Trên thân chiếc tàu cá, bà con ngư dân thường vẽ hình con mắt. Nhiều câu chuyện truyền thuyết mang bóng dáng lịch sử, văn hóa dân tộc liên quan với hình tượng ấy mà các nhà nghiên cứu phải khổ công tìm cách giải mã.
Sách xưa như “Lĩnh Nam chích quái”, có viết: “Dân miền chân núi làm nghề chài cá, thường bị giao long làm hại, mới kêu Hùng Vương. Hùng Vương nói: loài ở chân núi với loài thủy tộc khác nhau. Loài kia ưa đồng loại mà ghét dị loại cho nên làm hại. Bèn khiến người ta lấy mực mà xăm mình thành hình thủy quái, từ đó không còn nạn giao xà làm hại nữa. Cái tục xăm mình bắt đầu từ đó”. Tổ tiên ta xăm mình để lặn xuống nước săn bắt thủy sản. Sau này, khi biết làm thuyền đánh bắt thì vẽ mắt thuồng luồng. Có nơi quan niệm con thuyền cũng như con cá, nên phải có mắt mới thấy đường đi và tránh nguy hiểm. Lại có vùng, ngư dân cho rằng, đó là con mắt chim ó, loài chuyên săn cá trên biển.
Không rõ con mắt thuyền ấy có làm cho loài thủy quái sợ hay không, nhưng điều chắc là cái tục ấy khiến ngư dân cảm thấy vững niềm tin. Ngày nay, qua bao biến thiên, tín ngưỡng vẫn lưu truyền dù giờ đây công nghệ đóng tàu thuyền đã hiện đại. Và từ chuyện vẽ con mắt thuyền cho ta nghĩ đến điều xa hơn về chiến lược phát triển hướng ra biển. Như Quảng Nam, chiến lược đã định hướng con đường ra biển như một sinh lộ cho tương lai, tuy nhiên do nghèo khó nên không đủ nguồn lực trang bị đội tàu công suất lớn. May thay, là một trong những địa phương được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67 (25/8/2014) của Chính phủ, Quảng Nam sẽ có cơ hội để hiện đại hóa nghề cá với tàu thuyền mã lực lớn. Đến nay, tỉnh đã thực hiện phân bổ chỉ tiêu tàu cá đóng mới cho 6 huyện, thành phố nghề cá với 92 chiếc tàu có công suất từ 400CV trở lên.
Phát triển kinh tế biển không chỉ có ý nghĩa để làm giàu. Ngày nay, biển là cửa mở để đi ra thế giới qua con đường hàng hải. Có giữ được biển thì bờ mới yên. Các thế lực nước lớn cũng luôn dòm ngó phần biển Đông của Việt Nam. Vì thế, phát triển đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ đủ mạnh, chính là tạo thêm những con mắt canh cõi. Càng nhiều con mắt thuyền và con mắt người đồng điệu trên đường rẽ sóng vươn khơi, khiến cho loài thủy quái, hải tặc từ nước khác tràn đến phải chùn bước. Do đó, thật ý nghĩa khi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và Bộ đội Biên phòng phối hợp phát động chương trình “Vì những con tàu xa khơi”. (Cuối tuần rồi, tại Cù Lao Chàm, từ nguồn huy động qua kênh MTTQ Việt Nam của các huyện thị đã trao tặng 1,25 tỷ đồng cho chương trình này).
Con mắt canh cõi đang tìm cách vượt lên những ngọn sóng triều dâng biển cả. Cần phải “vẽ” đậm hình ảnh con mắt ấy từ trong tâm tưởng, nhận thức của cộng đồng cư dân ven biển, trong chiến lược phát triển kinh tế - quốc phòng và cụ thể bằng những chương trình, dự án. Hiện đại hóa tàu thuyền chỉ là một biện pháp. Sức mạnh tổng hợp từ hệ thống chính trị, từ lòng dân đồng thuận, sẽ cho con mắt canh cõi luôn sáng suốt, tỉnh táo, nhìn xa trông rộng.
ĐĂNG QUANG