Cơn lốc thần tốc - Kỳ cuối: Ca khúc khải hoàn

PHAN THANH HẬU 24/04/2015 08:58

Ngày 21.4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “từ chức” tổng thống của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ngày 26.4, Trần Văn Hương vừa lên thay Nguyễn Văn Thiệu làm “tổng thống” được 5 ngày đã phải tuyên bố nhường chức cho Dương Văn Minh.

  • Cơn lốc thần tốc - Kỳ 2: Lập thế bao vây với "5 quả đấm"
  • Cơn lốc thần tốc - Kỳ 1: Chớp thời cơ
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh bên chiếc đài bán dẫn theo dõi và chỉ đạo chiến dịch. Trong ảnh từ trái sang phải: Đỗ Văn Đức, Lê Ngọc Hiền, Trần Văn Trà, Đinh Đức Thiện, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng. Hàng đứng sau: Lê Quang Hòa, Đỗ Quang Hồ và các đồng chí khác. Ảnh tư liệu
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh bên chiếc đài bán dẫn theo dõi và chỉ đạo chiến dịch. Trong ảnh từ trái sang phải: Đỗ Văn Đức, Lê Ngọc Hiền, Trần Văn Trà, Đinh Đức Thiện, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng. Hàng đứng sau: Lê Quang Hòa, Đỗ Quang Hồ và các đồng chí khác. Ảnh tư liệu

Đúng 17 giờ ngày 26.4, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến 30.4) - tổng công kích giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đoàn giải phóng quân đồng loạt nổ súng trên các hướng, tiêu diệt các sư đoàn chủ lực còn lại của địch, đánh chiếm các căn cứ, mục tiêu quan trọng, phá vỡ các khu vực phòng thủ vòng ngoài, tiến thẳng vào trung tâm thành phố.

17 giờ ngày 28.4, ngay sau khi Dương Văn Minh tuyên bố nhận chức tổng thống và hô hào binh lính “bảo vệ lãnh thổ”, “không buông vũ khí”, thì một biên đội 5 chiếc máy bay A.37 (phi đội Quyết Thắng) của binh chủng không quân tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp đó, pháo binh ta dội bão lửa làm tê liệt mọi hoạt động của sân bay. Việc di tản bằng máy bay có cánh cố định bị ngừng trệ, khiến cho cuộc di tản người “liều mạng” của Mỹ phải chuyển sang bằng máy bay lên thẳng.

Ngày 29.4, quân ta tổng công kích trên toàn mặt trận. Tất cả cánh quân, gồm 15 sư đoàn chủ lực, đồng loạt tiến công và chỉ trong một ngày đã đập vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn, làm tan rã các sư đoàn chủ lực 5, 7, 25, 18 và 22 ngụy; ngăn chặn và tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của địch ở Tây Ninh, đồng bằng sông Cửu Long, không cho chúng co về Sài Gòn. Các binh đoàn của ta thọc sâu tiến vào cách trung tâm thành phố từ 10 đến 20 ki-lô-mét. Rạng sáng ngày 30.4, Đại sứ Mỹ G.Ma-tin và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút khỏi Sài Gòn.
5 giờ sáng ngày 30.4, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng. Mặc cho Dương Văn Minh kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền”, quân ta vẫn kiên quyết tiếp tục tiến công theo kế hoạch đã định với khí thế dũng mãnh, giải phóng và chiếm lĩnh thành phố, tước vũ khí, giải tán chính quyền các cấp của đối phương, đập tan mọi sự chống cự lại của chúng.

Các binh đoàn chủ lực từ nhiều hướng đồng loạt tiến vào nội thành, phối hợp với lực lượng bên trong, đánh chiếm các mục tiêu của đối phương như sân bay Tân Sơn Nhất, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô, Đài Phát thanh, Tổng nha Cảnh sát, căn cứ Hải quân, cảng Bạch Đằng... Vào lúc 10 giờ 45 phút, chiếc xe tăng 834 do Trung úy Bùi Quang Thận, đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng chỉ huy và xe tăng 390 (thuộc Lữ đoàn 203) dẫn đầu lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn II đánh chiếm dinh Độc Lập. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 66 (Sư đoàn 304) và Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn II) là những đơn vị đầu tiên cùng một số chiến sĩ biệt động đánh vào sào huyệt địch, buộc Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và toàn bộ nội các địch tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cùng với đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, ở đồng bằng sông Cửu Long, ngay từ ngày 13.3.1975, thực hiện đợt 2 kế hoạch tác chiến chiến lược trên phạm vi toàn miền, lực lượng vũ trang Quân khu VII và Quân khu IX đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp với quần chúng nổi dậy mở rộng vùng giải phóng, tạo thế trận mới, phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Trong thời gian các quân đoàn chủ lực chuẩn bị và thực hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang hai quân khu đã áp sát các thành phố, thị xã, cắt đường số 4 và các đường giao thông quan trọng, kìm giữ Quân đoàn 4 ngụy. Trên cơ sở thắng lợi đã giành được, trong các ngày từ 30.4 đến ngày 2.5, bộ đội chủ lực hai quân khu và lực lượng vũ trang các tỉnh nắm bắt chính xác thời cơ ngụy quyền Trung ương Sài Gòn đầu hàng, quân ngụy tan rã, đã kết hợp tiến công quân sự với phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 4, Quân khu IV và lực lượng kìm kẹp của địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, đảo Phú Quốc và các vùng biển tây nam của Tổ quốc. Đến ngày 2.5.1975, lực lượng vũ trang và bộ máy chính quyền ngụy Sài Gòn từ trung ương đến địa phương trên toàn miền Nam hoàn toàn tan rã. Toàn miền Nam được hoàn toàn giải phóng! Cả nước ca khúc khải hoàn.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Đó là cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc tiêu biểu của nhân dân ta. Cuộc chiến tranh đã kéo dài hơn hai thập niên (từ tháng 7.1954 đến 4.1975), dài hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử và phải chống lại một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới là đế quốc Mỹ.

Chiến thắng này đã chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, rửa sạch cái nhục và nỗi đau mất nước hơn một thế kỷ. Trên cơ sở đó hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển những thành tựu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xóa bỏ chướng ngại trên con đường thực hiện thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là một mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử dân tộc.

PHAN THANH HẬU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơn lốc thần tốc - Kỳ cuối: Ca khúc khải hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO