"Cơn lốc" tai xanh

NGUYỄN VĂN SỰ 25/02/2013 09:05

Trong khi tại Nông Sơn đã qua 6 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới thì 2 ngày cuối tuần qua vi rút Lelystad tiếp tục bùng phát mạnh ở nhiều địa phương khiến hàng nghìn con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy khẩn cấp...

  • Phòng và chống
  • Phòng chống dịch tai xanh: Thực hiện đồng bộ, quyết liệt
  • Khẩn trương đối phó dịch tai xanh
  • Dịch lợn tai xanh tái phát và nguy cơ lan rộng rất cao
Cuối tuần qua lại thêm hàng nghìn con heo bỏ ăn vì nhiễm dịch. Ảnh: V.SỰ
Cuối tuần qua lại thêm hàng nghìn con heo bỏ ăn vì nhiễm dịch. Ảnh: V.SỰ

Lan nhanh như gió

Trong mưa dầm dề, lực lượng thú y huyện Thăng Bình và chính quyền xã Bình Phú vẫn huy động nhân lực khẩn trương tiêu hủy 10 con heo của một số hộ dân vừa bị chết vì mắc bệnh tai xanh. Cuối tuần qua vi rút Lelystad lây lan đến Bình Phú khiến 192 con heo của 29 hộ chăn nuôi ở thôn Lý Trường, Đức An, Long Hội, Phước Hà bị dịch. Tại nhiều địa phương khác của Thăng Bình, mầm bệnh cũng đang phát tán nhanh. Theo ông Bùi Thanh Việt - Trưởng trạm Thú y huyện, từ một ổ dịch nhỏ ở xã Bình Giang, những ngày gần đây vi rút Lelystad tiếp tục lan đến xã Bình Chánh, Bình Quý, Bình Dương, Bình Triều, Bình Định Nam, Bình Minh, Bình Phục, Bình Đào, thị trấn Hà Lam. Ông Việt nói: “Mặc dù các ngành, đơn vị liên quan đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh để phòng chống nhưng dịch tai xanh vẫn đang lan nhanh như gió. Tính đến thời điểm này, tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thăng Bình đã có tổng cộng 645 con heo của 174 hộ dân ở 23 thôn bị mắc bệnh, trong đó số heo chết phải tiêu hủy bắt buộc là 70 con”.

Theo thống kê mới nhất, tính đến trưa hôm qua 24.2, tại 144 thôn, khối phố thuộc 35 xã, thị trấn ở 7 huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Tiên Phước đã có đến 4.144 con heo của 1.165 hộ dân bị nhiễm dịch tai xanh (tăng 1.200 con so với ngày 21.2). Trong đó đã có 506 con chết và 669 con mắc bệnh nặng phải tiêu hủy bắt buộc.

Không dừng lại ở xã Duy Trung, Duy Thành, 2 ngày nay dịch tai xanh lại tiếp tục bùng phát tại thôn Triều Châu, Hòa Bình, Lang Châu Nam, Hòa Nhuận, Lang Châu Bắc (xã Duy Phước) và thôn Thu Bồn Đông, Thu Bồn Tây (xã Duy Tân, Duy Xuyên) làm 75 con heo của 21 hộ dân mắc bệnh nặng. Như vậy, tính đến chiều qua 24.2, trên địa bàn 4 xã vừa nêu của huyện Duy Xuyên đã có tổng cộng 269 con heo bị dịch gây hại, trong đó 52 con đã chết phải tiêu hủy. Còn tại huyện Điện Bàn, ngoài ổ dịch cũ ở xã Điện An thì vi rút Lelystad cũng vừa tấn công 33 con heo của 13 hộ dân trên địa bàn thôn Phong Thử 2, Châu Thủy thuộc xã Điện Thọ. Trong khi đó tại “điểm nóng” Đại Lộc và Quế Sơn cuối tuần qua lại có thêm ít nhất 400 con heo bị dính dịch. Điều đáng lo ngại hơn, không chỉ hoành hành ở khu vực đồng bằng mà vi rút Lelystad đang có nguy cơ lây lan đến miền núi. Theo lãnh đạo ngành thú y tỉnh, dịch tai xanh cũng vừa xuất hiện tại xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước) khiến 55 con heo bị nhiễm bệnh. Nhiều người cho rằng, với tốc độ phát tán nhanh như vậy thì Quảng Nam phải hứng chịu một “đại dịch” tai xanh là điều khó tránh khỏi.

Quyết liệt đối phó

Ông Lê Văn Tân – Trưởng Thú y xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) cho biết, tính đến trưa hôm qua 24.2, tại địa phương đã có tổng cộng 94 con heo của 85 hộ dân bị mắc bệnh, trong đó có 71 con phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng 1.121kg. Theo ông Tân, trước những diễn biến phức tạp của dịch tai xanh, bên cạnh việc thực hiện nghiêm lệnh cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo thì 10 ngày nay xã đã cấp về cho 9 thôn hơn 100 lít hóa chất Benkocid để thực hiện đồng bộ khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc với tần suất mỗi ngày 2 lần. Đồng thời, dùng lượng lớn vôi bột rải khử trùng tại các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao bị vi rút Lelystad tấn công. Đặc biệt, lãnh đạo xã đã huy động tối đa lực lượng thú y viên khẩn trương tổ chức tiêm 2 nghìn liều vắc xin tai xanh cho những đàn heo tại 6 thôn đang xảy ra dịch nhằm sớm bao vây, khống chế sự phát tán của mầm bệnh.

Thành lập Đội kiểm soát lưu động liên ngành

UBND tỉnh vừa quyết định thành lập Đội kiểm soát lưu động liên ngành gồm thành viên của Chi cục Thú y, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường. Theo đó, mỗi đơn vị cử một cán bộ có mặt thường xuyên tại bộ phận thường trực đặt ở Văn phòng Chi cục Thú y tỉnh.

Đội kiểm soát lưu động liên ngành cấp tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các cấp chính quyền xử lý những trường hợp vi phạm về việc nghiêm cấm tuyệt đối hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn. Trong trường hợp buộc phải tiêu hủy động vật và sản phẩm của động vật để phòng, chống dịch bệnh thì bàn giao cho UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm để tổ chức tiêu hủy.

Theo ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn, ngoài xã Quế Xuân 1 thì những ngày qua công tác phòng chống dịch ở các nơi khác cũng được chính quyền cơ sở hết sức chú trọng. Ông Châu nói: “Không chỉ duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc, từ sau tết đến nay Quế Sơn xác định công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn heo là rất cấp bách. Trong tổng số 13 nghìn liều vắc xin tai xanh do tỉnh chi viện thì tính đến trưa 24.2, Quế Sơn đã tiến hành tiêm được 12 nghìn liều, còn lại 1 nghìn liều sẽ triển khai tiêm ngay trong đầu tuần này”.

Hôm qua 24.2, dù là ngày nghỉ cuối tuần, trời mưa tầm tã nhưng lực lượng thú y huyện Đại Lộc vẫn đi tiêm phòng vắc xin cho những đàn heo trong vùng đang xảy ra dịch và các khu vực có nguy cơ cao bùng phát vi rút Lelystad. Ông Phan Thanh Thiên - Trưởng trạm Thú y huyện nói: “Do là vùng rốn dịch nên Đại Lộc được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 20 nghìn liều vắc xin. Sau hơn 1 tuần tiếp nhận, đến nay chúng tôi đã tiêm được 16 nghìn liều. Theo dự kiến, đến sáng thứ Ba (26.2) sẽ tiêm dứt điểm 4 nghìn liều còn lại. Trong phòng chống dịch tai xanh đây là khâu trọng yếu nhất nên phải thực hiện quyết liệt”.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết, ngoài 25 nghìn liều vắc xin đã cấp hồi giữa tháng 2 thì đơn vị vừa quyết định hỗ trợ thêm gần 47 nghìn liều vắc xin nữa cho các địa phương, trong đó chủ yếu ưu tiên cho 7 huyện đang xảy ra bệnh tai xanh là Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Tiên Phước. Ông Nam nói: “Nhằm nhanh chóng khống chế dịch, mới đây chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh gửi văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ khẩn cấp 100 nghìn liều vắc xin tai xanh và 20 nghìn lít hóa chất để chủ động phục vụ công tác phòng chống dịch”.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cơn lốc" tai xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO