Còn lại gì?

C.B.L 18/12/2018 02:14

Bản tin về một sư trụ trì đánh đập, gây thương tích cho đứa bé 10 tuổi, gây ào ào bão mạng hôm trước; hôm sau đã quay ngược với bản tin rằng sự việc đó không phải như vậy mà được giải quyết xong từ năm 2016. Có báo kỹ lưỡng hơn một chút cho biết toàn bộ hình ảnh về vết lằn roi chỉ là… ảnh cũ; gần đây, do nghi ngờ bé vẫn còn bị đánh đập nên cô giáo báo việc này với cơ quan chức năng. Chưa biết bản chất thật sự vụ việc đến đâu. Bản tin rơi tõm trong cơn thịnh nộ của đám đông.

Sau mỗi vụ học sinh bị đánh, là như một cơn lên đồng tập thể về chuyện bạo hành trẻ. Cứ hễ thấy đâu đó hình ảnh trẻ bị đánh đập, là người ta ào lên phê phán, giận dữ và tự “bạo lực” bằng ngôn từ, không cần biết nó đi về đâu. Nhưng mỗi ngày sau đó, có biện pháp nào để đòn roi dừng lại sau cánh cửa lớp học hay trong mỗi ngôi nhà, thì chưa ai trả lời được.

Tự hỏi vì sao không tìm cách khác, để cải biến chính mỗi chúng ta, đem lại môi trường an toàn và hạnh phúc cho trẻ? Hay cách dạy con “thương cho roi cho vọt” nó đã thâm căn cố đế rồi, nên ít ai chịu hiểu rằng, thời này đã không còn phù hợp. Cũng như kiểu “hy sinh đời bố củng cố đời con” vậy. Cha mẹ còng lưng làm việc, bòn rút xương cốt mình, dành dụm của cải lại cho con. Những kẻ tham nhũng thì bòn rút ngân khố, bòn rút đất đai tiên tổ, lấy của nả cho con cháu dòng tộc họ. Mà quan tham, thì đã sẵn định một nơi an toàn, ở đâu đó ngoài cương thổ Tổ quốc, để trốn chạy khi có biến.

Tôi có một người bạn, hễ gặp nhau là y như chỉ mỗi “chuyên đề” đưa con đi du học, rồi tìm cách định cư ở nước ngoài. Bạn làm việc cật lực, chỉ để hướng tới mục tiêu đó. Một bạn khác, lại luôn phản đối rằng sao cứ phải bứng gốc đi khỏi xứ sở, tha hương xứ người. Đã được sinh ra trên đất này, sống chết cũng phải ở đất này, tốt - xấu gì của đất này cũng phải dung nạp đi, để mà tìm cách thích nghi. Không khát vọng “thay đổi thế giới” nhưng bạn bảo, nếu ai cũng tìm chỗ dung thân an ổn cho mình, ở xứ khác, thì đất này ai giữ cho đời sau?

Hôm trước hàng loạt báo đưa tin một thầy giáo nhặt được cái túi có 50 triệu đồng và 23 chỉ vàng; thầy tìm mọi cách để trả lại số tiền, vàng cho người đánh rơi. Niềm hân hoan về chuyện tử tế ở đời còn nhiều lắm trong tôi chưa dứt, thì hôm sau lại thấy tin đó chỉ là “chuyện dựng” của thầy giáo. Tường thuật được một báo dẫn lại, rằng “thấy ngành giáo dục nhiều chuyện buồn quá, nên thầy muốn dựng chuyện đẹp để… chém gió cho vui. Không ngờ mọi chuyện trượt đi, ngoài tầm kiểm soát”.

Rất nhiều những chuyện bịa tương tự. Những fake news (tin giả) tương tự. Những “bánh vẽ” tương tự. Chúng ta để lại gì cho đời sau?

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Còn lại gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO