Còn người mê sân khấu

LÊ QUÂN 08/10/2017 10:39

Những sân khấu được dựng nên. Từ miền núi, miền biển, đến thành phố, bao giờ cũng được người dân say mê đón nhận…

Dâng hương ngày giỗ Tổ nghề sân khấu – biểu lộ lòng tri ân với tổ tiên nghề nghiệp. Ảnh: LÊ QUÂN
Dâng hương ngày giỗ Tổ nghề sân khấu – biểu lộ lòng tri ân với tổ tiên nghề nghiệp. Ảnh: LÊ QUÂN

Và những say mê này cho thấy sức hút của những loại hình sân khấu ca kịch dân gian, hay thậm chí cả sân khấu ca nhạc, dù diễn viên, ca sĩ… là những người chuyên hay không chuyên. Cũng chính điều đó trở thành động lực để nhiều người vẫn còn đeo bám với nghề sân khấu.

Chia sẻ để phát triển

Buổi giỗ tổ nghề sân khấu hôm 12.8 âm lịch, ở một góc không gian của Trung tâm Văn hóa TP.Tam Kỳ, rất đông người tìm đến. Vì ở đó, họ nghe có tiếng trống chiến, trống chầu, tiếng người đọc khai hương bài cúng tổ, tiếng những âm thanh của một dàn nhạc truyền thống xen lẫn hiện đại. Và đó, cũng là dịp để đầu tiên là những người mê giai điệu, mê sân khấu ở một nơi ít có điều kiện về phát triển nghệ thuật chuyên nghiệp, gặp nhau. Ông Nguyễn Hóa, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ AE Music – sân chơi của nhóm những nhạc công và diễn viên trong các hội diễn quần chúng của cả tỉnh - chia sẻ rằng, ngoài ý niệm của một ngày giỗ tổ nghề, tạ ơn tiên tổ và bày tỏ lòng thành kính với những bậc tiền bối, sư phụ đi trước trong nghề, thì ngày này cũng là một cơ hội để những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, sân khấu gặp nhau. “Hình thành nên AE Music, tức là câu lạc bộ của những người anh em nhạc công, dẫn chương trình, ca sĩ, diễn viên…, miễn là có mê đứng trên sân khấu, chúng tôi chỉ mong một tinh thần duy nhất: chia sẻ” - ông Nguyễn Hóa nói. Và với nghề sân khấu, chia sẻ là điều đầu tiên cũng như cuối cùng để những người làm nghề phát triển. Vì cái ý tưởng này, mà anh nhạc công đàn organ Nguyễn Hóa tất tả từ gần một năm trời, cùng với anh chàng dẫn chương trình Nguyễn Đăng Ngộ, để tập hợp anh em trong nghề. Cùng chia sẻ, cùng phát triển, cùng tạo và giữ cho một sân khấu mang tính chuyên nghiệp. Từ đó, họ cũng tạo nên một không gian mới – không gian dành cho câu chuyện sân khấu.

Hẳn sân khấu, đầu tiên phải là một sân chơi. Đã chơi thì phải chơi cho thật đẹp, cho đúng cách, cho văn minh. Lần đầu tiên 55 con người mang trong mình dòng máu mê nhạc, đứng cùng nhau để cùng nhìn về một chiều kích mới. “Không có cạnh tranh, không có những xảo thuật, hơn hết, còn để giúp đỡ những anh em mới bước vào nghề tự tin và có nhiều cơ hội làm nghề, chưa kể, AE Music sẽ còn mang sân khấu, giai điệu đến những nơi khó khăn. Để ai, dù thế nào, cũng cần được thưởng thức nghệ thuật” - ông Nguyễn Hóa nói thêm. Chưa đầy 2 tháng thành lập nhưng AE Music đã có một lịch hoạt động khá kín,  trong đó có lần dựng chương trình sân khấu cho làng trẻ em SOS. Và đúng với tinh thần của nghề sân khấu, khi đã bước chân lên không gian diễn xướng, thì buộc anh phải làm hết mình, phải rút ruột ra diễn, ra ca. Người ta còn mê những sân khấu ca nhạc ở các góc phố, sân đình, bởi ở đó, người ta thấy giọt nước mắt hay giọt mồ hôi của người đang diễn xướng.

AE Music, như một đốm sáng để đưa câu chuyện phát triển các sân khấu âm nhạc, ca kịch ở xứ Quảng thiên về hướng lạc quan. Bởi đã có một hạt mầm, thì hẳn sẽ có vài mầm cây nhỏ thi nhau vươn lên.

Và sân khấu chuyên nghiệp

Hình như luôn hoài nghi, là cảm giác của người ngoài cuộc khi nhìn vào các đoàn ca kịch, các sân khấu được nhà nước bao cấp. Ngay cả những người trong nghề, họ cũng luôn hoài nghi về sự tồn tại của nghệ thuật ca kịch truyền thống họ đang đeo bám. Tìm kiếm diễn viên như lựa gạo trên sàng. Người đi theo sân khấu chuyên nghiệp, nếu không có máu nghề, thì hẳn sẽ rất dễ chùng lòng. Quá nhiều khó khăn ở Đoàn Ca kịch Quảng Nam, từ thu nhập, cơ sở vật chất đến tìm kiếm lớp diễn viên trẻ kế cận. NSND Từ Minh Hiệp nói, ông nhiều bữa đến từng địa phương mạnh về các phong trào văn hóa văn nghệ, với niềm tin khấp khởi sẽ tìm được học trò. Nhưng rồi lại quay về đoàn “có mình ên” - ông kể - khi người có thanh sắc thì lại không muốn đi vào con đường phải lắc cắc từng chi tiêu nhỏ mới đủ sống. Hoặc đôi khi thất vọng tràn trề khi đã lựa chọn, đã thuyết phục được người trẻ vào đoàn, được vài bữa lại bỏ ngang, vì thấy quá cực. Nhưng khó là vậy, vẫn có đủ niềm tin để những diễn viên chuyên nghiệp của Đoàn Ca kịch bám nghề. Họ vẫn truyền tai nhau về niềm vui thích của người dân mỗi khi nghe tin sẽ có vở diễn của Đoàn Ca kịch về lại địa phương. “Chắc là hay lắm? Có bán vé không? Có giấy mời bán không? Những câu hỏi như vậy cứ rộn rã xung quanh sân khấu vừa mới được dựng lên. Điều đó chứng tỏ sức sống của sân khấu vẫn còn, người mê vẫn còn, và điều đó cũng là động lực để chúng tôi bám nghề” - NSND Từ Minh Hiệp nói.

những vở diễn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam luôn có sức hút với khán giả.
những vở diễn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam luôn có sức hút với khán giả.

Thế nhưng, một vấn đề đang làm nhức nhối những người yêu nghề nhất được đặt ra. Sân khấu một số vùng miền, một số loại hình sân khấu đang đóng băng. Qua rồi cái thời người người, nhà nhà đi xem kịch, xem tuồng. Chỉ nghe phong thanh chỗ nọ, chỗ kia có vở mới, người xem đổ xô đến. Giờ đây, gặp những người đứng tuổi, hỏi về sân khấu xưa, mọi người vẫn say sưa nhắc lại vở  “Lưu Bình Dương Lễ”, “Từ Thức gặp tiên”, “Đồng tiền vạn lịch”… hay các nghệ sĩ nức tiếng một thuở của xứ Quảng Đà xưa. NSND Trần Đình Sanh, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, vẫn cứ hoài tiếc cái tinh thần của sân khấu ngày cũ, hay bày tỏ xót xa khi nghệ sĩ tuồng hay ca kịch dân gian truyền thống phải xoay đủ nghề để đêm về đứng trên sân khấu đóng đào, đóng kép. Nhưng “đã mang lấy nghiệp vào thân”, thì phải chịu thôi, chứ biết sao giờ…

Nhưng họ còn đó, là khán giả mê say ở nhiều vùng miền. Người dân mình kỳ lạ lắm, dù chuyên hay không chuyên, cứ có sân khấu dựng lên, có vở có tuồng, có lớp lang trang phục, là họ đi xem. Xem nhiệt tình, say đắm. Ông Lý Như Sanh, người khá nổi tiếng ở huyện Núi Thành với giọng ca kịch bài chòi ngọt ngây, điệu diễn vai nào là y rằng “đo ni đóng giày” cho vai đó, nói rằng bản thân người miền biển rất ham thích về dân ca bài chòi, hát bả trạo. “Đi đến nhiều địa phương và mình cảm nhận được cái tình của họ, họ rất mê, cũng rất nhiều nơi lưu giữ, nếu nói riêng địa bàn của huyện Núi Thành, thì loại hình sân khấu ca kịch dân ca được khuấy động rất nhiều. Đặc biệt là ở các tổ dân cư đoàn kết vẫn tổ chức nhiều sân khấu. Người dân họ yêu mến các giá trị sân khấu, rất quý trọng người diễn” - ông Sanh nói. Ở vai của một người làm văn hóa cơ sở lâu năm, ông Lý Như Sanh chia sẻ thêm, chuyện bảo lưu, phát huy các giá trị của một sân khấu nghệ thuật truyền thống, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dù sự quan tâm của nhà nước rất tốt. “Khi còn công tác ở Trung tâm Văn hóa huyện, mặc dầu ở chúng tôi mở rất nhiều chương trình đào tạo giọng ca để kế thừa, nhưng như “hột gạo trên sàng”, rất ít em có năng lực đi theo nghề” - ông Sanh nói. Cái khó này, gần như là khó chung của cả ngành sân khấu truyền thống.

May mắn thay, trong khoảng vài năm trở lại đây, khi bolero lên ngôi trở lại, những dòng nhạc về dân ca lại có cơ hội ngược dòng ngoạn mục tìm chỗ đứng trong lòng người. “Từ bolero, các bạn trẻ lại tìm thêm đến dân ca, bởi bản thân bolero đã có trong đó cái chất dân ca, các làn điệu lý từ đây lại có cơ hội thâm nhập vào các em, và gần như nó tiến vào một chiều sâu hơn” - ông Lý Như Sanh chia sẻ. Hẳn đây, cũng là tín hiệu mừng cho ngành sân khấu.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Còn người mê sân khấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO