(QNO) - Phan Khôi là tấm gương của một nhà báo dũng cảm đương đầu và đối mặt với những vấn đề nóng bỏng, thẳng thắn thể hiện chính kiến của mình. Chính vì thế các bài báo không chỉ mang tính thời sự rất cao mà còn thể hiện được tính chiến đấu: Kinh tế xứ ta đã có cơ hồi phục nguyên trạng hay chưa?, Chánh phủ bảo hộ với điều ước 1884, Bên tàu cấm hút, bên An Nam hết thuốc phiện lậu…
Bằng con mắt tinh đời, sắc sảo của một nhà báo, ông đã phát hiện những điều mà người khác nhìn nhưng không bao giờ thấy. Hoặc giả thấy nhưng không dám phản ánh. Hoặc phản ánh không tới cùng, không toàn triệt. Cho nên, phần lớn các bài báo của ông đều mới và lạ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy tính chất trào lộng, mỉa mai hài hước qua một số bài báo của Phan Khôi. Phần lớn tập trung ở chuyên mục “Có có không không”; đây là chuyên mục hài đàm, mỗi bài là một tiểu phẩm châm biếm, trào phúng. Ông đã phê phán cái xấu, mặt chưa được bằng vũ khí tiếng cười qua các bài như: “Chửi như vậy không oai”, “Tiêu sao được mà tiêu”, “Không họ thích phẩm hàm hơn tiền bạc”, “Ông cấm đi guốc, tôi buộc đi giày”, “Vứt mẹ nó đi”, “Bắt phong trần phải phong trần”...
Trong bài “Khoa học của nước Việt Nam”, Phan Khôi viết: “Thành phố Hà Nội bàn với ông Nguyễn Công Tiểu chán rồi vừa đấy mới bỏ ra một số tiền một trăm đồng để ông ấy dùng mà trừ cái nạn ve sầu cho thành phố”, cách vào đề đã gây ấn tượng mạnh với câu chuyện vì ve phá giấc ngủ trưa của một hạng người - những người Pháp cầm quyền trên đất Hà Nội, nên họ giao cho nhà khoa học Nguyễn Công Tiểu diệt hết lũ ve. Cái cười bật lên thông qua mâu thuẫn, bởi người dân lầm lũi lao động ở các phố hàng Bông, Cầu gỗ… chẳng hề bị lũ ve làm phiền vì mải mê làm việc. Hơn thế nữa, cái cười còn toát ra từ việc so sánh chuyện diệt lũ ve ở Hà Nội với việc người Pháp hồi trước cách mạng, bọn quý tộc Pháp còn cho hàng ngàn dân trong thành phố đi bắt ếch và giết cũng vì phá giấc ngủ của họ.
Một phương diện khác làm nên phong cách của Phan Khôi đó là ngôn từ báo chí của ông rất cá tính. Trong cấu trúc ngữ pháp, Phan Khôi sử dụng nhiều từ cảm thán, kiểu câu cảm thán, câu hỏi, lặp cấu trúc. Vị trí của nó thường nằm cuối mỗi bài như: “Chỉ tiếc thay cái khoa học của nước Nam!”, “Song quan phủ mộ đức ngài có mong đến ngày ấy đâu, tôi đi guốc trong bụng ngài!”, “Té ra đức Chúa Trời đã bắt phong trần thì phải phong trần. Đừng nói vào nhà tu mà khỏi phong trần: đến ngày làm giám mục là ngày chịu phong trần nhiều hơn!”…
Những bài báo của Phan khôi chứa đựng tinh thần yêu nước sâu sắc. Ông phê phán mạnh mẽ, lên án những chính sách sai trái của người Pháp đối với Việt Nam, những lệnh ngớ ngẩn, càn quấy: lệnh cấm đi guốc, phải đi chân trơn khi vào nhà quan phủ bẩm báo. Lập luận sắc sảo của Phan khôi được tạo nên bởi ông dùng chính hiểu biết về ngôn ngữ Pháp để đập lại lệnh phân biệt đối xử của người Pháp, coi thường dân An Nam của những kẻ xâm lược. Trong tiếng Pháp, động từ không chia số nhiều hay số ít khi đứng sau tất cả các chủ ngữ số ít và số nhiều. Theo lối chia verbe trong tiếng Pháp: Tôi đi giày, anh đi giày, nó đi giày, chúng tôi đi giày, các anh đi giày, từ đó, ông đưa ra kết luận đã là người thì ai cũng phải được đi giày, vì nghèo nên người An Nam đi guốc, quan phủ đáng ra không đựợc cấm họ đi guốc. Đó là cách yêu nước, yêu dân riêng của Phan Khôi. Ông ý thức dùng ngòi bút để đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Bằng vốn hiểu biết sâu rộng, giỏi ngoại ngữ, Phan Khôi đã có cái nhìn so sánh mọi vấn đề, chính cái nhìn so sánh khiến tư duy báo chí ông sắc nhọn.
Với Phan Khôi, viết báo là một sự dấn thân. Ông đã dấn thân đến tận cùng và toàn triệt để mang lại những tác phẩm báo chí có giá trị cao. Những bài báo của Phan Khôi được lập luận một cách chặt chẽ, giàu sức chiến đấu và chinh phục tình cảm của người đọc. Đọc những bài báo của Phan Khôi, chúng ta cảm nhận được tình cảm của tác giả, sự yêu ghét rất rõ ràng. Phan Khôi toàn tâm trong cuộc chiến chống lại những cái xấu, cái nhiễu nhương của nhà cầm quyền Pháp, để bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.
Có thể nói, Phan Khôi đóng vai trò quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Ông đã ý thức một cách sâu sắc thiên chức và đạo đức của một nhà báo chân chính, có chính kiến và lập trường dân tộc. Từ sự nghiệp báo chí của ông, những người làm báo hôm nay học được biết bao điều, như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân từng đánh giá: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung Quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lí thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học.
Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức”.
HUỲNH THỊ THU HẬU