“Cơn khát” chip bán dẫn sắp kết thúc

AN TRƯƠNG 17/07/2022 04:27

(QNO) - Báo cáo của TrendForce cho thấy sự thiếu hụt chip bán dẫn có thể kết thúc sớm hơn dự kiến do tồn kho và nhu cầu sụt giảm.

Samsung đang tìm cách thu hút nhiều khách hàng mua chip bán dẫn hơn bằng quy trình 3nm tiên tiến của mình. Ảnh: Nikkei Asia
Samsung đang tìm cách thu hút nhiều khách hàng mua chip bán dẫn bằng quy trình 3nm tiên tiến. Ảnh: Nikkei Asia

Các nhà máy sản xuất chip đã chứng kiến làn sóng hủy đơn đặt hàng khiến công suất sụt giảm hơn vào cuối năm nay. Đặc biệt, lĩnh vực chip bán dẫn đặc thù như cho card đồ họa chơi game hoặc cho “trâu cày” tiền điện tử bị tác động lớn.

Thị trường điện thoại thông minh đầu năm 2022 đã trải qua một trong những quý đầu tiên tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Các lô hàng toàn cầu giảm hơn 11% so với năm 2021 và thị trường châu Âu chứng kiến sự sụt giảm đáng kể nhất trong một thập kỷ. Nguyên nhân sụt giảm được cho là do tính thời vụ, vì vậy các nhà sản xuất điện thoại chẳng hạn như Samsung bắt đầu giảm sản lượng cho phù hợp. 

Hãng TSMC chiếm thị phần lớn trong hợp đồng sản xuất các chipset này, ước tính khoảng 70% SoC và modem di động được sản xuất bằng cách sử dụng các loại chip mới nhất của công ty có trụ sở tại Đài Loan (7nm, 6nm, 5nm và 4nm).

Samsung đã nhận hầu hết 30% đơn đặt hàng chip còn lại và đang tìm cách thu hút nhiều khách hàng hơn bằng quy trình 3nm tiên tiến của mình, đây là chip đầu tiên sử dụng bóng bán dẫn hiệu ứng trường toàn cổng.

Khi đi sâu phân tích TSMC, các nhà phân tích nhận thấy rằng doanh số bán chip đã giảm 9% so với cùng kỳ quý I năm ngoái. Tình hình đó dự kiến sẽ thay đổi trong những tháng tới khi Qualcomm sẽ chuyển nhiều đơn đặt hàng chip sang TSMC thay vì Samsung. Đáng chú ý, quyết định này được đưa ra sau khi gã khổng lồ Hàn Quốc gặp vấn đề về năng suất sản xuất chip quy trình 4nm của mình.

Nhìn chung, nhu cầu của người tiêu dùng đối với điện thoại thông minh dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới do lạm phát và lo ngại ngày càng tăng về suy thoái toàn cầu sắp xảy ra. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng công nghệ cuối cùng có thể đang hồi phục sau khi hứng chịu một số cú sốc lớn do đại dịch trong 2 năm qua.

Về nguồn nguyên vật liệu, bản sửa đổi đầu tiên dành cho các tấm wafer 200mm và 300mm được thực hiện bằng cách sử dụng các quy trình từ 12nm trở lên. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất không còn gặp vấn đề với việc tìm nguồn cung cấp PMIC, vi điều khiển, IC trình điều khiển màn hình và các thành phần cần thiết khác.

Các nhà phân tích tin rằng một số nhà máy sẽ gặp khó khăn để có thể duy trì công suất sản xuất ở mức 90%, đặc biệt là khi các nhà sản xuất đang bắt đầu đối phó với tình trạng tồn kho.

Từ đầu đại dịch, khủng hoảng chuỗi cung ứng công nghệ đã khiến các nhà sản xuất thiết bị điện tử, từ điện thoại, máy tính cho đến ô tô phải chạy đua để giành mua và tích trữ chip. Đến đầu năm 2022, khó khăn vẫn tiếp diễn khi nhiều nhà máy tại Trung Quốc ngưng trệ do dịch bệnh cũng như tác động từ các xung đột địa chính trị.

Việc nỗ lực mua càng nhiều chip càng tốt để đảm bảo việc sản xuất trong giai đoạn thiếu hụt đã vô tình trở thành gánh nặng cho các công ty điện tử. Các nhà quản lý đang phải tìm cách giải quyết số chip tồn kho trong thời gian ngắn, vì vậy họ không có nhu cầu đặt hàng thêm.

Ở chiều hướng khác, các nhà sản xuất chip để cung cấp ôtô và trung tâm dữ liệu vẫn sẽ phát triển mạnh, bởi nhu cầu loại linh kiện này chưa có dấu hiệu suy giảm. Một số công ty chuyên sản xuất chip cao cấp có thể chịu tác động ít hơn. 

Các nhà phân tích thị trường tại Counterpoint ước tính rằng doanh thu chip di động đã tăng khoảng 23% trong 3 tháng đầu năm 2022 nhờ sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng đối với các thiết bị cầm tay 5G đắt tiền hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Cơn khát” chip bán dẫn sắp kết thúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO