô gái trẻ hơn Út Dậu, cô Hải, cô Tòng, là những nòng cốt, những xung kích trong các cuộc đấu tranh trực diện với lính Mỹ, lính Sài Gòn. Chi bộ xã ra một nghị quyết hành động: Đảng viên không được rời địa bàn, du kích phải đánh thắng Mỹ ngay tại quê hương mình. Những cuộc đấu tranh kiên trì, trực diện, vô cùng khốc liệt được đúc kết thành khẩu hiệu, thành phương châm hành động nổi tiếng: “Một tấc không đi, một li không rời”.
Chị Xuân và Nguyễn Văn Binh nhân ngày vui gặp lại. |
Suốt mùa khô từ ngày 2 đến ngày 15.6.1965, pháo Mỹ từ hạm đội 7 và căn cứ Chu Lai bắn liên tục vào xã Tam Giang. Trong 3 ngày từ 12 đến 15.6.1965, pháo địch làm sập 68 hơn 84 nóc nhà, phá hủy 30 mẫu hoa màu và nhiều cây cối. Trong 3 tháng 6, 7 và 8 năm1965, quân Mỹ và quân Sài Gòn càn 27 lần vào xã đảo Tam Giang, trong đó có 17 lần “hành quân liên kết’’ cả Mỹ - Sài Gòn, truy lùng Việt cộng, đốt nhà, đốt thuyền, ngư lưới cụ, cướp bóc tài sản của nhân dân. Đội quân tóc dài không lúc nào ngưng nghỉ và luôn luôn làm nòng cốt nổ ra nhiều cuộc đấu tranh trực diện với quân thù.
Tháng 6.1965, Tiểu đoàn đặc công 409 nhận lệnh tập kích sân bay Chu Lai. Từ Kỳ Yên, bộ đội hành quân suốt một ngày hai đêm, vượt qua các tuyến phòng thủ dày đặc của địch, vượt sông đến xã Tam Giang. Thông qua chi bộ, được nhân dân hết lòng che giấu, bảo vệ, nấu cơm cho ăn và quan trọng hơn là sẵn sàng những chiếc thuyền và những tay lái thông thạo đường sông, dũng cảm và mưu trí chuyển vũ khí và bộ đội áp sát sân bay Chu Lai. Trận đánh thắng lợi không chỉ làm cho quân Mỹ run sợ mà thật sự cổ vũ tinh thần chống Mỹ của nhân dân, vượt qua những khó khăn, ác liệt khủng khiếp...
Những cán bộ, bộ đội ở trên về trụ lại trên đất đảo Tam Giang thì người tiếp, người nhận nhiệm vụ và thi hành nhiệm vụ hầu hết là nữ. Chi bộ công khai, chi bộ hợp pháp cũng đa số là nữ. Do vậy, mỗi khi tham dự các cuộc mít tinh, các buổi học tập chính trị đa số là các mẹ, các chị tham gia, không sợ bị tra tấn tù đày, xông ra đón đầu xe tăng Mỹ. Khi Mỹ đổ quân vào lập căn cứ Chu Lai, xã Tam Giang có 40 đảng viên, 1 trung đội du kích, cơ sở chính trị trong các tổ chức quần chúng hoạt động rất mạnh. Đấu tranh với bọn bình định, bà con yêu sách phải bầu những người địa phương lên nắm chính quyền xã, thôn - một đòi hỏi công khai, hợp lý mà địch không thể thực hiện, vì người Tam Giang không có ai chịu công khai làm tay sai ức hiếp nhân dân trong xã. Bà con trực diện đòi Mỹ phải bồi thường tính mạng, tài sản cho những gia đình bị pháo Mỹ giết hại và phá hủy; khi nào chưa giải quyết được, thì chưa lập chính quyền. Đấu tranh chống lập tề thắng lợi, nhân dân Tam Giang tiếp tục những cuộc đấu tranh chống quân Mỹ dùng xe lội nước chạy trên sông Trường Giang làm hư đăng, làm hỏng lưới, làm cho nhân dân không thể nào đánh bắt cá tôm để sống và sống yên trên sông nước.
Hàng trăm bà con Kỳ Xuân (Tam Giang) kéo sang cùng với nhân dân hai xã Kỳ Hà và Kỳ Liên - những người bà con anh em liên cư, liên địa, liên sông, chống quân Mỹ cày ủi ruộng vườn, mồ mả, đuổi dân cướp đất xây dựng sân bay Chu Lai. Vận động nhân dân giúp đỡ lương thực, đồ dùng, tiền bạc cho những gia đình hai xã bạn có người thân bị sát hại, bị hãm hiếp, nhà cửa bị đốt trụi phải sống cảnh màn trời chiếu đất, qua đó động viên bà con, phát động căm thù giặc Mỹ, đoàn kết đấu tranh.
Tháng 10.1965, Đội 10 đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 409 của Quân khu V về tăng cường cho Vành đai diệt Mỹ Chu Lai. Đánh giặc “không chờ lúa chín’’, chi bộ vận động bà con ra đồng gặt lúa chưa chín vàng về xông, sấy, giã gạo kịp nấu cho bộ đội ăn no đánh Mỹ. Sau một tháng bám ở Vành đai diệt Mỹ Chu Lai, đêm 25.10.1965, du kích và cơ sở xã dùng thuyền đón Đại đội 40 của Tiểu đoàn đặc công số 409 về làng. Từ bến đò Khương Vĩnh - Kỳ Khương, anh em thường gọi bến bà Huề, bà con đưa bộ đội về trú tại ấp 5. Nhận nhiệm vụ của chi bộ, bà con nhận bộ đội đưa về ở trong nhà mình che giấu, lo cơm nước chu đáo. Hôm sau, khuya 26 rạng ngày 27.10.1965, bộ đội bí mật vượt qua cát, áp sát, tập kích vào sân bay Chu Lai, tiêu diệt hàng chục tên Mỹ, phá hủy một số máy bay, xe bọc thép, làm rung chuyển sân bay Chu Lai vừa mới xây dựng, làm rúng động hệ thống phòng thủ căn cứ Chu Lai.
Chị em đi học lớp tiếng Anh do Binh vận tổ chức tại Kỳ Thạnh về liền xáp với lính Mỹ cứu được hai cán bộ xã đội là Nguyễn Đức xã đội trưởng và Đỗ Nam xã đội phó. Hôm ấy, hai người ở trong nhà ông Huỳnh Đô - cha của chị Huỳnh Thị Xuân, mới ngủ dậy, chưa đi chống càn thì Mỹ đến nhà. Trong khi chỉ đường cho hai người lách ra nhà sau, chị Xuân, thường gọi chị Hai Đô, lấy hai cây súng bỏ trong chiếc chiếu quấn lại để trước bàn thờ ông nội, bước ra sân cười chào lính Mỹ: - Vi ci? Một lính Mỹ tọt vào nhà, hỏi.
- No. No Vi ci. Chị Xuân bình tĩnh đáp.
Bốn chiếc xe bọc thép lên, chị Xuân ra chận xe, kêu chị Ba Thiệt (con ông Hoanh) cùng đi, cùng bà con tham gia đấu tranh không cho xe tăng Mỹ cày nát xóm làng.
Tháng 7.1966, tại hội nghị tổng kết phong trào đấu tranh chính trị do Khu ủy V tổ chức, chị Huỳnh Thị Xuân được cử đi dự và báo cáo đấu tranh trực diện với lính Mỹ, được hội nghị chú ý và được Bí thư Khu ủy V Võ Chí Công khen ngợi. Huỳnh Thị Xuân, là Huyện ủy viên, cán bộ đấu tranh chính trị phụ trách khu vực Nam Tam Kỳ. Khi làm Đội trưởng Đội công tác Lý Tín, chị Xuân gặp một tình huống không thể nào quên: Nguyễn Văn Binh, người Thọ Khương, sinh năm 1954, thoát ly năm 1971, là đội viên Đội công tác Lý Tín. Đêm 12.8.1971, bị một quả claymore địch cài sau hè nhà bà Thuấn làm Đội trưởng Hoàng hy sinh, Binh gãy cả hai cái chân. Trà Minh Đoàn và Dũng cõng Binh ra con mương khô giữa ruộng. Chị Xuân, anh Dương, anh Đông tiêm thuốc, băng ca-rô cho Binh. Lấy cây đòn khiêng rơm, cột cây dù chéo, loại có cái sọc đỏ, bỏ Binh lên, vừa khiêng đứng lên thì cái dù rách toạc. Chị Xuân bảo các anh vô xóm kiếm tấm ra chắc làm võng khiêng. Vô xóm, mò trong cái hầm núp pháo lấy được cái mùng tuyn của Mỹ đem ra cột lên đòn khiêng rơm làm cái cáng khiêng Binh lên dốc Chàng Hảng. Từ dốc, chị Phượng y tá, anh Dũng y tá, anh Hồng tổ chức khiêng Binh lên trạm xá. Trên đường, khi dừng chỗ thổ cỏ may thấy còn cái chân của Binh lòng thòng, vướng làm đau, anh Dũng cắt một cái vứt xuống hố, còn cái chân kia thì gập lên bó lại. Hôm sau chị Xuân quay xuống tìm khúc chân ném dưới hố nhưng không tìm ra. Lúc dừng ở thổ cỏ may, chị Xuân bàn và phân công anh em đi lấy xác Đội trưởng Đội công tác Chín Hoàng, nhưng anh em không tìm được. Ngày hôm sau chị Xuân đưa một tổ bám xuống tìm được, đưa xác Chín Hoàng lên một đoạn nữa thì trời sắp sáng, đành chôn cạn trên đồi đất sỏi. Ngay sáng hôm sau đêm gài mìn, nghĩa quân lên nhà bà Thuấn lượm được cái chân trong ảng nước. Bọn chúng đinh ninh là cái chân của Chín Hoàng, vì mấy tay nghĩa quân gài mìn từng giữ bò chăn trâu chơi với Chín Hoàng biết vết sẹo chỗ chân Chín Hoàng nên nhận ra ngay. Chúng đem một cái chân xuống quận rao khoe đã giết được Đội trưởng Chín Hoàng để lấy thưởng.
Về bệnh xá ở thôn Một, Kỳ Thạnh, bác sĩ Phạm Như Đài và y sĩ Trần Việt Sỹ cắt bằng đôi ống chân trên đầu gối cho Binh. Vừa lành vết thương, chuẩn bị đi an dưỡng ở Phương Đông - Dương Yên, thì chị Huỳnh Thị Xuân lên thăm và đề nghị chi bộ Bệnh xá kết nạp Binh vào Đảng, được Huyện ủy chuẩn y. Hôm làm lễ kết nạp Đảng, bác sĩ Phạm Như Đài và Y sĩ Trần Việt Sỹ bồng Binh lại ngồi trên ghế trước ảnh Bác Hồ và cờ Đảng. Bí thư chi bộ Trần Việt Sỹ đọc quyết định kết nạp Nguyễn Văn Binh vào Đảng...
Ngày 10.8.2015, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng chị Huỳnh Thị Xuân là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 21.12.2015, chi Xuân đón nhận bằng Anh hùng.
Ký sự của HỒ DUY LỆ