Cơn lốc thần tốc - Kỳ 2: Lập thế bao vây với "5 quả đấm"

PHAN THANH HẬU 23/04/2015 08:57

  • Cơn lốc thần tốc - Kỳ 1: Chớp thời cơ

Sau giải phóng Đà Nẵng (29.3.1975), theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Trong buổi giao ban sáng ngày 2.4.1975, Bộ Tổng tham mưu báo cáo: Địch hoang mang cực độ, chiến sự ở ven biển Nam Trung Bộ diễn ra rất nhanh, rất có lợi cho ta. Đồng chí Lê Trọng Tấn nêu ý kiến cần hình thành cánh quân ven biển, gồm các lực lượng vừa mới giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng tiến quân đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt địch và làm chủ các địa bàn chiến lược từ Nha Trang trở vào, không cho địch co cụm về Sài Gòn. Đây cũng là ý kiến đề nghị của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân khu V và của Thường vụ và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 vừa lập chiến công ở Đà Nẵng, đề nghị này được đồng chí Lê Duẩn hoàn toàn đồng ý.

Ngay lập tức, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh lập cánh quân phía đông, gồm Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 Quân khu V và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh. Nhiệm vụ cánh quân này là vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian cùng với các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn.

Ngày 7.4.1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam lệnh cho các đơn vị đang đổ quân vào chiến trường miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Mệnh lệnh:
1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ.
Ký tên: Văn”.

Ngày 8.4.1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia định (Công điện mật số 37/TK): “Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh... Chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn, có kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử”.

Thực hiện mệnh lệnh tại Công điện số 990b/TK ngày 4.4.1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại diện Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi cho các đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Ngày 10.4.1975, Bộ Tư lệnh Hải quân điều 3 tàu vận tải 673, 674 và 675 (Trung đoàn 125) từ Hải Phòng vào Đà Nẵng; ngày 11.4.1975, lực lượng chiến đấu gồm Đội 4 (Trung đoàn 126 đặc công nước), một số đội đặc công của Quân khu V và tỉnh Khánh Hòa do Trung tá Mai Năng chỉ huy tiến ra Trường Sa; ngày 14.4.1975, bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây; từ ngày 15 đến 29.4.1975, giải phóng các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa...

Ngày 9.4.1975, Quân đoàn IV và Sư đoàn 6 chủ lực Quân khu VII tổ chức những cuộc tiến công lên hướng đông, tiến đánh thị xã Xuân Lộc, một căn cứ trọng yếu bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. Ngày 21.4.1975, trước sức tiến công của quân ta, quân ngụy ở căn cứ Xuân Lộc buộc phải tháo chạy. Thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng, cánh cửa phía đông Sài Gòn đã được mở, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng đông, đông-nam. Trong lúc đó, lực lượng cánh quân duyên hải gồm Quân đoàn II và Sư đoàn 3 Quân khu V, trên đường hành quân, đã đập tan tuyến phòng thủ từ xa của Quân đoàn III ngụy ở Phan Rang, chiếm sân bay Thành Sơn, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Sau đó, phối hợp với các lực lượng quần chúng nổi dậy, giải phóng các tỉnh ven biển khu IV.

Do thấy trước tình hình không gì có thể cứu vãn khỏi sự sụp đổ, Mỹ - Thiệu trong vòng một tuần đã có những lời tuyên bố cùng với việc làm thể hiện sự sa sút tột độ về mặt tinh thần và ý chí. Ngày 18.4.1975, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn và đến ngày 23.4.1975 thì tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ”.

Ngày 20.4.1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho các quân đoàn và lực lượng vũ trang địa phương, hình thành thế bao vây với “5 quả đấm”:

Hướng tây - bắc Sài Gòn: Quân đoàn III - Binh đoàn Tây Nguyên do Thiếu tướng Vũ Lăng và Đại tá Đặng Vũ Hiệp chỉ huy, cùng 2 Trung đoàn 1 và 2 Gia Định, các đội đặc công, biệt động của thành đội Sài Gòn được pháo binh và lực lượng phòng không chiến dịch chi viện hỏa lực... có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với Quân đoàn I đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Hướng bắc Sài Gòn: Quân đoàn I - Binh đoàn Quyết Thắng do Thiếu tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh, Thiếu tướng Chu Minh Thi - Chính ủy chỉ huy, được tăng cường Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 Quân đoàn II và một Trung đoàn phòng không... có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Phú Lộc, diệt Sư đoàn 5 ngụy, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy và căn cứ Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch ở Gò Vấp.

Hướng đông - bắc Sài Gòn: Quân đoàn IV - Binh đoàn Cửu Long do Thiếu tướng Hoàng Cầm - Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Chính ủy chỉ huy, được tăng cường Lữ đoàn bộ binh 52 Quân khu V và một số tiểu đoàn có nhiệm vụ tiêu diệt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân đoàn III và Sư đoàn 18 ngụy ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu vào nội thành đánh chiếm dinh Độc Lập.

Hướng đông Sài Gòn: Quân đoàn II - Binh đoàn Hương Giang do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An - Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Linh - Chính ủy chỉ huy... có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa, các căn cứ Nước Trong, Long Bình, chặn đường rút chạy của địch trên sông Lòng Tàu, sau đó tiến vào nội thành, cùng Quân đoàn IV đánh chiếm dinh Độc Lập.

Hướng tây và tây - nam Sài Gòn: Đoàn 232 và lực lượng vũ trang Quân khu VIII do Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng - Chính ủy chỉ huy... có nhiệm vụ cắt đường số 4, đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha Cảnh sát ngụy.

Các đơn vị đặc công và lực lượng vũ trang thành phố Sài Gòn: có nhiệm vụ đánh địch, giữ các cầu vào thành phố, dẫn đường cho các binh đoàn thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công quân sự.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đến giai đoạn chót càng thêm quyết liệt với tốc độ nhanh “1 ngày bằng 20 năm”. Ngày 26.4, sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ từ xa của quân ngụy Sài Gòn, 5 cánh quân của ta gồm 4 Quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 cùng với binh khí đã tập kết đầy đủ tại nơi quy định, hình thành thế bao vây Sài Gòn.

------------
 Kỳ cuối: Ca khúc khải hoàn

PHAN THANH HẬU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơn lốc thần tốc - Kỳ 2: Lập thế bao vây với "5 quả đấm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO