Còn lại mẹ thôi…

SONG ANH 27/07/2017 09:53

“Thằng Hai, thằng Ba, rồi thằng Út. Đi hết. Hồi đó chúng nó mới 17, 18 tuổi”. Nói đến đây, mẹ khóc. Nước mắt người già, như hơi sương thôi, nhưng lúc nào cũng làm cay lòng người… Bao nhiêu năm, người đến người đi, quê hương yên bình, chỉ còn mẹ, với nỗi nhớ chồng, thương con…

Mẹ Ngô Thị Cam và mẹ Trương Thị Hậu (thứ nhất và nhì, từ trái sang) là hai mẹ do Báo Quảng Nam nhận phụng dưỡng, gặp nhau nhân dịp Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.2016.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mẹ Ngô Thị Cam và mẹ Trương Thị Hậu (thứ nhất và nhì, từ trái sang) là hai mẹ do Báo Quảng Nam nhận phụng dưỡng, gặp nhau nhân dịp Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.2016.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tin liên quan

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)

Bây giờ, những câu chuyện mẹ kể, đã có lúc nhớ, lúc quên. Những giọt nước mắt nhớ chồng con, cũng đã lặm sâu xuống dưới những nếp nhăn. Nhưng bao giờ, những ngày tháng Bảy hằng năm, khi nhà lúc nào cũng có người tìm đến, thì ký ức về những tháng ngày cam go nhứt của mẹ, lại trỗi lên.

Mẹ Ngô Thị Cam quệt nước mắt khi kể những câu chuyện cũ.Ảnh: SONG ANH
Mẹ Ngô Thị Cam quệt nước mắt khi kể những câu chuyện cũ.Ảnh: SONG ANH

1. “Ai rứa hè?”, mẹ Cam chống gậy ra đầu ngõ, nghe ngóng. “Dạ, là tụi con ở Tam Kỳ ra”, chúng tôi cất tiếng. Mẹ nở nụ cười thiệt tươi, mắt hấp háy vui. Phải vui chớ, vui mới sống được những ngày còn lại. Hình như phải vậy, với tất cả những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Và hình như, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước này đều chung nhau cái vóc dáng nhẫn nhịn, chung nhau sự giản dị bao bọc bên ngoài một sự vĩ đại. Đâu phải thật dày dấu ấn mới là anh hùng. Mỗi người mẹ, đã là một anh hùng. Mỗi người mẹ, với từng nỗi đau đớn chia ly, vẫn phải gượng mình đứng dậy, đã là một sự vĩ đại. Một đức hy sinh vô bờ bến. Chúng tôi nghĩ vậy, trong những chuyến trở về thăm các bà mẹ khắp nơi - những bà mẹ đã can trường trong nỗi đau lớn nhất đời mình. Với người mẹ, những đứa con bao giờ cũng là vật báu. Là những khúc ruột, mà đau khúc nào cũng làm mẹ thảng thốt…

Khách đến nhà, mẹ vội vàng xua mấy con gà trong vườn mang cát vào tận… chỗ ngủ, phủi bụi trên bộ ghế. Khách đến nhà - là những con cháu nhận phụng dưỡng mẹ - bao giờ cũng chạnh lòng.

Gian nhà mẹ Ngô Thị Cam (xã Duy Thành, Duy Xuyên), bao giờ tìm đến, cũng khiến chúng tôi chạnh lòng như vậy. Dày đặc những tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường. Những tấm ảnh trên bàn thờ, theo từng lớp, đã hoen ố. Một ngôi nhà có đến 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vùng đất này, vẫn biết có nhiều ngôi nhà như vậy. Nhưng vẫn không khiến những nỗi bần thần của người trẻ bớt đi sự so sánh rằng, hòa bình này, đã đánh đổi quá nhiều. Mẹ Cam, hay những người mẹ Việt Nam anh hùng khác, đều vừa tham gia kháng chiến vừa làm ruộng, buôn bán đầu chợ bến sông nuôi con. Cuộc đời người phụ nữ trong chiến tranh không kể hết được nỗi vất vả. Mẹ Cam có chồng đi du kích, hy sinh ngay ở vùng cát Duy Hải, để lại mẹ bơ vơ giữa bom đạn với bầy con bốn đứa. Chưa kể ngày mẹ về làm dâu, nhà chồng đã có 2 người em hy sinh trong một trận càn.

Hai con trai của mẹ Cam lần lượt theo con đường của cha, vào bộ đội. Lính tới bố ráp, lùng bắt, tra hỏi, mẹ lèo lái, ứng phó. Rồi thằng Ba hy sinh. Một lần nữa hụt hẫng, chênh chao, nỗi đau mất con chất chồng lên nỗi đau mất chồng. Mình mẹ gồng gánh cùng mẹ chồng và những đứa con đi qua tháng năm chiến tranh. Mỗi ngày sống thì dài mà cái chết lại đến rất nhanh. Chưa kể, những ngày tưởng đã yên súng đạn, thằng Út, ở chiến trường biên giới, lại ra đi. Câu ca buồn đi ra từ chiến tranh “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…” như là chính cuộc đời mẹ. Liên tiếp những nỗi tang tóc, khi người mẹ chồng (mẹ Nguyễn Thị Y, sau này được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng) sau đó ít lâu cũng đi xa mãi mãi. Lại chồng thêm nỗi đau, mẹ Cam cũng như bao nhiêu phụ nữ đã ôm mặt khóc giữa đêm đen trong những ngày chiến trận.

“Một đứa con không trở về, mẹ đã chết hàng ngàn lần. Nhiều đứa con không trở về, cái giá nào trả được cho nỗi đau của mẹ đây. Mẹ không khóc vì nước mắt của mẹ đã chảy vào trong. Mẹ không thể khóc vì đâu còn nước mắt để rơi, vì nước mắt mẹ khô cạn mất rồi” (Chu Lai). Nhưng vẫn phải sống, dù những mất mát có lớn thêm chừng nào nữa. Để hằng ngày hương khói cho người đã khuất. Và lau nước mắt cho mình. Sớm tháng Bảy này, nước mắt kia, dù cằn cỗi vì khô cạn, vẫn chưa ngừng rớt lại…
2. Những vùng cát xứ Quảng, bao giờ, cũng là những vùng kiên trung. Hà Quảng - Điện Dương (Điện Bàn), mỗi ngày sống trong lằn ranh bom đạn, là mỗi ngày phải căng mình lên chống chọi, nghe ngóng. Mẹ Trương Thị Hậu, năm nay đã yếu đi nhiều. Qua cái tuổi 90, người ta bắt đầu đếm số ngày sống. Và mẹ, đã đi qua những chặng đường theo đúng cuộc đi của vùng đất. Bây giờ, đất đã hồi sinh sau những cày xới tan hoang. Thương tổn cũng đã lặn sau bao nhiêu trầm luân. Nhưng nỗi đau, nỗi ám ảnh ôm từng tro cốt của “khúc ruột” thì vẫn còn đâu đó. Ở cái mảnh đất mà mỗi nhành cây như thể mọc lên từ mỗi viên đạn, lượt người hy sinh cho Tổ quốc đong đếm bằng cả số người còn lại sau hòa bình, tránh sao cho đặng những nước mắt rơi chung từ nỗi tang thương. Những nỗi đau giống nhau, như nỗi đau của những người mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Trương Thị Hậu, cũng như mẹ Cam và hàng ngàn bà mẹ trên khắp cả nước, mấy lần tiễn biệt chồng con, nén nỗi đau trở thành sức mạnh. Tôi vẫn nhớ ngày khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở TP.Tam Kỳ, nhà văn Chu Lai cảm thán bật lên: “Hát về mẹ như hát về những gì thẳm sâu nhất của số phận con người, số phận dân tộc, của núi sông, mưa nắng, giá lạnh, oi nồng…”. Những tượng đài dựng lên khắp đất nước, hay cả một tượng đài dành cho riêng những người mẹ Việt Nam anh hùng, không bao giờ có thể kể hết được câu chuyện về mẹ. Chẳng tượng đài nào có thể khiến mẹ vui khi chiều tối trong nhà không có bóng con, tiếng cháu…

Tuổi già, mẹ lại càng ít nói hơn. Ông Nguyễn Văn Thục, con thứ tư của mẹ Trương Thị Hậu, cũng là một thương binh nặng, cứ than rằng, càng ngày mẹ càng ít nói chuyện. Lại hay nhìn ra bóng của mình khi nắng dọi vào vuông cửa sổ nơi mẹ nằm. Hình như tuổi già, mẹ lại càng nhớ mông lung, chuyện của mấy chục năm trước, chuyện ngày mẹ còn là người đàn bà gan lỳ dắt theo đứa con gái 5 tuổi giấu trong người số tiền nhân dân quyên góp tiếp tế cho cách mang. Rồi bị địch phát hiện, bắt bỏ tù cả 2 mẹ con. Bị giặc đánh đến không đứng nổi, mẹ vẫn kiên quyết không khai. Hay mẹ lại đang nhớ chuyện những buổi tối đưa đò sang bến Cẩm Thanh chở cán bộ về nhà mình “nằm vùng”, buổi sáng sớm cắp gánh đi chợ mà trong mỗi bó rau là những thông tin cán bộ nhờ chuyển… Mẹ không biết chữ, nhưng mẹ biết cách đánh lừa bọn địch. Biết cách giấu đi nước mắt của mình khi nhận giấy báo tử của chồng năm 1967, rồi biết cả cách vật lộn với đau đớn hằng đêm khi trong một năm nhận tin cả 2 con hy sinh. Đó là năm 1974, chỉ còn chưa đầy một năm nữa là giải phóng…

Với mẹ, bây giờ, có chế độ phụng dưỡng nào là cao hay thấp nữa đâu. Con trai mẹ nói, mẹ làm nhiều thứ trong chiến tranh lắm, nhưng vì mẹ không biết chữ, nên không khai báo cho chính quyền được khi hòa bình xong. Nhưng mẹ lại nói: “Hồi đi bộ đội, ổng dặn, làm được chi cho cách mạng thì làm, đừng có kể công. Ổng dặn rứa rồi, nói ra chi…”. Nên mẹ, chỉ giản dị, là Mẹ Việt Nam anh hùng của vùng cát trắng Điện Dương…

Có những điều vĩ đại, chỉ cảm được bằng tấm lòng…

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Còn lại mẹ thôi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO